Diễn đàn quản trị
Người kế nghiệp viết tiếp di sản
Bằng khát vọng lớn và tinh thần đổi mới, thế hệ F2 đang viết tiếp câu chuyện di sản của doanh nghiệp gia đình, tạo nên những bước đi táo bạo và khác biệt trên hành trình hội nhập toàn cầu.
Chị Huỳnh Mai Mỹ, Giám đốc Thiết kế đóng mới của Công ty Bình An, vừa trở về từ chuyến du ngoạn kéo dài hai tuần tại Ai Cập theo lời mời của Viking Cruise – một trong ba công ty du lịch du thuyền hàng đầu thế giới. Chuyến đi không chỉ là món quà sinh nhật tròn 30 tuổi mà còn là cơ hội để chị tiếp cận kỹ thuật đóng tàu tiên tiến, đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ đối tác quốc tế cho các dự án du thuyền cao cấp.
Nếu như thế hệ sáng lập của Công ty Bình An đã đặt nền móng vững chắc với các dự án đóng tàu nội địa phục vụ ngành dầu khí kể từ sau Đổi Mới, thì thế hệ kế nghiệp như vợ chồng chị Huỳnh Mai Mỹ và anh Vũ An đang viết nên một chương mới, đầy táo bạo và sáng tạo.
Những dự án hiện đại như tàu phục vụ năng lượng tái tạo hay du thuyền cao cấp không chỉ bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa, khẳng định năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Những con tàu được làm nên nhờ đôi bàn tay và khối óc của người Việt, giờ đây đã sẵn sàng chinh phục đại dương xa xôi, mang theo khát vọng và niềm tự hào dân tộc.
Vươn tầm quốc tế không chỉ là câu chuyện riêng của Công ty Bình An mà còn là điểm chung trong hành trình chuyển giao thế hệ của nhiều doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam. Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thế hệ kế nghiệp (F2) đang mạnh dạn kể một câu chuyện mới, câu chuyện của sự đổi mới, hội nhập và khát vọng vượt giới hạn.
Sóng ngầm chuyển động
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là trong việc chuyển giao thế hệ và xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Deloitte Private, cho rằng những thay đổi này không chỉ phản ánh khả năng thích nghi với biến động của thị trường mà còn là dấu mốc quan trọng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của thế hệ F2, những người ngày càng tự tin và chủ động hơn trong việc dẫn dắt doanh nghiệp trên chặng đường mới.
Trước đây, thế hệ kế nghiệp thường tiếp nhận vai trò quản lý một cách thụ động, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà ít có sự phản biện. Bối cảnh kinh tế ổn định và ít biến động khiến các công thức thành công của thế hệ sáng lập vẫn duy trì được tính hiệu quả.
Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, thị hiếu người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh hiện nay đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp gia đình.
Trước thách thức mới, thế hệ F2 bắt đầu thể hiện vai trò chủ động hơn trong việc đặt câu hỏi và nâng cấp, hiện đại hóa những tư duy đã cũ.
Nhiều người nhận thấy rằng việc tiếp tục duy trì các mô hình kinh doanh không còn phù hợp hoặc tư duy quản trị theo kinh nghiệm có thể làm mất đi cơ hội đổi mới và tăng trưởng bền vững. Sự thay đổi này không chỉ xuất phát từ tinh thần đổi mới của thế hệ trẻ mà còn dựa trên những dữ liệu thực tiễn và nhu cầu rõ ràng của thị trường.
Một trong những xu hướng nổi bật là sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới bên cạnh các lĩnh vực truyền thống của doanh nghiệp gia đình. Một số F2 chọn cách “ra riêng”, vẫn dựa trên giá trị cốt lõi của gia đình nhưng mở rộng sang những lĩnh vực mới để chủ động đổi mới theo tư duy của mình cùng tầm nhìn xa.
Du học trở về, anh Hà Quang Dũng, thế hệ F2 của Tập đoàn Nguyệt Ánh chưa vội vàng tiếp quản công việc kinh doanh đa ngành của gia đình ngay từ đầu mặc dù đó là mục tiêu sự nghiệp mà anh đã sớm đặt ra với khát vọng lớn. Thay vào đó, anh quyết định vay vốn để mua lại một nhà máy nhôm đã phá sản và biến nó thành một doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ chỉ sau 5 năm. Anh xác định, chỉ khi đã có đủ năng lực và khẳng định bản thân mới là thời điểm để anh tự tin dẫn dắt doanh nghiệp quy mô lớn với tuổi đời hơn hai thập kỷ.
