Logistics miền Tây sẽ phát triển mạnh mẽ trong 5 – 10 năm tới

Phạm Sơn - 11:32, 31/03/2022

TheLEADERNhận định này được đưa ra bởi ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành phố Cần Thơ, khi nhu cầu vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cao nhưng logistics chưa đáp ứng được.

Logistics miền Tây sẽ phát triển mạnh mẽ trong 5 – 10 năm tới
Thiếu kho chứa, thủy sản cũng như hoa quả, lúa gạo khó có thể chủ động điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Là vùng phát triển thủy sản hàng đầu Việt Nam nhưng 85% sản lượng thủy sản xuất khẩu của miền Tây đi ra nước ngoài thông qua các cảng biến ở TP.HCM và Vũng Tàu, chưa kể đến lượng đáng kể xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ.

Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, việc vận chuyển đường dài để lên các cảng phía xa khiến chi phí bị đội lên đáng kể.

Đó là chưa nói đến việc những trục trặc có thể phát sinh trên quãng đường dài, ví dụ như nhiệt độ giữ lạnh, nếu để xảy ra sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thủy sản, về lâu dài làm mất đi uy tín của doanh nghiệp, từ đó mất đối tác, mất thị trường.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành phố Cần Thơ nhận xét, logistics là một trong hai yếu điểm làm giảm năng lực cạnh tranh của thủy sản miền Tây, bên cạnh vấn đề về thương hiệu.

Không chỉ dịch vụ vận tải mà việc thiếu các kho lạnh cũng khiến thủy sản chịu nhiều khó khăn. Ông Lam cho biết, việc thiếu hụt các kho lạnh khiến các doanh nghiệp gặp rắc rối với vấn đề trữ hàng. Không có nguồn hàng dự trữ, doanh nghiêp hoàn toàn bị động trước những biến động thị trường đầy khó lường như hiện nay.

Hoa quả, lúa gạo cũng gặp phải vấn đề tương tự. “Lâu lâu lại có đợt giải cứu nông sản. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kêu gọi không giải cứu nữa mà phải làm theo vụ mùa, theo thị trường. Tuy nhiên nếu có đủ kho trữ nông sản thì mới chủ động theo thị trường được”, giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết.

Cầu cao, cung thấp

Năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17 – 18 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu. Gần 80% lượng hàng hóa này phải xuất khẩu qua cảng ở TP.HCM và miền Đông Nam Bộ.

Trong khi đó, các cảng biển ở miền Tây chỉ hoạt động được từ 15 – 20% công suất. Lý giải về điều này, ông Hòe cho biết, trên 85% cảng biển miền Tây manh mún, công suất xếp dỡ chỉ đạt 10 nghìn tấn mỗi năm.

Logistics ở đồng bằng sông Cửu Long dù đã được Chính phủ chú trọng đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn quá ít ỏi, yếu kém so với tiềm năng và điều kiện của vùng. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cho biết, hiện nay có khoảng hơn 1,6 nghìn doanh nghiệp logistics đang hoạt động ở miền Tây, tức là xấp xỉ gần 4,5% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước, con số cực kỳ thấp.

Nhu cầu cao trong khi số lượng doanh nghiệp cung ứng còn quá thấp, rõ ràng tiềm năng và dư địa phát triển dịch vụ logistics tại miền Tây là rất lớn. Ông Lam nhận định, logistics tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ bùng nổ trong khoảng 5 – 10 năm tới.

Cùng với đó, phát triển logistics tại miền Tây cũng đang rất được quan tâm, khuyến khích từ phía Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương. Mới đây, 6 cơ chế đặc thù phát triển Cần Thơ đã được thông qua, cùng với quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chỉ ra rõ mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm về logistics cho miền Tây.

Phát triển logistics miền Tây đặc biệt quan trọng không chỉ với xuất khẩu nông sản, hàng hóa mà còn nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thư ký VLA nhận định, cần phải xác định rõ đường hướng phát triển của logistics miền Tây.

Cụ thể, đối với thành phố Cần Thơ, ông Minh đề nghị nên xây dựng thành một trung tâm trung chuyển thay vì tìm cách đưa container xuất khẩu trực tiếp, bởi xuất khẩu trực tiếp đòi hỏi phải có khối lượng hàng nhập khẩu tương đương với khối lượng xuất khẩu. Đây là điều không thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

“Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian dài làm trạm trung chuyển cho Singapore, trước khi tích lũy đủ lượng hàng nhập khẩu để tự mở những cảng biến lớn”, ông Minh nhận xét. Tương tự, đối với Cần Thơ cũng như toàn miền Tây, việc phát triển logistics trở thành trạm trung chuyển là bước đệm cần thiết.

Một đề xuất khác được lãnh đạo VLA đưa ra là phát huy vai trò của sân bay Cần Thơ, đóng vai trò xuất khẩu trực tiếp bằng đường hàng không. Để làm được điều này, doanh nghiệp và hãng vận tải cần hợp tác với nhau để xây dựng hạ tầng kho hàng cho sân bay Cần Thơ.