Mang lại cơ hội mới cho lớp người nghèo đô thị

Linh Lan - 15:13, 03/10/2017

TheLEADERNgày 3/10, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo “Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị” tại Singapore và thực hiện cầu truyền hình đến các nước trong khu vực, trong đó có đầu cầu Hà Nội.

Mang lại cơ hội mới cho lớp người nghèo đô thị
Khu nhà ổ chuột ở TP.HCM. Ảnh: dtinews.vn

Báo cáo nhận định, các thành phố trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh nhất thế giới, chưa phát triển hạ tầng, tạo việc làm và cung cấp dịch vụ theo kịp tốc độ phát triển, dẫn đến hậu quả là tăng bất bình đẳng, cản trở tăng trưởng kinh tế và phân hóa xã hội. 

Phát biểu tại buổi công bố, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói: "Các nước Đông Á đã đạt thành tích phát triển kỳ diệu. Thách thức chung đối với chúng ta là mang đến cơ hội cho mọi đối tượng sống tại thành phố, từ lao động nhập cư sống tại các khu ngoại ô tới các công nhân làm việc trong các xí nghiệp không đủ lương để trả tiền thuê nhà, để họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình đô thị hóa và đóng góp làm cho tăng trưởng mạnh hơn nữa".

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Báo cáo khuyến nghị các thành phố cấp hai có thể khai thác tốt hơn nữa tiềm năng mang lại từ quá trình đô thị hóa. Theo đó, Việt Nam, với số dân đông thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á, nhưng chỉ có 32% tập trung tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ rất nhanh, 3,2% hàng năm, gấp đôi tốc độ tăng dân số của cả nước.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, Việt Nam có ít khu ổ chuột theo nghĩa truyền thống, tuy nhiên, tình trạng xây dựng không phép lại diễn ra phổ biến, dẫn đến không có cơ sở hạ tầng tốt tại các khu thu nhập thấp. 

Vấn đề nhà ở, theo báo cáo khuyến nghị, nên được giải quyết nhanh chóng do đô thị hóa nhanh nên mỗi năm cần xây dựng thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở mới tại các đô thị.

Báo cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam nói riêng và các chính phủ trong khu vực nói chung cùng chính quyền các thành phố áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều trong công tác quy hoạch, trong đó phải tính đến các vấn đề kinh tế, quy hoạch vùng, hòa nhập xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Théo đó, báo cáo đề xuất 10 nguyên tắc chung có thể áp dụng vào các hoàn cảnh cụ thể, bao gồm: kết nối người nghèo với thị trường lao động; đầu tư vào quy hoạch đồng bộ, đảm bảo cung cấp đất và nhà ở giá rẻ; tôn trọng quyền của người dân đối với thành phố; xác định đối tượng khó khăn - số người nghèo đô thị; tăng cường quản trị địa phương và hoan nghênh sự tham gia của người dân và đầu tư vào hệ thống số liệu và thông tin giúp người dân thực hiện ra quyết định dựa trên bằng chứng.

Bà Judy Baker, Chuyên gia phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, tác giả chính của Báo cáo chia sẻ, đô thị hóa nhanh vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nếu giúp tầng lớp thu nhập thấp được hưởng dịch vụ giao thông và nhà ở giá rẻ thì họ sẽ dành được nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục con cái.