Với chiến lược đầu tư vào con người và chuẩn hóa sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, anh Dũng đã đưa Công ty CP Pramac do anh sáng lập trở thành nhà cung cấp nhôm hàng đầu cho các đơn vị sản xuất trong và ngoài nước, hợp tác với những tên tuổi lớn như Heineken và Coca-Cola để thúc đẩy các hoạt động tái chế và kinh tế tuần hoàn. Quan trọng hơn, anh đã chứng minh rằng sự đổi mới và tư duy chiến lược có thể giúp doanh nghiệp “lội ngược dòng” ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất như đại dịch Covid-19.
Là ái nữ của “vua cúc áo” Tôn Thạnh Nghĩa chuyên sản xuất cúc áo từ vỏ sò và ngọc trai xuất khẩu ra quốc tế, chị Tôn Nữ Xuân Quyên mong muốn tạo thêm giá trị mới trong dòng chảy di sản của gia đình.
Khi thế hệ F1 vẫn đang ngày đêm hăng say với sự nghiệp họ đã dày công xây dựng gần 30 năm trời, chị Quyên quyết định chủ động trong sáng tạo với việc thành lập Công ty CP Blusaigon, tập trung phát triển các sản phẩm mới từ nghề khảm trai của gia đình, như bút cao cấp, trang sức và các sản phẩm thủ công nghệ thuật.
Blusaigon tạo nên sự khác biệt bằng tư duy số hóa và sáng tạo. Công ty nhanh chóng đầu tư vào các nền tảng bán hàng trực tuyến, tối ưu hóa giao dịch trên website, khai thác mạng xã hội và nền tảng video ngắn để đẩy mạnh chiến lược tiếp thị kỹ thuật số. Đồng thời, Blusaigon cải tiến vận hành nội bộ qua việc trang bị thiết bị hiện đại, phần mềm quản lý chuyên nghiệp và khuyến khích nhân sự tận dụng ứng dụng công nghệ. Sản phẩm của công ty mang đậm tính sáng tạo, đồng thời kể câu chuyện về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, khẳng định giá trị Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Trong thời đại này, đã nhỏ thì bắt buộc phải nhanh và khác biệt mới có hy vọng cạnh tranh được với những đối thủ vừa lớn vừa linh hoạt trên sân chơi toàn cầu”, chị Quyên chia sẻ.
Trong khi đó, một số F2 khác chọn cách nâng cấp doanh nghiệp gia đình bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại và cải tiến quy trình vận hành. Là người điềm đạm nhưng rất quyết liệt và sáng tạo trong cách làm, anh Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Gốm sứ Minh Long I, con trai cả của nghệ nhân gốm sứ Lý Ngọc Minh đã đưa thương hiệu Minh Long lên một đẳng cấp mới nhờ áp dụng “vũ khí 4.0” với dự án chuyển đổi số toàn diện để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong khi vẫn duy trì được giá trị truyền thống.
“Di sản văn hóa là cái hồn làm nên sự khác biệt của sản phẩm Việt Nam. Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ hiện đại nhưng không được rời xa giá trị văn hóa, để mỗi sản phẩm không chỉ là vật dụng mà còn kể một câu chuyện mang tinh thần Việt”, anh Sáng chia sẻ.
Một xu hướng đáng chú ý khác được ông Huỳnh nhấn mạnh là sự cởi mở đối với hợp tác chiến lược hoặc sáp nhập và mua lại. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã nhận ra rằng việc hợp tác với các đối tác lớn trong nước hoặc quốc tế không phải là sự từ bỏ hay chấm hết mà là cách để huy động nguồn lực mới, mở rộng thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Những bài học quốc tế như Honda, Nissan và Mitsubishi chuyển thù thành bạn thông qua hợp tác tạo nên một liên minh lịch sử để cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc, hay Hyundai mạnh dạn IPO tại Ấn Độ để tận dụng cơ hội tăng trưởng tại thị trường mới nổi, cho thấy giá trị thực sự của doanh nghiệp nằm ở khả năng đổi mới và thích nghi, chứ không chỉ dừng lại ở tấm giấy phép kinh doanh hay địa bàn hoạt động.
