Leader talk
Món Huế 'đột tử' do quản trị công ty chứ không phải quản trị kinh doanh
Những điểm yếu về quản trị kinh doanh không thể làm cho Huy Việt Nam (sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế) với vốn đầu tư 70 triệu USD chết một cách đột ngột và bất ngờ như vậy, ông Lâm Minh Chánh nhận định.
Ngày 22/10, chuỗi nhà hàng Món Huế đột ngột đóng cửa trong khi còn nợ chưa thanh toán cho các nhà cung cấp, nợ lương nhân viên, đã làm xôn xao dư luận và giới kinh doanh Việt Nam. Có rất nhiều bài viết trên báo và mạng xã hội phân tích về những yếu huyệt trong quản trị kinh doanh dẫn đến sự xuống dốc và phá sản không thể cưỡng của chuỗi nhà hàng này.
Ông Lâm Minh Chánh, sáng lập Trường quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp, nhìn nhận: Các phân tích nguyên nhân thất bại của Món Huế từ các chuyên gia như sự phát triển quá nóng, quản lý tài chính yếu kém, chất lượng nhân sự không theo kịp, chất lượng dịch vụ tệ hại, giá mặt bằng cao, lượng khách xoay vòng thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp, sức ép cạnh tranh cao... đều có lý.
Những yếu tố về quản trị kinh doanh này chỉ có thể làm cho Huy Việt Nam chết từ từ chứ không thể giết chết một doanh nghiệp có vốn đầu tư 70 triệu USD một cách đột ngột và bất ngờ như vậy.
“Quản trị công ty (Corporate Governance) mới chính là thủ phạm bức tử Huy Việt Nam. Các quỹ đầu tư lớn, chắc do ỷ lại lẫn nhau, đã không quản trị được CEO/Giám đốc kiêm cổ đông sáng lập. Tiền không được kiểm soát và đã chạy ra khỏi công ty bằng những con đường nào đó. Đây là vấn đề về quản trị công ty và đạo đức của doanh nhân gọi vốn đầu tư. Case này, e rằng sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến thị trường gọi vốn của các công ty Việt Nam”, ông Chánh khẳng định.
Tại sao ông nghĩ rằng các yếu tố về quản trị kinh doanh không phải là nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa đột ngột của chuỗi nhà hàng Món Huế và các doanh nghiệp thuộc Huy Việt Nam?
Ông Lâm Minh Chánh: Tôi phân tích 3 điểm sau. Thứ nhất, tôi đồng ý các phân tích điểm yếu về quản trị kinh doanh như: sự phát triển quá nóng, quản lý tài chính yếu kém, chất lượng nhân sự không theo kịp, chất lượng dịch vụ tệ hại, giá mặt bằng cao, lượng khách xoay vòng thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp… có thể làm giảm năng lực cạnh tranh, giảm hiệu quả đầu tư của chuỗi nhà hàng Món Huế. Theo thông tin trên báo chí, Món Huế đã lỗ hơn 100 tỷ đồng trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, Món Huế có số vốn đầu tư rất lớn 70 triệu USD (tương đương khoảng 1.600 tỷ đồng) nên Món Huế khó có thể ngã quỵ chỉ sau 2 năm kinh doanh thua lỗ.
Với số vốn đó, chỉ mới thua lỗ kinh doanh ở mức 100 – 200 tỷ đồng/năm thì Món Huế có thể sống được đến ít nhất 10 năm. Món Huế không thể nào hết sạch số vốn đó và phải đột ngột đóng cửa chỉ sau vài năm kinh doanh, trừ phi tiền vốn đã được dùng vào mục đích khác.
Thứ hai, Món Huế hầu như không thể hiện tinh thần “chiến đấu” của một doanh nghiệp cận kề phá sản. Chúng ta không thấy sự cố gắng để tồn tại của Món Huế, không thấy dấu hiệu họ “quẫy” trước khi chết. Theo tôi, trường hợp của Món Huế, không quá khó để tồn tại. Chỉ cần Món Huế đóng cửa những nhà hàng không hiệu quả và củng cố lại hoạt động kinh doanh của số nhà hàng còn lại thì với số vốn lớn như vậy Món Huế có thể tồn tại khá lâu chứ không phải lâm vào tình trạng đóng cửa đột ngột như vậy. Chưa kể, nếu được thông báo rõ ràng, các quỹ đã đầu tư, sẽ có những phương án hỗ trợ, giải cứu cho Món Huế.
