LOTTE Finance muốn đẩy mạnh mảng mua trước trả sau

Việt Hưng - 14:09, 17/04/2024

TheLEADERThông qua hợp tác cùng ZaloPay - nền tảng thanh toán đang có hơn 14 triệu người dùng thường xuyên, LOTTE Finance muốn khẳng định vị thế trên thị trường tài chính, cũng như gia tăng cơ hội chiếm lĩnh thị phần trong mảng Mua trước trả sau (BNPL).

Trong thỏa thuận mới đây, Lotte Finance và ZaloPay đã công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược trong mảng Mua trước trả sau (BNPL), thông dịch vụ Tài khoản trả sau trên ứng dụng ZaloPay.

Cụ thể, người dùng sẽ mất khoảng 1 phút để đăng kí Tài khoản trả sau trên ZaloPay, sau đó có thể thanh toán trực tuyến trên ứng dụng, hoặc thông qua mã QR để chi tiêu, mua sắm với nguồn tài chính được hỗ trợ từ Lotte Finance.

Dự kiến từ tháng 05/2024, hợp tác trên trên sẽ chính thức đi vào hoạt động, mang đến nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.

Ông Kong Sung Sik - Tổng giám đốc Lotte Finance kỳ vọng, hợp tác giữa doanh nghiệp và ZaloPay sẽ giúp cho người tiêu dùng nâng cao đời sống cũng như mang đến công cụ tài chính thuận tiện, thông minh, bảo mật và an toàn.

Đồng thời, cả hai đơn vị hướng tới mục tiêu chung là mở rộng phạm vi phát triển thanh toán không tiền mặt được khuyến khích bởi Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế số.

Đặc biệt, lãnh đạo Lotte Finance tin tưởng, việc hợp tác với một nền tảng thanh toán đang có hơn 14 triệu người dùng thường xuyên như ZaloPay sẽ là bước tiến quan trọng của doanh nghiệp để khẳng định vị thế, cũng như gia tăng cơ hội chiếm lĩnh thị phần.

Lotte Finance muốn đẩy mạnh mảng mua trước trả sau
Lotte Finance muốn đẩy mạnh mảng mua trước trả sau

Được biết, BNPL hiện là mô hình thanh toán đang được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo từ Research and Markets giá trị hàng hoá thông qua thanh toán BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028.

Dịch vụ này cho phép người tiêu dùng mua hàng trước, sau đó mới cần trả lại khoản tiền đã chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định.

Việt Nam có dân số lớn với hơn 98,51 triệu người vào năm 2021, trong đó dân số trẻ (từ 15 tuổi trở lên) chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, khoảng một nửa dân số hiện vẫn còn bị hạn chế về các dịch vụ tài chính của ngân hàng hoặc chưa có tài khoản ngân hàng.

Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù chưa tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh các hình thức như ví điện tử, BNPL gần đây nổi lên là một hình thức thanh toán mới dễ tiếp cận, an toàn và tiện lợi.

Tại Việt Nam, BNPL hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, hay Wowmelo, Movi và Lit. Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: Lotte Finance, FE Credit…

Tất nhiên, mua trước trả sau tại Việt Nam không phải là thị trường "dễ chơi". Nhiều startup ngoại đã phải rời bỏ thị trường ngay cả khi được hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn bởi các tập đoàn tỷ USD.

Tháng 5/2023, Atome - một startup mua trước trả sau (BNPL) có trụ sở tại Singapore đã tuyên bố dừng tất cả các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau hơn 1 năm thâm nhập.

Bên cạnh Atome, một startup BNPL khác có trụ sở tại Việt Nam là Ree-pay cũng thừa nhận đang phải rao bán mình, với lý do mô hình kinh doanh không tạo ra được nhiều lợi nhuận như kỳ vọng.