Dũng cảm mở ra chương mới
Trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam, thế hệ doanh nhân F1 từng tạo nên một giai đoạn đổi mới đáng nhớ. Họ tập trung chuyển đổi mô hình từ hợp tác xã sang công ty, đặt nền móng bằng việc học cách quản lý doanh thu, kế toán, và cải tiến tư duy sản xuất. Nhờ những nỗ lực đó, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu và liên doanh, nhưng tất cả vẫn xoay quanh nghề truyền thống của gia đình.
Ngày nay, thế hệ F2 đang viết nên một chương hoàn toàn khác biệt. Không chỉ đơn thuần làm nghề của gia đình, họ bắt đầu làm chủ bằng cách khai thác nguồn lực sẵn có trong xã hội để tạo ra giá trị gia tăng và hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Ngân hàng có vốn, xã hội có nhân lực và công nghệ hiện đại đã trở thành những công cụ quan trọng giúp F2 mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Nhờ bước vào con đường làm chủ doanh nghiệp, chương mới của F2 không còn là câu chuyện đổi mới mà là sự hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Huỳnh nói.
Những bước tiến của thế hệ F2 không chỉ nhanh, mà còn hiệu quả. Trong khi thế hệ trước mất 30 năm để xây dựng nền tảng doanh nghiệp, nhiều doanh nhân trẻ chỉ cần năm đến 10 năm để vươn lên. Điểm chung của họ là khả năng tổ chức kinh doanh, huy động nguồn lực và tận dụng lợi thế của thời đại.
Theo lãnh đạo Deloitte Private, để đưa doanh nghiệp gia đình lên tầm cao mới đồng thời tạo được dấu ấn riêng biệt, thế hệ kế nghiệp cần gọi tên được thứ mà mình muốn gìn giữ và phát triển. Chẳng hạn, mục tiêu là giữ nghề truyền thống, là giữ cái tên doanh nghiệp hay viết nên câu chuyện tạo giá trị cho cộng đồng. Một mục tiêu rõ ràng sẽ là kim chỉ nam, giúp định hướng hành động và chiến lược đúng đắn.
Tỷ phú số một Hồng Kông, Lý Gia Thành, là minh chứng tiêu biểu cho tầm nhìn xa và sự linh hoạt trong kinh doanh. Bắt đầu với ngành sản xuất hoa nhựa và hoa giấy, ông nhanh chóng nhận ra giới hạn của lĩnh vực này và chuyển hướng, phát triển doanh nghiệp thành một tập đoàn đa ngành quy mô toàn cầu. Dù mở rộng hoạt động kinh doanh, ông vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi như sự gắn kết với gia đình, niềm tự hào dân tộc và cam kết tạo giá trị cho cộng đồng. Đây chính là nền tảng giúp ông để lại di sản vượt thời gian.
Với người kế nghiệp của Gốm Minh Long, giá trị của thế hệ F2 không nằm ở việc cố gắng giữ chặt nghề truyền thống hay khuôn mẫu công ty gia đình. Họ là những “người giữ của”, giúp bảo toàn và không ngừng gia tăng giá trị tài sản, di sản qua từng thế hệ.
Dẫn câu chuyện của Tiffany & Co. chuyển mình từ công ty bán văn phòng phẩm thành biểu tượng nữ trang cao cấp toàn cầu hay Nokia từng một thời vươn lên đinh cao trong lĩnh vực điện tử sau khi từ bỏ ngành bột giấy và sau đó là ngành cao su, ông Sáng nhấn mạnh, không có nghề truyền thống nào mãi mãi thịnh vượng.
“Nếu thị trường không còn phù hợp, nếu thế hệ kế nghiệp không thực sự đam mê, thì doanh nghiệp sẽ sớm rơi vào trạng thái trì trệ, suy thoái”, ông Sáng nói.
Với Gốm sứ Minh Long, ông Sáng cam kết rằng di sản sẽ luôn được giữ vững và phát triển, nhưng không nhất thiết phải là nghề truyền thống. Thị trường luôn thay đổi và doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo. Gìn giữ sản nghiệp không phải là cố bám vào mô hình cũ, mà là tìm cách thích nghi để tài sản gia đình không ngừng gia tăng giá trị, mở ra những chương mới đầy triển vọng cho thế hệ kế tiếp.
Gieo mầm, hái quả
Là người đồng hành sát sao với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là thế hệ kế nghiệp trong nhiều năm qua, ông Huỳnh đánh giá, F2 hiện đang hội tụ đủ năng lực và tố chất để viết tiếp câu chuyện mới trong kỷ nguyên đưa doanh nghiệp hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nơi họ thể hiện sự tự tin nhưng cũng rất khiêm nhường.
