Lý do gì khiến nhiều nhà đầu tư ngoại tìm mua dự án năng lượng tại Việt Nam?

Kiều Mai - 18:49, 22/04/2021

TheLEADERViệc nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam được đánh giá là theo xu thế chung của thế giới trong thị trường cạnh tranh, tuy nhiên cũng bộc lộ những yếu điểm của định hướng chính sách.

Xu thế chung trong cơ chế thị trường

Khu vực năng lượng tái tạo của Việt Nam thời gian qua đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ số lượng dự án mới tới lượng điện cung ứng cho hệ thống điện quốc gia.

Đáng chú ý trong làn sóng năng lượng mới là sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức mua, bán dự án.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đào Du Dương, Giám đốc công ty TNHH Bảo Long Solar Energy, đánh giá hoạt động thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự việc kinh doanh trên các khu vực khác, đi theo cơ chế thị trường cạnh tranh và không thể tạo ra rào cản để ngăn chặn dòng vốn này.

Về yếu tố Trung Quốc trong các dự án năng lượng, ông Dương cho rằng sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế không chỉ đến từ yếu tố Trung Quốc mà còn đến từ tất cả doanh nghiệp thuộc các nước khác.

Do vậy, không thể ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại hay tham gia vào dự án năng lượng tại Việt Nam vì doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách thành lập công ty tại nước ngoài.

“Doanh nghiệp Việt phải biết tự lo cho mình, Nhà nước quản lý tốt hơn, có các công cụ để giám sát, kiểm soát chứ không thể cấm đoán”, ông Dương bày tỏ với TheLEADER.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam, đánh giá xu hướng mua bán dự án về phía doanh nghiệp nằm ở vấn đề lợi ích, khi thấy có lợi thì doanh nghiệp sẽ tiến hành.

Tuy vậy, hiện tượng này chỉ mang tính chất đơn lẻ khi lợi ích chỉ nằm trong một vài doanh nghiệp ở giữa chuỗi chuyển nhượng.

“Rất thông cảm với các doanh nghiệp sử dụng thủ pháp này vì cái lợi trước mắt nhưng hành động này không mang tầm chiến lược. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, tư duy chơi lớn, vươn ra biển lớn và Nhà nước sẽ đồng hành trong chiến lược đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chính sách ngắn hạn là một yếu tố

Thời gian qua, Nghị quyết 55 cùng các chính sách đi kèm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp năng lượng phát triển bùng nổ nhưng cùng với đó là tình trạng phát triển quá nóng, quay trở lại trở thành rào cản đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Vì đâu nhiều nhà đầu tư ngoại mua dự án năng lượng?
Ông Đào Du Dương, Giám đốc công ty TNHH Bảo Long Solar Energy.

Việc phát triển rộng rãi năng lượng tái tạo đã tạo ra thêm nguồn cung dồi dào cho lưới điện quốc gia, từ đó khiến giải tỏa công suất khó khăn, doanh nghiệp không đủ doanh thu nguồn điện để trả lãi ngân hàng.

“Hiện các ngân hàng Nhà nước thì không cho vay lĩnh vực này, ngân hàng thương mại thì lãi suất kém hấp dẫn, ít hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường phát triển quá nóng dẫn tới mức giá biến động lớn trước các đợt chốt giá, đẩy doanh nghiệp vào thế hiệu quả giảm nhưng phải gánh lãi suất cao”, ông Dương phân tích.

Doanh nghiệp khi gặp khó khăn thì buộc phải tìm lối thoát, không có con đường nào khác ngoài bán dự án, thoái vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn rẻ, dài hơi hơn.

Do vậy, ông Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương nên có chính sách khuyến khích dài hơi hơn để doanh nghiệp có đủ thời gian để phát triển bền vững, thay vì thi công ẩu, làm nhanh để kịp tiến độ chốt giá.

Chia sẻ đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), đánh giá sự chững lại, thiếu những chính sách nối tiếp sau cơ chế giá FIT đang tạo ra bước hẫng, khiến các nhà đầu tư băn khoăn và hoang mang.

Theo đó, bà khuyến nghị cần có sự đồng bộ, nhất quán về chính sách hơn nữa để có thể phát triển bền vững, cần một khuôn khổ pháp luật, trong đó có luật về năng lượng tái tạo làm cơ sở pháp lý.

Việt Nam cũng cần cải cách về thị trường thông qua gia tăng cạnh tranh trong phát điện, đấu giá.

“Tất cả điều này đòi hỏi sự cải tổ, cải cách rất lớn. Chỉ khi chúng ta thúc đẩy được thị trường cạnh tranh ở các cấp độ với sự tham gia của các bên khác nhau một cách công bằng, minh bạch thì mới có thể phát triển ngành năng lượng nhanh nhất”, bà Khanh nhấn mạnh.