Lợi nhuận Sabeco tăng mạnh sau gần 2 năm về tay người Thái

Trần Anh - 08:00, 06/08/2019

TheLEADERDù quy mô doanh thu không đổi, biên lợi nhuận của Sabeco tăng đáng kể chỉ một thời gian ngắn sau khi về tay Thaibev.

Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 với doanh thu đạt 9.088 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 9.170 tỷ của cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp của công ty tăng vọt, giúp lợi nhuận trước thuế tăng lên 1.872 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của Sabeco.

Lũy kế 6 tháng năm 2019, doanh thu của Sabeco đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 16%.

Sau khi về tay Thaibev, hoạt động tái cơ cấu bên trong Sabeco tạo ra khác biệt lớn về lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp bán bia đã tăng lên liên tục, đạt mức 30,2% trong quý 2/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp đã tăng 14%, cho thấy công ty bán hàng hiệu quả hơn hẳn so với giai đoạn trước đó.

Không như nhiều nhiều phân tích cho rằng Sabeco được người Thái mua để thúc đẩy thị trường xuất khẩu của Thaibev, việc đầu tiên doanh nghiệp Thái làm là kiếm nhiều tiền hơn từ thị trường nội địa.

Hoạt động trọng điểm được ban lãnh đạo mới tại Sabeco đưa ra đó là quản lý chi phí tốt hơn và đưa ra các chiến lược marketing chất lượng để nâng giá bán sản phẩm.

Để quản lý chi phí, Sabeco cho biết, doanh thu trong kỳ giảm vì do công ty giảm lượng hàng tồn kho đẩy xuống các nhà phân phối. Công ty còn giảm số ngày tồn kho tại các công ty phân phối nội bộ từ 4-6 tuần trong quá khứ xuống còn 2-3 tuần. Điều này đảm bảo sản phẩm của công ty tươi mới hơn khi đến tay người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tiêu thụ và củng cố sức mạnh thương hiệu. Việc giảm số ngày tồn kho còn giải phóng một số vốn lưu động cho công ty.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của Sabeco 6 tháng đầu năm nay chỉ gần 350 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn cũng giảm được hơn 880 tỷ đồng, tương ứng 7% nhờ vào việc tiết kiệm chi phí trong bao bì và vận chuyển. Công ty cũng tăng cường phân bổ sản lượng cho các nhà máy bia mà Sabeco đang nắm quyền kiểm soát, thay vì các công ty liên doanh, liên kết trước đây.

Song song với hoạt động tái cơ cấu bên trong, Sabeco cũng rất tập trung đầu tư cho hoạt động quảng bá ra bên ngoài. Chi phí bán hàng trong kỳ vừa qua đã tăng 14%, lên 1.330 tỷ đồng chủ yếu do Sabeco rót tiền nhiều hơn vào hoạt động marketing. Thay vì thực hiện các sự kiện ở quy mô nhỏ, Sabeco tập trung vào các dự án quy mô lớn. “Niềm tự hào của Việt Nam/Thương hiệu bia của người Việt” được xác định là thông điệp chủ lực đằng sau các hoạt động marketing của Sabeco.

Chi nhiều tiền cho marketing hơn đi cùng với việc tăng giá bán. Sabeco cho biết, công ty đã tăng giá bán nhiều loại bia trong tháng 3 năm nay như 333 và Saigon Special, trung bình 10%. Trước đó, cuối năm 2018, công ty đã tăng giá Saigon Lager và Saigon Export thêm khoảng 3%.

Việc thu được nhiều tiền hơn khi bán mỗi một lon bia giúp lợi nhuận Sabeco thu về tăng trưởng vượt bậc dù quy mô doanh thu không đổi. Tăng giá được sản phẩm còn cho thấy Sabeco hoàn toàn đủ sức so kè với Heineken. Trước đây, dù Sabeco thống lĩnh thị trường bia Việt Nam về mặt sản lượng tiêu thụ và quy mô doanh thu, song về mặt biên lợi nhuận, Heineken vẫn là số 1 khi thống lĩnh ở phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp.