Năng lượng tái tạo trước thách thức COP26

Nguyễn Cảnh - 15:38, 11/12/2021

TheLEADERVề cam kết của Chính phủ (tại hội nghị COP26) sẽ giảm phát thải ròng khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050, ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, tỷ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam phải chiếm 80 – 90% vào năm 2050.

Năng lượng tái tạo trước thách thức COP26
Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 80-90% cơ cấu điện sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu lượng phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26, Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo kèm theo những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực và sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế.

Về vấn đề này, tại toạ đàm "Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nhận định: ‘Trên thế giới chỉ có quốc gia phát triển như Trung Quốc, Anh, Mỹ dám cam kết lộ trình đó, thậm chí xa hơn là giai đoạn 2060 hoặc 2070. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đây là tham vọng lớn’.

Trong nghị quyết Bộ Chính trị, tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng chung đến năm 2050 khoảng 40 - 45%. Tuy nhiên, với cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26, tỷ trọng năng lượng tái tạo đến năm 2050 có thể sẽ tăng gấp đôi (ở mức 80 - 90%). Do đó, theo ông Vy, để thực hiện cam kết của Chính phủ, các cơ quan, nhà khoa học cần nghiên cứu thực hiện các giải pháp.

Trước hết, vị chuyên gia này phân tích rõ về trung hòa khí nhà kính.

Phát thải khí nhà kính hiện chia ra làm 4 loại gồm: ngành năng lượng (khi sử dụng các nhiên liệu hóa thạch thì phát thải ra khí nhà kính, chủ yếu CO2. Hiện chiếm khoảng 60% tổng phát thải), ngành công nghiệp – xi măng, sắt thép (khi có phản ứng hóa học sinh ra CO2, chiếm trên 10%), nông nghiệp (khoảng 20% tổng phát thải) và rác thải (hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong quá trình bị phân hủy thì ra khí metan, quy đổi thành CO2 lớn, dưới 10%).

Tổng phát thải hiện nay là trên 300 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn thu chủ yếu là từ các cây trồng, rừng, nguồn thu CO2 mới được 40 – 50 triệu tấn. Đến 2050 phát thải ròng bằng 0, tức là phát thải phải bằng nguồn thu.

Theo tính toán kịch bản về các trường hợp tăng thu, giảm phát thải, nếu phát triển tốt, đến 2050 có thể đạt 200 – 250 triệu tấn thông qua các giải pháp. Đơn cử, nếu không chôn lấp, đốt trực tiếp, hoặc dùng các công nghệ thu hồi khí metan (có thể tiến tới 100% ko phát thải).

Trong ngành công nghiệp, có thể áp dụng một số giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính, nhưng khó có thể đưa về 0. Đồng thời, cũng có thể giảm diện tích trồng lúa nước, chuyển đổi cây trồng.

Theo ông Vy, để mức phát thải ròng CO2 bằng 0, ngành năng lượng chỉ còn có thể phát thải 100 – 150 triệu tấn CO2. Nếu dùng nhiên liệu hóa thạch, giả sử khí tự nhiên với mức độ phát thải thấp nhất, với các công nghệ cao ít phát thải thì có thể sản xuất được 200 triệu kWh.

Trong khi đó, dự báo nhu cầu điện Việt Nam đến 2050 vào khoảng 1 tỷ kWh, trừ đi nguồn hóa thạch thì tới 800 triệu kWh phải từ nguồn không phát thải, bao gồm: điện năng lượng tái tạo, hoặc điện hạt nhân (nhưng hiện đã dừng).

Mặt khác, chúng ta cũng có thể lựa chọn vẫn phát triển điện than nhưng phải thu giữ CO2, nhưng công nghệ này khó và đắt. Do đó, chủ yếu vẫn phải phát triển năng lượng tái tạo để bù vào.

‘Như vậy, để cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tỷ trọng năng lượng tái tạo phải chiếm 80 – 90%. Việt Nam liệu có thể đạt được đến mức độ đó hay không, theo tôi nghĩ là có thể được, dù rất khó’, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam nhấn mạnh.

Với yêu cầu tỷ trọng như vậy, đòi hỏi hệ thống phải điều chỉnh bằng giải pháp phát triển thêm thủy điện tích năng, đắp hồ trên hồ dưới để trữ nước, dịch chuyển nước, lưu trữ về năng lượng như các pin tích năng…

Ngoài ra, có thể xây dựng hệ thống truyền tải tương đối mạnh để hỗ trợ các vùng. Năng lượng tái tạo có thể dự báo được công suất, mức phát dựa trên những ngày vận hành trước đó, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Tại Việt Nam, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo hiện nay khoảng trên 10%, sản lượng điện chủ yếu từ các năng lượng hoá thạch, khai thác than - dầu mỏ - khí đốt, năng lượng tái tạo có thuỷ điện, điện gió, mặt trời. Từ năm 2015 đến nay, chúng ta đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Một trong những khó khăn, bất cập trong phát triển năng lượng tái tạo là chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Các nhà đầu tư chưa dự đoán được chính sách để yên tâm đầu tư.

Chính sách hiện còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo. Giá FIT cho các dự án NLTT được áp dụng thống nhất trong cả nước có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển, các nhà đầu tư đổ vào các khu vực có tiềm lực phát triển tốt, dẫn đến quá tải.

Giá FIT cho các dự án NLTT được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn dự án nhỏ.