Ngân hàng rục rịch trở lại với kế hoạch niêm yết cổ phiếu

Trần Anh - 09:25, 16/06/2020

TheLEADERSức ép từ đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và việc cổ phiếu ngân hàng phục hồi mạnh mẽ sau khi chạm đáy càng khiến các ngân hàng có động lực hơn với kế hoạch niêm yết trong năm nay.

Theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2020, Chính phủ đã đưa ra hạn cuối để các ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chính thức là năm 2020.

Trước sức ép đó, nhiều ngân hàng đã chuẩn bị kế hoạch lên sàn. Việc cổ phiếu ngân hàng phục hồi mạnh mẽ sau khi chạm đáy do tác động của dịch Covid-19 càng khiến các ngân hàng có động lực hơn với kế hoạch niêm yết trong năm nay.

Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thông qua kế hoạch đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCOM trong năm nay. Là một trong những ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, SCB nhiều năm qua vẫn đang tập trung vào hoạt động tái cơ cấu.

Để chuẩn bị cho hoạt động niêm yết, SCB dự kiến sẽ tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng lên trên 20.000 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng dự kiến tăng 12,19% đạt 637.166 tỷ đồng.

Tại Nam A Bank, ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Nam A Bank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) . Thời gian thực hiện chậm nhất 31/12/2020.

Năm ngoái, nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu và đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo Nam A Bank, do một vài yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến tiến độ niêm yết nên đến thời điểm tổ chức Đại hội năm nay, ngân hàng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn.

Hiện Nam A Bank đã thực hiện gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết theo trình tự quy định của pháp luật về chứng khoán.

Tương tự, Đại hội cổ đông của SeABank năm nay cũng thông qua việc thực hiện niêm yết toàn bộ số lượng cổ phiếu của SeABank trên HOSE trong năm 2020. Đại hội cổ đông cũng giao HĐQT quyết định thời điểm thực hiện cụ thể và giá niêm yết cổ phiếu SeABank trên HOSE.

Trước đó, SeABank đã nhiều lần lên kế hoạch lên sàn nhưng chưa triển khai. Trước sức ép từ Đề án của Chính phủ, nhiều khả năng SeABank sẽ lên sàn thành công trong năm nay. Tại OCB, ngân hàng này cũng dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lên sàn trong năm 2020.

HOSE được xem là điểm đến lý tưởng của các ngân hàng, không chỉ với các ngân hàng chưa niêm yết mà cả các ngân hàng đã niêm yết trên HNX cũng đang tính việc chuyển sàn

Cụ thể, Đại hội cổ đông của SHB vừa diễn ra hôm qua (15/6) các cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của từ HNX sang sàn HOSE. Việc chuyển sàn được xem là bước đi chiến lược và chủ động nhằm đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán.

Ngân hàng ACB, một trong những đơn vị vốn hóa lớn nhất sàn HNX cũng cho biết kế hoạch chuyển sang HOSE.

Theo lý giải của lãnh đạo ACB, việc chuyển đăng ký niêm yết có thể đem lại lợi ích khi cổ phiếu ACB nhiều khả năng được lọt vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDiamond (10%)... Từ đó, nó có thể giúp làm tăng giá trị thị trường.

Một ngân hàng khác đang được giao dịch trên sàn UPCOM là VIB cũng đăng ký niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay. 

Trong khi các ngân hàng sôi động với kế hoạch lên sàn hoặc chuyển sang niêm yết  trên HOSE, một số ngân hàng lại đi ngược dòng.

Mới đây, tại ĐHCĐ, MSB đã thông qua việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết trên HOSE và sẽ tái khởi động kế hoạch này vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn. Trong thời gian chờ lên sàn HOSE, MSB sẽ chọn thời điểm phù hợp để thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM tùy thuộc diễn biến của thị trường chứng khoán và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Đại hội cổ đông của ABBank cũng cho biết đang tạm hoãn kế hoạch niêm yết. ABBank cho biết đã báo cáo đại hội cổ đông về sự thay đổi lộ trình kế hoạch dự kiến niêm yết do liên quan công tác chuyển trụ sở chính từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

Theo đó, lộ trình lưu ký và niêm yết được điều chỉnh tạm ngừng để đợi hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới, đảm bảo đồng bộ thông tin tránh việc phải sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ có thể kéo dài làm thủ tục lưu ý, niêm yết.

Hay với ngân hàng Agribank, kế hoạch IPO và lên sàn cũng khá mông lung. Là ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn nắm giữ 100% cổ phần, lộ trình IPO và đưa cổ phiếu Agribank vào giao dịch trên thị trường chứng khoán được đã được đưa ra từ lâu những chưa thể thực hiện. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là phải tăng vốn điều lệ.

Lãnh đạo Agribank cho biết, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm. Theo chuẩn mực vốn Basel II, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank tính tới 31.3.2020 chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định

Hồi tháng 4, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank. Mức tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước (tối đa 3.500 tỉ đồng).