Ngành thép vẫn kém tích cực trong ngắn hạn

Trần Anh - 20:07, 02/04/2023

TheLEADERDù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các công ty phân tích nhận định, ngành thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ có thể kỳ vọng tươi sáng hơn vào nửa cuối năm.

Tại cuộc họp ĐHCĐ 2023 vừa diễn ra, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. Phát biểu của ông Long mang lại nhiều thông điệp tích cực cho ngành thép. Thực tế, một vài tín hiệu lạc quan cũng đã xuất hiện, chẳng hạn vệc Hòa Phát đã mở lại 1 lò cao trong tháng 1 năm nay và dự kiến mở lại toàn bộ 4 lò cao đã đóng cửa năm ngoái.

Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của giá thép. Giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.

Mặc dù vậy, ông Long cũng cho rằng, dù thời điểm khó khăn nhất đã qua, tương lai vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Các công ty phân tích nhận định, ngành thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn.

Đầu tiên là sự suy yếu về nhu cầu tiêu thụ do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Trong 2 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 1,823 triệu tấn, giảm 15,4% và tiêu thụ đạt 1,736 triệu tấn, giảm 22,3%.

Riêng với Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã giảm 29% so với cùng kỳ, đạt 586.000 tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC và thép dẹt của HPG đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mở lại các lò cao trong thời gian tới của Hòa Phát, dự kiến sẽ khởi động lại 1 lò vào đầu tháng 4 và 2 lò vào tháng 5.

Do nhu cầu và giá thép yếu, Hòa Phát vẫn lỗ ròng trong 2 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết khoản lỗ thấp hơn so với dự kiến và đã được tính đến trong kế hoạch năm 2023.

Với nhu cầu yếu, Công ty Chứng khoán VNDirect lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của Hòa Phát sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của công ty. 

VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý 3/2023 nhờ 3 yếu tố: Sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022, biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tồn kho thấp hơn và cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh.

Nhận định nhanh sau cuộc họp ĐHCĐ 2023, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 và chỉ quay lại tăng trưởng dương trong nửa cuối năm. Bộ phận phân tích này dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của Hòa Phát có thể đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước .

Con số trên khả quan hơn nhiều so với kế hoạch thận trọng của Hòa Phát với mục tiêu lợi nhuận ròng 8.000 tỷ đồng, thấp hơn 5,3% so với thực hiện năm ngoái. SSI Research cũng nhấn mạnh, trong 11 năm trở lại đây, ngoài năm 2022, lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp đầu ngành thép đều vượt kế hoạch.