Hình ảnh thế hệ F2 không còn là những “cậu ấm, cô chiêu” gắn liền với sự phô trương, mà là những người có học thức, có chiều sâu và tinh thần trách nhiệm cao. Một số bạn trẻ F2 mà ông Huỳnh quen biết, mặc dù tự tin ngồi bàn chuyện đầu tư, hợp tác với các đối tác cũng là doanh nghiệp gia đình lâu đời, tinh hoa của Mỹ, châu Âu, châu Á… nhưng vẫn bắt xe công nghệ đi học mỗi ngày.
Dù là “thiếu gia” nhà Nguyệt Ánh nhưng sau khi du học trở về, anh Dũng vẫn chọn vào một ngân hàng lớn ở Việt Nam làm nhân viên tín dụng suốt bốn năm liền để học hỏi từ các doanh nghiệp khách hàng. Đến lúc được đề bạt lên chức, anh xác định rõ mục tiêu cuối cùng mình hướng đến là phát triển di sản của gia đình nên anh từ chối cơ hội để về tham gia doanh nghiệp gia đình.
Khi trở về, cái khó của anh Dũng là không biết bắt đầu từ đâu. Anh lựa chọn làm nhân viên kinh doanh để học hỏi với tư duy “muốn làm được ông chủ, trước hết phải làm thằng nhân viên” trong suốt hai năm liền trước khi ra riêng để khẳng định bản thân.
Tin rằng thành công không đến từ việc so sánh hay tìm kiếm sự công nhận, chị Quyên đề cao sự nỗ lực bền bỉ mỗi ngày. Với chị, những giá trị như chân thành, uy tín và kiên trì không chỉ là nền tảng để xây dựng sự nghiệp, mà còn là cách tạo ra sức ảnh hưởng tích cực. Trong một thế giới đầy biến động thông tin, chị ý thức rõ rằng việc học hỏi không chỉ đòi hỏi tốc độ mà còn cần chiều sâu, ngay cả khi phải đối mặt với sự nhiễu loạn.
Thế hệ F2, với nền tảng doanh nghiệp gia đình sẵn có, đang bước vào một hành trình nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Họ sở hữu trí tuệ, sự nhanh nhạy và điều kiện kinh tế, nhưng cái khó nhất vẫn là sự sẵn sàng để chắp bút viết nên một chương mới mà chính họ là tác giả.
Sự sẵn sàng đó không chỉ được quyết định bởi sự hỗ trợ về nguồn lực và tinh thần, về cái tính cách đặc biệt ăn vào máu của mỗi người làm kinh doanh, mà còn là khát vọng tự thân. Yếu tố đó như một hạt mầm cần được gieo trong môi trường phù hợp mà đối với những người kế nghiệp thì gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên môi trường này, bên cạnh bạn bè, xã hội hay áp lực bạn cùng tiến. Nếu được bao bọc quá mức, khát vọng dễ bị mài mòn, khiến thế hệ kế nghiệp dễ vỡ mộng khi đối diện thực tế.
Ngược lại, một môi trường thử thách, khuyến khích sự tự lập nhưng cũng rất nhân văn với tình yêu thương và sự động viên giữa các thế hệ sẽ giúp họ nuôi dưỡng ý chí và tinh thần đối mặt với thách thức.
Tại Công ty Bình An, mối liên kết giữa thế hệ sáng lập và thế hệ kế nghiệp không chỉ là sự chuyển giao quyền lực, mà còn là sự ảnh hưởng sâu sắc về tính cách và giá trị. Thế hệ sáng lập, với tinh thần xông pha, sự tần tảo và thái độ làm việc chăm chỉ, đã trở thành hình mẫu mà vợ chồng Mỹ - An noi theo.
“Nhà sáng lập Bình An là người có tầm nhìn vĩ mô đáng khâm phục. Dù 30 năm trước thiếu thốn đủ bề, từ nguồn lực, tài chính đến mối quan hệ, ông vẫn dám liều lĩnh bước vào một ngành hoàn toàn mới, mở ra hướng đi dài hạn để thế hệ sau tiếp nối và phát triển. Ở anh An, tôi cũng thấy rõ điều này. Anh thừa hưởng tư duy phân tích sắc bén và tầm nhìn xa từ cha”, chị Huỳnh Mai Mỹ, con dâu và cũng là thế hệ kế nghiệp của Du thuyền Hoa Sen cho biết.
