Mô hình 'nghỉ dưỡng không rác thải' của La Siesta Hội An

Phạm Sơn - 19:35, 05/10/2021

TheLEADERTheo ông Vương Đình Mạnh, Tổng giám đốc La Siesta Hội An Resort&Spa, với quy mô hơn 100 phòng nghỉ cao cấp, nếu sử dụng túi ni lông thay vì túi vải như hiện nay, La Siesta Hội An có thể thải ra môi trường hàng tấn rác thải ni lông.

Mô hình 'nghỉ dưỡng không rác thải' của La Siesta Hội An
Du khách đến với La Siesta Hội An không chỉ vì dịch vụ đẳng cấp, chất lượng mà còn vì sự có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.

Ông Vương Đình Mạnh, Tổng giám đốc La Siesta Hội An Resort&Spa cho biết, trong bối cảnh mới, cũng giống như nhiều doanh nghiệp cùng ngành, La Siesta định hướng các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường và du lịch gắn với trách nhiệm.

Tuy nhiên, thực tế, dịch vụ được cung ứng bởi La Siesta Hội An cùng nhiều chi nhánh La Siesta khác trên toàn quốc đã được chuyển đổi trở nên thân thiện với môi trường và giảm thiểu lượng rác thải.

Cụ thể, đối với La Siesta Hội An, tại mỗi phòng nghỉ sẽ có 6 chiếc túi được phục vụ sẵn để du khách đựng dép, đựng rác và đựng đồ giặt là. Với quy mô 107 phòng nghỉ, công suất trung bình năm đạt 90%, nếu sử dụng túi ni lông, La Siesta phải sử dụng khoảng hơn 200 nghìn chiếc túi mỗi năm, thải ra môi trường 3,5 tấn rác ni lông và chi phí rơi vào khoảng 122 triệu đồng.

Cùng 6 chiếc túi cho mỗi phòng, hiện nay La Siesta chuyển sang loại túi vải thân thiện với môi trường. Ông Mạnh cho biết, sự chuyển đổi đơn giản này giúp khách sạn hạn chế lượng rác thải ra môi trường, đồng thời tiết giảm được chi phí gấp khoảng 5 lần và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng.

Ngoài 6 chiếc túi chuẩn bị trong phòng, La Siesta Hội An cũng dần thay thế nhiều loại bao bì khác như miếng lót ly, vỏ bọc bộ bàn chải, dao cạo, lược, bông tai, sọt rác, lọ dầu gội, lọ sữa tắm, chai nước… bằng giấy, giấy tái chế hay đồ sứ, thủy tinh có khả năng sử dụng nhiều lần.

Mô hình nghỉ dưỡng ‘không rác’ của La Siesta Hội An
Thông điệp xanh được đặt tại mỗi phòng nghỉ của La Siesta Hội An.

Sự thay đổi mang tính bền vững không chỉ được triển khai từ bản thân doanh nghiệp mà còn tạo ra thông điệp giúp thay đổi hành vi với cả người tiêu dùng. Ông Mạnh cho biết, La Siesta Hội An thực hiện chiến dịch “nói không với túi ni lông” ngay cả khi du khách yêu cầu, cùng với việc quy ước một số hành động chung đối với đồ vật trong phòng nghỉ để hạn chế tiêu tốn tài nguyên không cần thiết.

“Đa số khách hàng đều tỏ ra rất vui vẻ thực hiện những điều này. Khách hàng cũng rất vui khi nghỉ dưỡng tại La Siesta Hội An, một nơi nghỉ ngơi lý tưởng khi hầu như vắng bóng rác thải, túi ni lông”, Giám đốc La Siesta Hội An cho biết.

Đối với nhân viên, La Siesta Hội An tổ chức chương trình đào tạo định kỳ về các quy tắc ứng xử thân thiện với môi trường, tổ chức hoạt động nhặt rác, vệ sinh môi trường xung quanh khách sạn. Không có nhân viên nào tỏ ra khó chịu mà ngược lại đều rất thích thú và càng thêm “yêu” khách sạn, “yêu” công việc của mình hơn.

Có thể nói, văn hóa bền vững, có trách nhiệm với môi trường được thấm nhuần tại La Siesta Hội An từ những điều nhỏ nhặt nhất, tạo nên hình ảnh một khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại nhưng không kém phần gần gũi và thân thiện.

“Đừng ngại thay đổi”

Theo ông Mạnh, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đều đang nghĩ tới thực hành những quy tắc thân thiện với môi trường nhưng lại chần chừ vì lo ngại chi phí đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, La Siesta Hội An là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả của kinh doanh, cung ứng dịch vụ bền vững. Theo ông Mạnh, tiến hành chuyển đổi như La Siesta Hội An “chỉ mất khoảng một năm là không những thu hồi vốn mà còn tiết kiệm được thêm rất nhiều tiền”.

“Sử dụng túi vài tiết kiệm chi phí gấp 5 lần mỗi năm so với dùng túi ni lông, sử dụng chai thủy tinh có thể dùng lại nhiều lần cũng tiết kiệm hơn nhiều so với mua chai nước suối dùng một lần, lại mang lại cảm giác thích thú và trân trọng hơn từ phía du khách”, ông Mạnh nhận xét.

Từ đó, đại diện La Siesta Hội An nhắn nhủ cộng đồng du lịch cần đồng lòng hơn nữa để thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi, hướng tới xây dựng nền du lịch xanh, đem lại giá trị bền vững và lâu dài.

Cụ thể, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và cơ sở kinh doanh có thể bắt đầu ngay bằng việc thay thế những chiếc túi ni lông bằng túi vải, túi giấy. Chính quyền địa phương cũng có thể “làm mẫu” thông qua chương trình nói không với rác thải nhựa ngay tại địa phương, đặc biệt là những khu phố cổ, khu du lịch gắn với thiên nhiên.

Có sự đồng lòng của chính quyền, các sở ban ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành du lịch, hướng tới du lịch xanh không còn là điều xa vời, khó khăn như trong suy nghĩ của nhiều người.