MBKE: NHNN tăng lãi suất không hướng tới thắt chặt tiền tệ

Trần Anh - 10:15, 11/10/2022

TheLEADERTheo Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE), động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN thời gian qua nhằm ổn định áp lực tỷ giá trong ngắn hạn hơn là để chứng minh một chính sách tiền tệ thắt chặt. MBKE tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của VND trong dài hạn với tình hình ngoại hối lành mạnh của Việt Nam.

Từ ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản (tương đương lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4% lên 5%). Động thái này diễn ra một ngày sau khi Cụ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.

Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của Fed cũng như các dòng tiền trú ẩn an toàn đã khiến USD tăng giá đáng kể so với hầu hết các loại tiền tệ toàn cầu. Dẫn đến VND đã giảm khoảng 4% từ đầu năm so với USD. 

Bên cạnh những biện pháp can thiệp trực tiếp bao gồm bán USD (25 tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại hối 110 tỷ USD đã được bán ra từ đâu năm đến nay) và nâng tỷ giá trung tâm USD/VND (lên mức cao kỷ lục mới 23.346 VND/USD vào ngày 28/9), việc tăng lãi suất điều hành có thể được coi là công cụ cuối cùng.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ áp dụng đồng thời ba biện pháp bán ngoại hối, tăng lãi suất và hạ giá đồng VND vừa phải để đạt được các mục tiêu ổn định vĩ mô.

Tâm lý thị trường trung hạn có thể sẽ vẫn yếu do thị trường đặt sai trọng tâm khi lo ngại về nỗ lực của NHNN để giữ cho VND tương đối ổn định khi phải đối mặt với biến động của tỷ giá hối đoái toàn cầu.

MBKE dự báo Fed có thể tăng thêm 125 điểm cơ bản trong tháng 11 và tháng 12/2022, VND sẽ giảm giá thêm 1% so với USD nâng mức giảm lên thành 5% trong năm nay và NHNN sẽ điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, MBKE cho rằng điều này sẽ nhằm ổn định áp lực tỷ giá trong ngắn hạn hơn là để chứng minh một chính sách tiền tệ thắt chặt. MBKE tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của VND trong dài hạn với tình hình ngoại hối lành mạnh của Việt Nam.

NHNN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022 do lạm phát vẫn được kiểm soát. Báo cáo phân tích cho rằng tác động của hai đợt tăng lãi suất đối với nền kinh tế là không đáng kể vì lãi suất điều hành chỉ bằng mức trước đại dịch. Dự báo tăng trưởng GDP đạt 6%, lạm phát trung bình 3,6% n/n và VND tăng khoảng 1% so với USD vào năm 2023.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, MBKE cho rằng việc tăng lãi suất không tác động đáng kể tới lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2022. Nguyên nhân bởi lãi suất ngắn hạn dự báo nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn lãi suất dài hạn và lãi suất cho vay khó bắt kịp lãi suất huy động do các ngân hàng trong nước được yêu cầu giữ lãi suất cho vay càng thấp càng tốt.

Hầu hết các ngân hàng thương mại trong nước đã điều chỉnh tăng lãi suất ngay sau đợt tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1% lên mức giới hạn 5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng và chuyên gia kỳ vọng sẽ có động thái tương tự sau đợt tăng lãi suất tiếp theo.

MBKE giả định rằng lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng cũng sẽ tăng tương ứng trong khi lãi suất kỳ hạn dài hơn được giữ nguyên. Điều này sẽ làm tăng lãi suất huy động thực tế thêm 0,4% trên mỗi lần tăng lãi suất 1% do tiền gửi dưới 12 tháng (không bao gồm tài khoản vãng lai) đóng góp 40% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Chuyên gia cho rằng các ngân hàng có thể chuyển 50% chi phí gia tăng cho người đi vay và lãi suất cho vay thực tế sẽ tăng 0,2% trên mỗi đợt tăng lãi suất 1%.

Nhìn chung, từ quan điểm tài chính, các doanh nghiệp phi ngân hàng sẽ chịu tác động từ biến động tỷ giá nhiều hơn là việc tăng lãi suất trong khi các ngân hàng sẽ chịu tác động nhiều hơn từ việc tăng lãi suất so với tỷ giá.