Món quà ân tình của bệnh nhân Covid

Sơn Phạm - 11:18, 16/02/2021

TheLEADERCuối tháng 7 vừa qua, sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Đà Nẵng, biến thành phố biển xinh đẹp trở thành tâm dịch. Cũng trong tình cảnh nguy nan đó, một câu chuyện cảm động về sự tri ân và lòng nhân ái đã ra đời, xuất phát từ một bệnh nhân không may mắc phải Covid-19.

Từ bệnh nhân Covid-19...

Ngày 4/8/2020 đối với anh Mai Anh Đức ở Hòa Châu, Đà Nẵng là một ngày không thể nào quên, khi nhận được tin cậu con trai bị nhiễm Covid-19, trở thành bệnh nhân số 664. Ngay ngày hôm sau, anh cũng nhận đước kết quả xét nghiệm dương tính, nhập viện điều trị với con số “định mệnh” 687.

“Mình nghe tin thì hoang mang lắm, đứng không vững, lo cho con nhỏ, lo cho cha mẹ già, thấy có lỗi với những người mình vô tình tiếp xúc”, anh Đức kể lại khoảnh khắc khi nhận được tin sét đánh ngang tai.

Được sắp xếp cùng phòng bệnh với con trai, anh Đức dần dần lấy lại sự bình tĩnh, bắt đầu bước vào hành trình chống lại con vi rút quái ác trong cơ thể.

Nói về những y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang, anh Đức dành cho họ sự cảm thông và biết ơn vô cùng sâu sắc, bởi “họ thiệt thòi lắm, họ cũng có gia đình mà vì cộng đồng, vì đất nước mới phải xa nhà, phải dấn thân vào tuyến đầu chống dịch”.

Món quà ân tình của bệnh nhân số 687
Anh Mai Anh Đức ở Hòa Châu, Đà Nẵng

“Trong bệnh viện chữa Covid-19 thì làm gì có người nhà vào chăm sóc. Chỉ có bác sĩ, y tá với người bệnh thôi. Bận rộn, vất vả mà họ tận tâm, ân cần lắm. Họ cũng giống mình, cũng có gia đình, mà vì đất nước, vì cộng đồng nên phải dấn thân vào tuyến đầu chống dịch. Là bệnh nhân mới có thể cảm nhận được hết sự hy sinh, cống hiến cũng như tinh thần quyết tâm chống dịch của họ”, bệnh nhân số 687 nói về những thiên thần áo blouse trắng đồng hành cùng anh trong suốt 10 ngày điều trị Covid-19.

Những ngày trong bệnh viện dã chiến Hòa Vang, cùng cậu con trai điều trị bệnh, bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng với bài tập vẩy tay “dịch cân kinh”, anh Đức bắt đầu chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình vào những dòng nhật ký đăng trên mạng xã hội để động viên, trấn an bạn bè, gia đình. Cùng với đó, suy nghĩ làm thế nào để trả món nợ ân tình, để san sẻ phần nào khó khăn cho bệnh viện, cho các y tá, bác sĩ cũng khiến anh trăn trở từng ngày.

“Tôi cảm thấy mình nợ một ân tình với đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện”, anh Đức viết trong nhật ký.

…đến chiến sĩ phòng chống dịch

“Tinh thần tôi lúc này thật vui và sung sướng khó tả vì mình đã chiến thắng “em cô vi” và chuẩn bị về nhà rồi! Tôi sẽ tiếp tục chung tay cùng mọi người, cùng thành phố để chiến đấu đến cùng cuộc chiến đại dịch Covid-19 này” là lời tuyên bố của bệnh nhân số 687 vào ngày 14/8, khi anh được ra viện sau 3 lần nhận kết quả xét nghiệm âm tính.

Thực tế, ngay từ khi còn ở trong viện, anh Đức đã liên lạc với một số anh em, bạn bè, lên kế hoạch tiến hành dự án hỗ trợ bệnh viện để cùng chung tay góp sức đầy lùi đại dịch.

Cụ thể, vốn sở hữu một công ty kinh doanh máy lọc nước, điều hòa không khí, thông qua tìm hiểu, anh Đức phát hiện ra một loại máy có xuất xứ từ Nhật Bản, có thể sản xuất ra nước sát khuẩn hiệu quả, được Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận. Loại nước sát khuẩn này có thành phần chính là nước sạch và các chất phụ gia, hiệu quả sát khuẩn lên đến 99,9%, lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, không gây hại cho da tay.

Nhớ lại hình ảnh những đôi bàn tay bong tróc, nhăn nheo, khô khốc do tiếp xúc thường xuyên với cồn sát khuẩn, anh Đức quyết tâm sản xuất số lượng lớn nước sát khuẩn để tặng cho các bệnh viện và khu cách ly. May mắn, người phân phối máy sản xuất nước sát khuẩn và cũng là một người bạn tại thành phố Hồ Chí Minh đã thấu hiểu và trân trọng tấm lòng của anh, đồng ý hỗ trợ máy cho dự án.

“Điều này đã được mình ấp ủ từ khi bệnh dịch bùng phát tại Đà Nẵng nhưng chưa kịp triển khai thì lại không may mắc bệnh. Cũng nhờ đó, mình càng thêm thấu hiểu, càng thêm trân trọng các y, bác sĩ và càng có quyết tâm thực hiện dự án”, anh Đức bộc bạch.

