Miền Tây kỳ vọng đột phá hơn về nông nghiệp

Hoàng Đông - 09:51, 01/07/2023

TheLEADERKinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị vừa là bệ đỡ, vừa là mũi nhọn để miền Tây giải phóng tiềm năng, giải quyết các khó khăn, thách thức.

Miền Tây kỳ vọng đột phá hơn về nông nghiệp
Dừa là nông sản chủ lực, có nhiều tiềm năng đầu tư, khai thác tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: TTXVN

Là tỉnh có tỷ lệ 85% người dân sống trong những khu vực sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp, theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh Bến Tre “có mong muốn và khát vọng” là làm sao thu hút được nhiều vốn đầu tư cho phát triển ngành nông nghiệp.

Ông Sơn cho biết, dù nhiều người nghĩ làm nông nghiệp khó giàu nhanh so với làm công nghiệp nhưng Bến Tre vẫn xác định kinh tế nông nghiệp là nền tảng và động lực quan trọng cho phát triển. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng 2 mặt hàng nông sản có lợi thế lớn nhất là thủy sản và cây dừa.

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bến Tre thuộc vùng sinh thái mặn – lợ và chuyển tiếp ngọt – lợ, do đó có tiềm năng phát triển những loại thủy sản như cá, nghêu và đặc biệt là tôm. Tuy nhiên, ngành tôm Bến Tre đang có một khoảng trống lớn là dù diện tích nuôi tôm lớn nhưng chưa có nhà máy chế biến, dẫn đến không nâng cao được giá trị con tôm.

Cây dừa là đặc sản nổi bật của Bến Tre. Ông Sơn cho biết, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn héc ta trồng dừa, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sản phẩm từ dừa, đưa kim ngạch xuất khẩu lên đến 60 triệu USD. Bến Tre kỳ vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp khác để phát huy hơn nữa thế mạnh cây dừa.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng là nỗi trăn trở lớn của tỉnh Long An. Để khuyến khích doanh nghiệp rót tiền vào ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, thời gian qua tỉnh đã tăng cường chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tỉnh cũng xây dựng các định hướng phát triển ngành chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, xác định những dự án động lực để tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ đó, quy mô đầu tư vào ngành nông nghiệp tỉnh Long An bắt đầu có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh chỉ ra, đầu tư vào nông nghiệp vẫn chủ yếu theo chiều rộng, thiếu tính bền vững, cho ra nhiều sản phẩm hơn nhưng ít có sự nâng cao giá trị sản phẩm.

Mặt khác, nông nghiệp tỉnh Long An nói riêng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn phải chịu nhiều rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, với những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai khó lường. Bên cạnh đó, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng cũng là những lý do khiến đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng so với tiềm năng.

Tại Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, nhận xét, Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước.

TP.HCM là thị trường tiêu thụ và là cửa ngõ quan trọng đưa nông sản miền Tây ra cả nước cũng như xuất khẩu. Vì vậy, những năm trở lại đây, các 13 tỉnh thành miền Tây có sự liên kết chặt chẽ về chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản với TP.HCM.

Góp ý nhằm thúc đẩy liên kết giữa TP.HCM và miền Tây cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp miền Tây, ông Hiệp nhấn mạnh vai trò của những cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho vùng.

Cụ thể, có thể xây dựng những diễn đàn kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, liên kết đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực vào chuỗi bán lẻ truyền thống, bán lẻ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tổ chức một số sản phẩm, dịch vụ mới khai thác thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản và các trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh.