Nguy cơ sau dòng đầu tư khí đốt tăng mạnh từ các quỹ quốc tế

Nhật Minh - 09:55, 08/06/2021

TheLEADERCác tổ chức tài chính công đang đầu tư vào khí đốt tự nhiên nhiều gấp bốn lần so với năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời, bất chấp các cam kết về khí hậu.

Báo cáo mới đây của Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD) cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đang cấp vốn cho các dự án khí đốt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình nhiều gấp bốn lần so với năng lượng gió, hoặc năng lượng mặt trời.

Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2019, các dự án khí đốt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình nhận được gần 16 tỷ USD bình quân mỗi năm từ các tổ chức tài chính công quốc tế.

Trong đó, 60% đến từ Ngân hàng thế giới và ba chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các tổ chức tài chính quốc tế vẫn ưu tiên khí đốt trong đại dịch Covid-19, khi hơn 75% khoản hỗ trợ phát triển của các ngân hàng cho nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020 là dành cho các dự án khí đốt.

Theo tác giả chính của báo cáo Greg Muttitt, các tổ chức tài chính công quốc tế đang đẩy mạnh đầu tư vào khí đốt ở Nam bán cầu, làm suy yếu các nỗ lực khí hậu toàn cầu và khiến nền kinh tế của các quốc gia khu vực này phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng phát thải nhiều các-bon, cùng những rủi ro từ tài sản mắc kẹt.

Theo đó, không cần phải sử dụng khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của các quốc gia, bởi các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế đã sẵn sàng đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu năng lượng, xây dựng và các ngành kỹ thuật công nghiệp nhẹ.

Nghiên cứu cho thấy rằng đối với hầu hết các mục đích sử dụng, năng lượng tái tạo đã rẻ hơn hoặc dự kiến sẽ rẻ hơn khí đốt vào năm 2030.

Để tránh phải chịu trách nhiệm về kinh tế và khí hậu sâu rộng, các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu cần có nguồn tài chính công quốc tế để hỗ trợ phát triển năng lượng sạch.

Các nhà nghiên cứu đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế chấm dứt mọi hỗ trợ cho hoạt động khai thác và sản xuất khí đốt, xây dựng các nhà máy điện khí mới cũng như cơ sở hạ tầng khí đốt lâu dài khác, chẳng hạn như các dự án xây dựng đường ống dẫn khí.

Thay vào đó, các tổ chức này nên đầu tư vào việc giúp đỡ các quốc gia Nam bán cầu phát triển các nền kinh tế bền vững, bằng cách tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các nước này tiếp cận với năng lượng sạch toàn cầu.

Các tổ chức tài chính công đóng một vai trò rất quan trọng, tạo ra xu hướng đầu tư rộng mở hơn cũng như khơi nguồn cho nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Muttitt nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước thời khắc mang tính quyết định cần phải lựa chọn”.

Một số tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng đầu tư châu Âu, đã quyết định loại bỏ việc tài trợ cho các dự án dầu khí mới để phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Nhưng những tổ chức khác vẫn tiếp tục hỗ trợ cho dầu khí.

Khi các quốc gia như Úc và Mỹ ồ ạt mở rộng xuất khẩu tự nhiên hóa lỏng, nguồn tiền hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho khí đốt mới dường như chỉ để phục vụ các lợi ích quyền lực, hơn là giúp các nước Nam Bán cầu đáp ứng nhu cầu của họ, vị chuyên gia phân tích.

Báo cáo còn nhấn mạnh rằng việc phát triển khí đốt không phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Theo báo cáo Mục tiêu không phát thải vào năm 2050 được Cơ quan Năng lượng quốc tế công bố, thế giới không cần đầu tư vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mới.

Theo kịch bản nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố, mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu phải giảm 55% trong giai đoạn 2020 – 2050 và sản lượng điện từ các nhà máy không có công nghệ xử lý các-bon cần giảm 87%.

Trong khi những bên ủng hộ khí đốt cho rằng khí đốt có thể là “nhiên liệu cầu nối”, các chuyên gia của IISD lại đánh giá rằng “cây cầu” hiện đã sụp đổ do hạn chế khí thải hiện đang là một mục tiêu cấp bách, do năng lượng tái tạo hiện đã sẵn có và do mức độ rò rỉ khí mê-tan từ cơ sở hạ tầng điện khí.