Ngành thép đề xuất chiến lược ‘thép xanh’

Phạm Sơn - 10:26, 29/09/2022

TheLEADERÔng Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đề xuất xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh riêng cho ngành thép làm cơ sở cho doanh nghiệp thép tham gia đóng góp vào thực hiện cam kết tại COP26.

Ngành thép đề xuất chiến lược ‘thép xanh’
Với đặc thù là ngành luyện kim, ngành thép có mức phát thải carbon rất cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), tính riêng trong năm 2021, ngành thép tạo ra mức phát thải tương đương với 3,5 tỷ tấn khí thải carbon, chiếm khoảng 7 – 8% tổng lượng khí nhà kính phát sinh toàn cầu. Thực tế cùng với hóa chất và xi măng, ngành thép là 1 trong 3 ngành công nghiệp có mức phát thải lớn nhất trên thế giới.

Ông Thái cho biết, dù có mức phát thải cao nhưng xét về lý thuyết, ngành thép có nhiều tiềm năng để giảm phát thải, thông qua áp dụng những công nghệ mới như sử dụng năng lượng hydro, lò nung điện tái tạo, công nghệ thu giữ carbon…

Từ tiềm năng đó, hòa chung với xu thế của ngành thép thế giới, ngành thép Việt Nam đã triển khai nhiều dự án, chương trình, phối hợp với các tổ chức phát triển và cơ quan quản lý Nhà nước để xác định phương hướng tăng trưởng xanh cho ngành thép. Trong bản tin ngành được VSA cập nhật hàng tháng cũng có chuyên mục riêng dành cho các thông tin liên quan đến “thép xanh”, bên cạnh những chuyên mục truyền thống như thị trường, hoạt động doanh nghiệp.

Theo vị Tổng thư ký VSA, hiện tại ngành thép đang có đầy đủ thông tin cập nhật những yêu cầu đối với tăng trưởng xanh và sản xuất sạch hơn, từ những quy định trong nước cho đến yêu cầu của thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Thái cũng nhấn mạnh, sự tồn tại và tăng trưởng của ngành thép trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu như hiện nay là “câu chuyện dài và chưa từng có tiền lệ”, đặc biệt khi Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng thị trường tín chỉ carbon.

Do đó, dù đã có nhiều bước chuẩn bị nhưng VSA nói chung và các doanh nghiệp thép Việt Nam nói riêng vẫn chưa có đầy đủ năng lực về cả nhận thức, kinh nghiệm lẫn nguồn lực công nghệ, tài chính.

Trước thực trạng trên, trao đổi tại tọa đàm “Định giá carbon: Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam” do Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức, đại diện ngành thép đề xuất, cần có một chiến lược tổng thể cho ngành thép hướng tới tăng trưởng xanh.

Cụ thể, ông Thái đề nghị Bộ Công thương có thể xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh riêng cho ngành thép của Việt Nam, trong đó có quy định rõ ràng những nội hàm, tiêu chí của “thép xanh”, tránh trường hợp doanh nghiệp thép tuyên bố “xanh” nhưng không có hoạt động chuyển đổi mang tính thực chất.

Một yếu tố khác cần được chiến lược “thép xanh” làm rõ là lộ trình chuyển đổi xanh cho ngành thép đóng góp vào cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

“Để đạt được phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050, ngành thép phải được giao nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình đến khi nào thì được phát thải ở mức tối đa, sau đó giảm dần, có từng mốc rõ ràng”, Tổng thư ký VSA nói.

Đối với Bộ Khoa học và công nghẹ, ông Thái đề nghị sớm ban hành tiêu chuẩn về khí thải nhà kính cho ngành thép, có thể dựa trên cơ sở là tiêu chuẩn quốc tế ISO 14404. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cần được cụ thể hóa để phục vụ tiến trình cắt giảm khí thải ngành thép Việt Nam.

Về phía hiệp hội, đại diện VSA cho biết sẽ tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia vào phản ánh thực trạng, phản biện chính sách. VSA sẽ là đầu mối phản ánh kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp tới cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cập nhật kịp thời chính sách, quy định mới cho doanh nghiệp.

Ông Thái khuyến khích doanh nghiệp ngành thép Việt Nam thực hiện một giải pháp hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng, đó là xây dựng cam kết đóng góp tự nguyện vào tiến trình giảm phát thải của Việt Nam cũng như toàn cầu.