Thứ ba, ông Huy Nhật đã chọn cách ngừng việc kinh doanh đột ngột khi còn đang nợ nhà cung cấp, nợ lương nhân viên. Ông cũng không thông báo cho các đầu tư và cũng không tiến hành theo một trình tự đóng cửa, phá sản doanh nghiệp bình thường. Bản thân ông thì biến mất không ai liên lạc được. Nếu thua lỗ kinh doanh một cách bình thường thì ông Huy Nhật đã không chọn cách này.
Phân tích 3 lý do này, tôi không tin rằng Món Huế, với số vốn đầu tư 70 triệu đô la Mỹ phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả chỉ sau 2, 3 năm thua lỗ.
Ông cho rằng nguyên nhân chính là dòng vốn đầu tư 70 triệu USD đã không đưa hết vào trong việc kinh doanh?
Ông Lâm Minh Chánh: Đúng vậy! Ngay từ lúc xảy ra vụ việc, tôi đã suy đoán như vậy và đến nay thì sự việc đã khá rõ ràng. Ngày 24/10/2019, báo Deal Street Asia đã đăng bài “Các quỹ đầu tư kiện nhà sáng lập Huy Việt Nam”, trong đó nói rõ các quỹ đầu tư: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital đã khởi kiện ông Huy Nhật và đồng sự ra tòa án TP. HCM. Tôi trích dịch một đoạn của bài báo: “Vụ kiện này nhằm chống lại ông Huy và các cộng sự của ông, bao gồm Hanh Ngo - Trưởng điều hành của Món Huế (một thương hiệu của Huy Vietnam), liên quan đến việc vi phạm nghĩa vụ trung thành, thực hiện các giao dịch bất thường và gian dối, trong đó Huy đã biển thủ số lượng lớn tiền và tài sản".
Đây là vấn đề thuộc về quản trị công ty (Corporate Governance). Trong tọa đàm “Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý vận hành doanh nghiệp” do báo TheLEADER tổ chức vào tháng 9/2019, tôi cũng đã từng phát biểu muốn gọi vốn đầu tư, muốn đại chúng hóa, muốn phát triển công ty thì các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao việc quản trị công ty.
Quản trị công ty, hiểu cơ bản nhất là những chính sách, nguyên tắc và công cụ được đặt ra nhằm mục đích kiểm soát, giám sát, quản lý nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động, vận hành của công ty. Một trong những mục đích thiết thực của quản trị công ty là làm sao cho những người chủ sở hữu, các cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi giao tài sản của mình cho người khác – ban điều hành công ty - quản lý và khai thác.
Theo diễn biến hiện nay, thì tại công ty Huy Việt Nam các cổ đông thuộc các quỹ đầu tư đã không thể kiểm soát cổ đông sáng lập kiêm tổng giám đốc, và các thành viên của ban điều hành. Thông thường, các quỹ đầu tư sẽ kiểm soát vị trí kế toán trưởng, hay giám đốc tài chính, hoặc giảm rủi ro bằng cách giải ngân theo tiến trình.
Tại Huy Việt Nam việc kiểm soát có vẻ lỏng lẻo. Có thể các quỹ đầu tư quá tin ông Huy Nhật, hoặc có thể họ ỷ lại, tin tưởng vào nhau, quỹ này nghĩ rằng quỹ kia sẽ làm việc kiểm soát. Họ thiếu sự phối hợp để quản trị, giám sát ban điều hành. Bây giờ thì mọi việc đã bị muộn rồi.
Ông có thể nói thêm về quản trị công ty đặc biệt là mối quan hệ giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp, startup gọi vốn?
Ông Lâm Minh Chánh: Qua các câu chuyện bệnh viện Hoàn Mỹ, trứng Ba Huân… một số người phê phán hay chỉ trích quỹ đầu tư. Nhưng thực tế thì quỹ đầu tư là những người chơi theo luật. Họ đặt ra những quy định nhằm giúp họ giảm rủi ro, quản lý vốn hiệu quả. Người gọi vốn nên nghiên cứu kỹ quy định, luật chơi trước khi đồng ý tham gia.
Thực tế thì có “một bộ phận” doanh nhân, startup sau khi gọi vốn thành công đã cố tình không chơi theo luật, theo quy định. Trước khi gọi vốn thì họ hứa hẹn này nọ, còn sau khi đã nhận vốn thì họ bắt đầu “múa”. Trước Huy Việt Nam, cũng có một vụ mâu thuẫn lớn giữa nhà đầu tư vào Nhóm mua và CEO/sáng lập Nhóm Mua. Nhà đầu tư đã cáo buộc và miễn nhiệm vị CEO này.
Một số bộ phận doanh nghiệp/startup không sử dụng vốn đúng như mục đích kêu gọi vốn: Có startup lo đi trả nợ cũ, có startup xài tiền “vô tội vạ”, có startup lại dùng tiền vốn để nghiên cứu theo sở thích của mình thay vì đưa vào kinh doanh, có startup không thèm báo cáo cho nhà đầu tư... Những trường hợp kể trên không phải là hiếm. Ở tầm starup thì chưa có thể setup được quản trị công ty. Nhà đầu tư vì thế ngoài việc xem xét hiệu quả kinh doanh, còn bỏ rất nhiều thời gian, công sức để đánh giá đạo đức, con người của người sáng lập trước khi quyết định đầu tư. Khi đã giải ngân vốn rồi thì nhà đầu tư “cầm lưỡi, chứ không còn cầm cán” nữa.
Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp, startup về việc gọi vốn?
Ông Lâm Minh Chánh: Tôi thường hay chia sẻ với các học viên CEO, doanh nhân và các bạn Startup hãy chế ngự lòng tham. Tiền nào của mình thì mới dùng, đừng dùng tiền không phải của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp đã có thể tự phát triển, doanh nhân bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư khác thì tiền bán cổ phần đó là tiền của bản thân người doanh nhân - họ toàn quyền sử dụng. Còn trong trường hợp doanh nghiệp cần vốn để phát triển, kêu gọi vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì tiền đầu tư đó là tiền của doanh nghiệp, tiền chung của tất cả các cổ đông. Doanh nhân phải sử dụng đồng vốn này theo đúng những gì mình đã cam kết, theo đúng quy định của doanh nghiệp.
Theo tôi, doanh nhân và startup muốn đi dài, muốn thành công thì phải luôn giữ sự cam kết và uy tín bản thân.
Xin cám ơn ông!
Sự khác biệt giữa Quản trị công ty và Quản trị kinh doanh
Quản trị công ty được dịch chính thức từ cụm từ tiếng Anh “Corporate Governance”. Trong đó chữ Governance được dịch là quản trị trùng với cách dịch tiếng Việt của chữ Management, mặc dù nội hàm và ý nghĩa của hai chữ này hoàn toàn khác nhau. Để khỏi bị nhầm lẫn giữa hai chữ quản trị này, đã có những đề nghị dịch lại chữ Corporate Governance này. Ông Giản Tư Trung đề nghị dịch là “Kiểm soát quản trị”. Ông Alan Phan đề nghị dịch là “Kỷ cương công ty” và còn nhiều đề nghị khác. Bản thân tôi rất đồng ý với cách dịch của ông Alan Phan.
Quản trị công ty (Corporate Governance) hiểu một cách đơn giản nhất là công cụ để những người chủ sở hữu công ty (cổ đông) kiểm soát những người điều hành để đảm bảo cho việc thực thi quản trị doanh nghiệp phù hợp với lợi ích của các cổ đông.
“Business Management” hoặc “Business Administration” được dịch là quản trị kinh doanh.
Quản trị kinh doanh được định nghĩa là việc thực hiện các hành vi quản trị trong quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa "hiệu suất", "quản lý hoạt động kinh doanh" bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý.
Quản trị kinh doanh nói một cách đơn giản là công việc của những người điều hành để vận hành tốt doanh nghiệp mà họ được giao quản lý. Trong đó có những chức năng: mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, marketing, thương hiệu, quan hệ khách hàng, bán hàng, hệ thống phân phối, tài chính, kế toán, sản xuất, nhân sự…
Doanh nhân Lâm Minh Chánh
Vì sao chuỗi nhà hàng Món Huế thất bại?
Làm sao để doanh nghiệp thực thi quản trị công ty hiệu quả?
Để có thể áp dụng và thực thi được một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả thì sự cam kết và thực thi của ban lãnh đạo công ty là hết sức quan trọng.
Quản trị doanh nghiệp giỏi sẽ hạn chế tham nhũng
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 cho rằng, các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi ít phải bỏ tiền chi trả những chi phí không chính thức bởi họ không coi đó là luật bất thành văn trong môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.