Mở cửa du lịch: Quá thận trọng sẽ đánh mất nhiều cơ hội

An Chi - 08:32, 11/11/2021

TheLEADERThận trọng trong mở cửa du lịch là cần thiết, song theo nhiều chuyên gia, nếu quá thận trọng, ngành du lịch sẽ đánh mất nhiều cơ hội phục hồi.

Mở cửa du lịch: Quá thận trọng sẽ đánh mất nhiều cơ hội
Ngành du lịch kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. 

Giai đoạn 1, từ tháng 11/2021, Việt Nam sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2022), ngành du lịch mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. 

Du khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).

Giai đoạn 3, căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

Khách du lịch là người nước ngoài, người Việt Nam cư trú tại nước ngoài đến từ các thị trường du lịch của Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện như có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh, hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh.

Khách du lịch cần có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Bên cạnh đó, du khách cần tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Theo ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở dịch vụ tại các địa phương được mở cửa du lịch và các hãng hàng không đều rất vui mừng đón nhận thông tin này, đồng thời đang khẩn trương chuẩn bị thực hiện các chương trình phục hồi du lịch của Chính phủ.

Ông Thanh cho biết, từ năm 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình với tốc độ 22,7%/năm và đạt mốc trên 18 triệu lượt khách năm 2019, khách nội địa tăng gấp đôi, đạt 85 triệu lượt năm 2019. 

Các thị trường trọng điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam những năm trước và năm 2019 là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Liên bang Nga...

Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch. Trong trạng thái bình thường mới, khi du lịch phục hồi, các địa phương sẽ có cơ hội đón khách quay trở lại sớm hơn và chắc chắn khách du lịch sẽ trở lại. Nhờ đó, ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng sẽ phục hồi.

Ông Thanh tin tưởng vào sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, bắt đầu từ việc phục hồi từ những tháng cuối năm 2021.

Dù còn nhiều biến số rủi ro, chưa chắc chắn, song theo PGS.TS Trần Đình Thiên, với việc từng bước mở cửa, du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phục hồi. 

"Du lịch nằm trong nhóm ngành liên quan đến việc mở cửa để khơi thông dòng giao thương bị tích nén - người ta hay gọi với khái niệm "tiêu dùng trả thù", tức là sau một thời gian bị cấm, bị hạn chế ghê gớm thì bây giờ được mở cửa. Những lĩnh vực có sự bùng nổ mạnh mẽ của dòng tiêu dụng này sẽ là lĩnh vực có khả năng phục hồi rất tốt", ông Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng, du lịch hiện nay chỉ chờ hàng không để tái khởi động trở lại. Tất nhiên, trong việc mở cửa cũng cần đảm bảo được vấn đề về an toàn dịch, song đó phải là an toàn thực tế chứ không phải cấm đoán hành chính. Mở cửa du lịch và hàng không cần dựa trên nền tảng là tiêm vaccine và sống chung, thích ứng với dịch bệnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, hiện Chính phủ đang khá thận trọng trong việc mở cửa hàng không, du lịch. Điều này sẽ hạn chế đối với việc trỗi dậy của ngành. 

Đồng quan điểm, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup cũng cho rằng, việc buộc phải sống chung và hoạt động du lịch trong bối cảnh Covid có thể sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới. 

Trong khi đó, hiện, quy định về việc khách du lịch quốc tế phải hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày có thể sẽ gây khó cho ngành du lịch. Sẽ chẳng có khách quốc tế nào tới Việt Nam du lịch nếu phải cách ly 7 ngày.

Thay vào đó, ngành du lịch có thể lùi thời gian cách ly xuống 3-4 ngày và du khách có thể dùng thời gian cách ly đó để du lịch trong chính khu du lịch khép kín. 

Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng cần hoạt động theo hướng có những chuyến bay bao trọn chuyến, đến những điểm du lịch đầy đủ dịch vụ, khép kín, giúp mở lại dần thị trường du lịch, từng bước, an toàn, vừa chống dịch an toàn mà vẫn phát triển kinh tế.

Mặt khác, để mở cửa du lịch an toàn, ông Hiệp cho rằng, các địa phương cần phải kiên quyết tiêm vaccine cho người làm liên quan tới du lịch, người dân địa phương tại các điểm đến.

Bản thân Vingroup cũng đã chuẩn bị kỹ để đón chào khách du lịch quốc tế và trong nước sớm. Hiện Vingroup đều có những có sở du lịch rất lớn, đã khánh thành trước thời điểm dịch bệnh bùng nổ. Trong đó, đáng chú ý là 3 cơ sở lớn ở Nam Hội An, Phú Quốc, Nha Trang đang sẵn sàng phục vụ khách hàng với tất cả dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng như đánh golf, ăn uống, tắm biển, vui chơi, giải trí. 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cả xã hội, theo ông Hiệp, ngành du lịch kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới nhờ cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng cho việc phục hồi.