Chuỗi cung ở miền Tây vốn đã ‘đứt gãy’ từ trước đại dịch

Phạm Sơn - 20:23, 30/03/2022

TheLEADERThiếu một cơ chế liên kết vùng chặt chẽ là nguyên nhân gây ra nhiều “nỗi đau” của vùng đất Chín Rồng, trong đó có sự yếu kém lâu nay của hệ thống logistics.

Chuỗi cung ở miền Tây vốn đã ‘đứt gãy’ từ trước đại dịch
Liên kết với nhau là chìa khóa phát triển logistics miền Tây. Ảnh: Báo PL.

Tháng 7/2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng tại khu vực miền Nam. Tình thế hiểm nghèo đặt ra cho bà con nông dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp khi nhiều mặt hàng nông sản đang đến kỳ thu hoạch.

Khi đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất với 7 tỉnh, thành lân cận về mong muốn tổ chức một cuộc họp bàn việc hợp tác kết nối chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Thư mời được gửi đi nhưng cuộc họp chính thức diễn ra vào… 3 tháng sau, khi dịch bệnh đã được kiểm soát và các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành phố Cần Thơ được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gọi điện “cầu cứu” vì “gửi thư mời mà các tỉnh chẳng ai hồi âm”.

Lựa lời trấn an vị lãnh đạo địa phương nhưng ông Lam hiểu rõ câu chuyện đằng sau đó, bởi lãnh đạo thành phố Cần Thơ có nói với ông rằng “rất muốn” nhưng cũng “rất khó”, bởi “tôi có quyền gì để bảo tỉnh này, tỉnh kia phải làm gì”.

Một câu chuyện tương tự diễn ra trước đó, vào thời điểm giá cá tra tụt dốc không phanh. Xác định được nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh quá mức gay gắt và khốc liệt, các doanh nghiệp “giành giật nhau nguyên liệu sản xuất”, 4 tỉnh là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã họp với nhau để tìm ra cơ chế hợp tác quản lý, ổn định vùng nguyên liệu.

Cả 4 vị phó chủ tịch tỉnh đều hào hứng, đều thể hiện thái độ rất có trách nhiệm nhưng sau đó không có động thái gì được triển khai. Lý do là vì thiếu cơ chế, vì các tỉnh “không thể bóp quy hoạch để nhường cho tỉnh khác”.

Liên kết để ‘giải phương trình’ logistics miền Tây
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

Giám đốc VCCI nhận định, câu chuyện về liên kết vùng tại đồng bằng sông Cửu Long suốt nhiều năm nay vẫn tiếp diễn như vậy. Dù các địa phương đều hiểu ý nghĩa, hiểu tầm quan trọng của việc liên kết vùng nhưng thiếu cơ chế để sự liên kết đó được hình thành một cách chặt chẽ.

Thiếu một cơ chế liên kết vùng chặt chẽ là nguyên nhân gây ra nhiều “nỗi đau” của vùng đất Chín Rồng, trong đó có sự yếu kém của hệ thống logistics.

Ông Lam nhận xét, logistics ở miền Tây chỉ như “cậu bé mới lớn” dù rất có nhu cầu phát triển. Miền Tây sở hữu khối lượng nông sản khổng lồ, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của VCCI, có khoảng 80% nông sản miền Tây được xuất khẩu thông qua cảng biển ở TP.HCM và cụm cảng biển ở miền Đông Nam Bộ, trong khi 15 cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động được 15 – 20% công suất.

Xuất khẩu từ các cảng biển xa, thời gian vận chuyển dài, làm đội chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp miền Tây ước tính tốn thêm khoảng 5 – 10 USD cho mỗi tấn hàng xuất khẩu.

Để giải được bài toán về logistics, cơ chế liên kết vùng đặt ra là nhiệm vụ ưu tiên, được khẳng định trong nhiều nghiên cứu, báo cáo về miền Tây cũng như quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực tế, cơ chế về liên kết vùng cho 13 tỉnh thành miền Tây đang rất được chú trọng từ các bộ, ngành và Trung ương. Một số đơn vị như Tổng cục Hải quan; Kho bạc nhà nước; Ngân hàng nhà nước hay gần đây nhất là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng chi nhánh chung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, ông Lam đặt kỳ vọng sẽ nhanh chóng có một cơ chế đầy đủ và đủ mạnh để thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa 13 tỉnh, thành miền Tây.

Tuy nhiên, bên cạnh sự liên kết giữa chính quyền địa phương, bài toán phát triển logistics còn cần cả sự liên kết của cộng đồng doanh nghiệp, cũng là một “điểm yếu” tại miền Tây.

“Chúng tôi làm việc với từng doanh nghiệp lớn ở miền Tây. Thay vì ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau, hợp tác với nhau, nhiều doanh nghiệp lại chỉ đang “dòm nhau”. Qua phòng anh này thì thấy có xấp hồ sơ của anh kia, qua phòng anh kia lại có xấp hồ sơ về anh khác”, ông Lam chỉ ra thực trạng.

Theo ông Lam, nói về sự liên kết, cũng tương tự như câu chuyện với các địa phương, các doanh nghiệp “cũng muốn liên kết lắm nhưng động đến lợi ích là bắt đầu tính lại”. Điều này xuất phát từ văn hóa kinh doanh, tư duy, quan điểm cũ khi làm kinh doanh.

Mặc dù vậy, bài toán liên kết cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc bởi sẽ tạo ra nhiều giá trị về lâu dài. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn nếu chịu bỏ qua lợi ích trước mắt để liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ hơn chắc chắn sẽ xây dựng được tiếng nói tốt hơn cũng như nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Đồng quan điểm với lãnh đạo VCCI Cần Thơ, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cho biết, muốn dịch vụ logistics phát triển, rất cần có sự liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ dừng lại trong ngành mà còn là liên kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.

Đối với trường hợp tại miền Tây, ông Minh đề xuất cần có sự “ngồi lại với nhau” giữa các chủ hàng lớn và các hãng tàu lớn để thống nhất bài toán về cung ứng dịch vụ logistics, làm sao để khớp giữa cung và cầu dịch vụ logistics. Các chủ hàng nên lựa chọn một số hãng tàu nhất định có khả năng vận tải đa tuyến để tạo mối liên kết, hợp tác ban đầu.

Một trường hợp thành công trong mô hình liên kết này là công ty Mekong Logistics, liên doanh giữa công ty logistics Gemadept và công ty thủy sản Minh Phú, được thành lập để phát triển hệ thống kho lạnh chuyên dụng, xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài.

Ông Minh cho biết, tuy nói là có nhiều tiềm năng phát triển nhưng doanh nghiệp logistics ít khi dám mạo hiểm đầu tư nếu chưa nắm chắc nhu cầu của doanh nghiệp chủ hàng. Vì vậy, việc liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp logistics đầu tư mạnh hơn vào miền Tây.