Dù đã chuyển giao quyền lực và trách nhiệm, thế hệ sáng lập vẫn giữ một vai trò đặc biệt. Trong khi F1 của doanh nghiệp này vừa ở vị trí cố vấn, vừa là người soi đường dẫn lối, vừa là điểm tựa tham khảo cho các quyết định quan trọng, thì các F2 chịu trách nhiệm trực tiếp vận hành và thực hiện các kế hoạch. Mô hình này không chỉ đảm bảo sự kế thừa giá trị từ thế hệ trước mà còn tạo điều kiện để thế hệ F2 phát huy vai trò của mình, tự tin dẫn dắt doanh nghiệp đi xa hơn trong kỷ nguyên hội nhập.
Chuyện những người kế nghiệp sáng giá ở Việt Nam
Lãnh đạo kế nghiệp trước làn sóng công nghệ mới
Thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam xem công nghệ mới là cơ hội tạo ra thay đổi đáng kể, chủ động áp dụng và ưu tiên quản trị nhân tài.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Nhìn đa chiều để kế nghiệp thành công
Với những người trẻ thuộc thế hệ kế nghiệp ở các doanh nghiệp gia đình, lời giải cho sự thành công đến từ khả năng đa dạng hoá và nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn đa chiều.
Hiến pháp gia đình trong chuyển giao kế nghiệp
Sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận chính là một trong những yếu tố cản trở quá trình chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình. Một trong những giải pháp cho các doanh nghiệp gia đình Việt là bắt tay vào xây dựng bản "Hiến pháp gia đình" giúp quá trình chuyển giao diễn ra thuận lợi hơn.
‘Đại dương xanh’ của M Village
M Village khai phá “đại dương xanh” của ngành lưu trú Việt Nam, tận dụng thị trường ngách bằng mô hình linh hoạt và trải nghiệm độc đáo.
Một trang giấy tạo thay đổi trong quản trị doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đang tùy biến công cụ kinh điển toàn cầu để giải quyết các vấn đề địa phương với One Page 4 Change (OPC - một trang giấy tạo thay đổi).
Thói quen bình thường tạo ra những điều phi thường ở 30Shine
CEO 30Shine tin rằng, đôi khi những thói quen bình thường sẽ tạo ra những điều phi thường, nếu doanh nghiệp biết cách duy trì, cam kết và biến chúng trở thành văn hóa.
Quản trị quyết định thành công trung tâm tài chính
Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM cần một cơ chế quản trị minh bạch, hiệu quả để đảm bảo năng lực cạnh tranh.
Công nghệ và cảm xúc cho truyền thông tiếp thị 2025
Truyền thông tiếp thị 2025 sẽ tập trung vào việc kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu cảm xúc khách hàng để có được những chiến lược hiệu quả và nhân văn.
Người kế nghiệp viết tiếp di sản
Bằng khát vọng lớn và tinh thần đổi mới, thế hệ F2 đang viết tiếp câu chuyện di sản của doanh nghiệp gia đình, tạo nên những bước đi táo bạo và khác biệt trên hành trình hội nhập toàn cầu.
Thách thức của chuyển đổi số trong kỷ nguyên AI
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các đơn vị cung cấp giải pháp như MISA đã không ngừng giải các bài toán khó để đưa những công nghệ tiên tiến giúp các tổ chức, doanh nghiệp số hóa toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Lực lượng sản xuất mới
Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số và công nghiệp công nghệ số.
Chuẩn bị đêm trước cho một kỷ nguyên mới
Năm 2025, các nhà lãnh đạo nên quyết tâm làm một cuộc cách mạng hành chính đối với doanh nghiệp, tháo gỡ tất cả các rào cản về thể chế để doanh nghiệp trong nước vươn lên.
Nhà quản trị thời AI
Ra quyết định quản trị dựa trên dữ liệu và AI đang trở thành tâm điểm chú ý, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp.
‘Đại dương xanh’ của M Village
M Village khai phá “đại dương xanh” của ngành lưu trú Việt Nam, tận dụng thị trường ngách bằng mô hình linh hoạt và trải nghiệm độc đáo.
Người giữ lửa cho nghề thủ công
Tổng giám đốc Craft Link Trần Tuyết Lan dành trọn tâm huyết hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa và phát triển hàng thủ công để nâng cao thu nhập, đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế.