Lợi nhuận khiêm tốn các công ty kinh doanh hàng hiệu của IPP Group

Trần Anh - 14:47, 09/10/2020

TheLEADERIPP Group của gia đình ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn gắn liền với các thương hiệu thời trang xa xỉ nhưng kết quả kinh doanh khiêm tốn và kém xa mảng dịch vụ hàng không.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến chủ yếu với lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, website của Tập đoàn cho biết IPP chiếm đến gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước.

Lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, thời trang được IPP Group thực hiện qua các công ty như DAFC, ACFC và CMFC. Trong đó, DAFC phân phối loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Rolex, Bvlagri, Burberry, … Còn ACFC và CMFC phân phối sản phẩm của các thương hiệu Levi’s, Nike, Mango...

Lợi nhuận khiêm tốn các công ty kinh doanh hàng hiệu của IPP Group
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group

Dù mang tiếng kinh doanh hàng xa xỉ, lợi nhuận DAFC thu về hàng năm lại rất bình thường, nếu không muốn nói là kém hiệu quả. Năm 2019, DAFC đạt xấp xỉ 1.250 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ thu về 42 tỷ đồng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận của công ty chỉ đạt 3,4%.

Trong khi đó, công ty phân phối thời trang trung cấp ACFC có kết quả kinh doanh khá hơn. Năm 2019, công ty cũng có doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng thu về 145 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương tỷ suất lợi nhuận khoảng 8%.

Khả năng sinh lời của các công ty hàng hiệu dưới trướng ông Jonathan Hạnh Nguyễn kém hơn hẳn nếu so sánh với các công ty phân phối hàng hiệu khác trên thị trường như Tam Sơn (phân phối Hermes, Patek Philippe, Chopard, Bottega Veneta, Boss…)

Bên cạnh chuỗi các cửa hàng thời trang, IPP Group còn đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực ẩm thực thông qua Công ty IPP F&B – công ty thành viên được IPP Group sở hữu 89% vốn điều lệ.

Công ty IPP F&B được xem là một mắt xích quan trọng của IPP Group, nhận nhiệm vụ mang các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng vào Việt Nam, với loạt nhà hàng, quán café sang trọng đến chuỗi cửa hàng nhượng quyền của các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới như Burger King, Domino's Pizza, Dunkin' Donuts, Popeyes.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của IPP F&B khiêm tốn hơn nhiều so với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Trong giai đoạn từ 2015 – 2019, IPP F&B ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp đôi từ mức 302 tỷ đồng lên 643 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty liên tiếp báo lỗ liên tiếp cho tới năm 2018, đến năm ngoái IPP F&B mới ghi nhận lãi 59 tỷ đồng.

Được biết, IPP F&B còn hợp tác với Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Cánh Diều Xanh, cũng là một thành viên của hệ sinh thái IPP Group để đầu tư vào chuỗi cửa hàng gà rán Popeyes.

Cánh diều Xanh được thành lập năm 2011, trong đó IPP Group góp 108 tỷ đồng, sở hữu 90% vốn điều lệ. Hoạt động của Cánh diều Xanh cũng không khá khẩm hơn IPP F&B khi năm nào cũng thua lỗ. Tính tới cuối năm 2019, công ty đã âm vốn chủ sở hữu 189 tỷ đồng.

Điểm sáng hiếm hoi trong chuỗi ẩm thực của IPP Group có lẽ là Autogrill VFS F&B. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2013 trên cơ sở liên doanh với tập đoàn Autogrill của Italia chuyên về ẩm thực du lịch và bán lẻ. Trong đó, Công ty IPP F&B nắm giữ 30% vốn điều lệ.

Điểm nổi bật của Autogrill VFS F&B là có các thương hiệu ẩm thực Việt Nam độc quyền như: Big Bowl (các món phở và bún), Saigon Café Bar Kitchen, HaNoi Café Bar Kitchen… được bán tại các sân bay Việt Nam.

Nhờ đà tăng trưởng của ngành hàng không tại Việt Nam, kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B khá ấn tượng. Trong vòng 4 năm từ 2015-2019, doanh thu của công ty tăng hơn gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.158 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty cũng tăng mạnh từ 76 tỷ đồng lên 286 tỷ đồng.

Bất chấp mảng kinh doanh hàng hiệu của “vua hàng hiệu” không như ý, hoạt động của tập đoàn IPP lại có sự cải thiện đáng kể qua các năm. Năm 2019, doanh thu thuần của IPP Group đạt 357 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần của công ty đạt gần 225 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với mức 129,13 tỷ đồng năm 2018. Quy mô của IPP Group cũng rất lớn khi tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của IPP đạt 5.481 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 3.733,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận khiêm tốn các công ty kinh doanh hàng hiệu của IPP Group 1
IPP Group kinh doanh trên đa lĩnh vực với nhiều thương hiệu khác nhau

Điểm tựa của IPP Group không đến từ hàng hiệu mà nhờ vào mảng kinh doanh dịch vụ hàng không. Hiện công ty mẹ IPP Group cùng DAFC và ACFC đang nắm giữ 45% cổ phần của Sasco Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay.

Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay… Lợi nhuận hàng năm của Sasco hiện đạt trên 400 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đến từ hoạt động kinh doanh phòng chờ VIP tại sân bay.

IPP Group cũng là cổ đông chính của Công ty Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC). Trong năm 2018 cũng là năm đầu khai thác, CRTC – một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên đầu tư nhà ga sân bay – đạt doanh thu 560 tỷ và 52 tỷ đồng.

Ngoài ra, IPP còn có những mảng kinh doanh ít được biết đến hơn như IPP Sprits (kinh doanh rượu), IPP Leaf (kinh doanh nguyên liệu thuốc lá), logistics, IPP Tech (bán lẻ đồ công nghệ)…