Ngân hàng Thế giới cảnh báo áp lực gia tăng với kinh tế Việt Nam

Phương Anh - 11:58, 13/04/2023

TheLEADERTheo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát và điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới trong cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất cảnh báo tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới có thể gây áp lực lên lạm phát.

Cùng với đó, khả năng Mỹ tiếp tục thắt chặt tài chính để kiểm soát lạm phát có thể ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm một số lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh thêm: “Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn, và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính”.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2023 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, cần được theo dõi chặt chẽ. Tổ chức này khuyến nghị nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo mới nhất cũng lưu ý rằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.

ADB lưu ý mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang, và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.

Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV trong đánh giá gần đây đánh giá áp lực lạm phát vẫn còn, do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng khá cao, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước), và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu).

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, lạm phát của Việt Nam đang hạ nhiệt dần, và dự báo CPI cả năm 2023 ở mức 4 – 4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát, như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm.