Ngành logistics đang chuyển mình

Hứa Phương - 08:44, 22/10/2022

TheLEADERNgành logistics Việt Nam đang từng bước chuyển mình, áp dụng công nghệ để phát triển.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin - một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, kể câu chuyện về dịp thăm nhà phân phối sản phẩm ở thị trường Đức cách đây 7 năm. Ông rất ngạc nhiên khi công ty này chỉ có 7 nhân viên và phân phối hàng trăm sản phẩm, trong đó có sản phẩm của Secoin, nhưng doanh số hàng năm đạt gần 1 tỷ Euro.

Ngành logistics đang chuyển mình
Ngành logistics đang chuyển mình để phát triển

Khi ông thắc mắc thì được giải đáp rằng, sở dĩ họ làm được như vậy là nhờ tự động hóa, sử dụng công nghệ AI vào các hoạt động. Các công đoạn từ kết nối với các công ty logistics cho đến kiểm soát hàng hóa, phân phối… đều được quản lý, điều hành một cách tự động rất hoàn hảo.

Câu chuyện của ông Kỳ cho thấy ngành logistics của Việt Nam vẫn đang "lạc hậu" thế nào.

Điểm nghẽn

Dù ngành logistics được đánh giá đang phát triển nhanh, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-15% nhưng cũng còn những điểm nghẽn về chính sách, cơ sở hạ tầng kìm hãm.

Cụ thể, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thị trường logistics Việt Nam hiện có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp.

Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia với các tên tuổi lớn như Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, Nippon Express…

Do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính đầu tư cho công nghệ còn hạn chế dẫn đến chi phí logistics cao.

Mặt khác, một trong những hạn chế cố hữu của ngành logistics Việt Nam hạ tầng, nền tảng của dịch vụ vận tải đa phương thức còn yếu kém, thiếu sự đồng bộ.

Hệ thống kho vận chưa phát triển kịp thời với nhu cầu thị trường nội địa, đặc biệt là nhu cầu phát triển e-Logistics trong tương lai.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại, Công ty SLP Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn “Logistics - Chuyển mình phát triển” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao.

Các doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Hệ thống kho bãi phát triển không đồng đều, 70% phát triển ở miền Nam chỉ có 30% ở miền Bắc.

Ngành logistics Việt Nam thời gian qua mới tập trung phát triển thị trường nội địa, do đó cần mở rộng xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy ngành này phát triển hơn nữa. Để xoay chuyển tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách phát triển đồng bộ.

Còn ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, với đặc thù là một doanh nghiệp nhà nước hiện đang có hệ thống 16 cảng trải rộng trên cả nước, 2 triệu m2 kho bãi, với hơn 1 triệu tấn hàng/năm nên công ty gặp phải khó khăn riêng.

Đơn cử như dịch vụ cung cấp đơn lẻ, quy trình đơn điệu, việc ứng dụng công nghệ thông tin khác biệt do trình độ của nhân viên.

Ngoài ra, một số cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu hoặc chưa được quy định rõ ràng, các quy định pháp luật liên quan đến xác thực điện tử, chia sẽ dữ liệu, định danh... chưa được quy định cụ thể.

“Chìa khoá” chuyển đổi số

Công nghệ 4.0 đang có sự phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng nhanh của xu hướng E-Logistics, Green logistics…Ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi cung ứng và nhà kho thông minh đang được coi là một một giải pháp tích cực, đầy kì vọng.

Các doanh nghiệp logistics bắt đầu quan tâm đến ứng dụng công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo hay robot để thực hiện đóng hàng, dỡ hàng. Do đó, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đang được coi là “chìa khoá” đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics.

Được biết đến là một đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian qua, ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, với quy mô hoạt động lên đến hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày nên việc quản lý dựa trên công nghệ, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo là yêu cầu bắt buộc ở Lazada.

Lazada luôn áp dụng số hoá vào hoạt động logistics, đơn cử như việc các nhân viên có thể từ 1-2 ngày không cần sử dụng đến máy tính mà xử lý công việc, kiểm soát chất lượng, dịch vụ luôn trên điện thoại.

Tuy nhiên để chuyển đổi số thành công, theo ông Thịnh cần có quy trình chuẩn để mô phỏng trên môi trường số, ứng dụng công nghệ tự động hoá để xử lý số lượng đơn hàng lớn.

Với Lazada, từ năm 2017, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ chia chọn tự động tại TP.HCM và cuối tháng 11 năm nay sẽ đưa Trung tâm chia chọn mới, ứng dụng công nghệ mới nhất vào hoạt động.

Còn đại diện của Vietnam Post cũng cho biết, từ năm 2018 đơn vị đã chú trọng đầu tư vào hệ thống tự động. Nhờ hệ thống tự động nên chất lượng phân loại chính xác, hiệu suất cao hơn nên hiện nay Vietnam Post đang thực hiện được khoảng 1 triệu đơn hàng/ngày. Nhờ công nghệ tư động nên từ năm 2020, Vietnam Post đã tự tin mở rộng đầu tư sang kho ngoại quan.

Dù có doanh nghiệp đã thành công và chuyển đổi số được coi là “chìa khoá” tuy nhiên theo ông Trung, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình này thì các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp logistics có quy mô lớn.

Ngoài ra, ông Trung cũng đề nghị xây dựng các trung tâm logistics, phát triển các quy trình dùng chung trên nền tảng công nghệ là bước đi cần thiết. Đồng thời, xây dựng ban chuyên gia tư vấn và kết nối về chuyển đổi số, từ đó cùng trao đổi và đưa ra hướng đi phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp logistics tại Việt Nam.