Dự án được các thành viên trong nhóm đặt tên là 687, số “báo danh” của anh Đức trong bệnh viện và có lẽ cũng là con số khó quên nhất trong cuộc đời anh.

Sau khi sản xuất thành công số lượng lớn dung dịch nước sát khuẩn để gửi tặng bệnh viện, anh Đức cùng nhóm 687 bắt đầu lên kế hoạch sản xuất buồng khử khuẩn, tuy nhiên vướng phải khó khăn do chi phí quá cao.

May mắn bắt đầu đến với dự án, khi những chia sẻ của anh Đức trên mạng xã hội không chỉ nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè mà còn cả những người chưa từng gặp mặt ngoài đời.

Đó là người bạn đến từ nhà hàng Dolphin tại Đà Nẵng, người đã chủ động liên hệ, bàn bạc và hỗ trợ anh Đức hoàn thành buồng khử khuẩn đầu tiên, được nhóm 687 bàn giao cho bệnh viện dã chiến Hòa Vang vào ngày 20/8.

Buồng sát khuẩn thứ hai cũng nhận được hỗ trợ về thiết bị tách nước thành hơi bằng sóng âm từ Công ty TĐ Electronic. Bên cạnh thiết bị tách hơi nước, TĐ Electronic còn tặng dự án 687 hơn mười máy rửa tay tự động, với mong muốn cùng bệnh nhân 687 “đồng lòng chống dịch”, dù đang gặp phải nhiều khó khăn trong mùa Covid-19.

Cùng với đó, thông qua một quản lý cửa hàng, Công ty Nhựa Song Long đã hỗ trợ một phần chi phí can nhựa đựng nước sát khuẩn, chung tay góp sức với 687 hỗ trợ cộng đồng

Anh Đức gọi đấy là nhân duyên, là cái duyên đặc biệt giữa những người cùng chung lý tưởng, chung mong muốn được hỗ trợ, được đóng góp cho cộng đồng đã tìm đến với nhau, trong bối cảnh cả thành phố, cả đất nước đang gồng mình chống dịch.

Ngày 25/9, khi Đà Nẵng vượt qua đợt bùng phát dịch anh Đức tuyên bố chính thức kết thúc dự án 687. Gửi lời cảm ơn tới những cá nhân, tổ chức đã hết lòng giúp đỡ trong suốt hơn một tháng qua, bệnh nhân Covid số 687 cũng cho biết, nhóm 687 sẽ tiếp tục sát cánh cùng đất nước từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, bên cạnh việc tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới.

Người Việt còn thương nhau nhiều lắm

Thành phố Đà Nẵng chiến thắng dịch bệnh cũng là lúc các thành viên trong dự án 687 quay trở về với nhịp sống thường nhật. Anh Đức cũng tiếp tục điều hành hoạt động của công ty, cố gắng duy trì hoạt động nhằm đảm bảo đời sống cho anh em nhân viên sau quãng thời gian khó khăn.

“Công ty mình không bị ảnh hưởng quá mức nặng nề, chỉ khó khăn nhất là vào đợt cả công ty phải đi cách ly, may mắn là khách hàng, đối tác đều hiểu và thông cảm”, anh Đức cho biết.

Cùng với đó, giữ đúng cam kết khi chính thức tuyên bố kết thúc dự án 687, anh Đức cùng các thành viên nhóm 687 vẫn tiếp tục hỗ trợ bà con miền Trung bão lũ, thông qua việc vận động đóng góp vào quỹ “Sống xanh 687”.

Nhận được nhiều lời ca ngợi, thán phục về những hành động cao cả của mình, bệnh nhân số 687 cho rằng đó là việc nên làm, là nghĩa vụ và trách nhiệm một người dân Việt. “Đó là cái bản năng của con người Việt Nam, luôn quan tâm, san sẻ và hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi có biến cố, từ dịch bệnh cho tới những đợt mưa bão miền Trung. Qua đó, lại thấy người Việt mình còn thương nhau ghê, còn thương nhau nhiều lắm”, anh Đức chia sẻ.

Tâm niệm về trách nhiệm đối với xã hội cũng luôn được anh Đức ứng dụng vào việc điều hành doanh nghiệp, bởi theo anh, doanh nghiệp luôn sống nhờ vào xã hội và cần phải báo đáp xã hội thì mới tồn tại và phát triển được. Đối với anh, trách nhiệm xã hội không phải là một điều gì đó cao xa mà chỉ đơn giản là chăm lo tốt cho cuộc sống của bản thân, của gia đình, của những nhân viên gắn bó với công ty, rồi “tùy theo sức của mình” mà hành động để giúp đỡ cộng đồng.

Đó cũng chính là lý do trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn, đặc biệt khi bị nhiễm bệnh, toàn thể anh em trong công ty phải đi cách ly khiến hoạt động kinh doanh đóng băng hoàn toàn, anh Đức vẫn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của đất nước lên trên và nỗ lực hết mình để góp sức vào công tác phòng chống dịch.

“Làm việc thiện, mìnhcũng cảm thấy công việc trở nên thuận lợi, gặp nhiều may mắn”, anh Đức chia sẻ.