Nhà băng lớn nhất dành cho các startup Mỹ sụp đổ

Việt Hưng - 10:16, 13/03/2023

TheLEADERDù sở hữu khối tài sản lớn, nhưng 89% trong tổng số tiền gửi trị giá 175 tỷ USD của ngân hàng SVB lại thuộc dạng không được bảo hiểm và số phận của các khoản tiền gửi này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động, đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008.

Cơ quan quản lý ngân hàng bang California đã đóng cửa ngân hàng này và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận xử lý tài sản của ngân hàng SVB.

Đáng chú ý, SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD và 175 tỷ USD tiền gửi. Khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.

SVB sau đó sử dụng một phần nguồn tiền này để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ với kỳ hạn dài. Trong 44 giờ trước khi SVB bị dừng hoạt động, các công ty khởi nghiệp công nghệ ồ ạt rút tiền.

Nhà băng lớn nhất dành cho các startup Mỹ đã sụp đổ
Nhà băng lớn nhất dành cho các startup Mỹ đã sụp đổ

SVB thành lập năm 1983, cho vay gần nửa số startup công nghệ tại Mỹ. Các vấn đề của họ được phơi bày từ tuần trước, khi thông báo cần thêm vốn với kế hoạch huy động thêm 2 tỷ USD từ nhà đầu tư, để lấp đầy khoảng trống do bán lỗ trái phiếu. SVB phải bán số trái phiếu này do các khách hàng của họ cần tiền và muốn rút bớt ra.

Cổ phiếu công ty mẹ của SVB là SVB Financial Group đã mất giá tới 60%. Sau đó, mã này bị dừng giao dịch sau thông tin SVB không thể huy động được tiền và đang tìm người mua tài sản.

Nguồn gốc của sự sụp đổ của SVB là môi trường lãi suất cao thời gian qua. Lãi suất tăng khiến thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các công ty khởi nghiệp đóng băng, khiến hoạt động huy động vốn trở nên tốn kém hơn và nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền.

Theo tỷ phú Bill Ackman, vụ sụp đổ của SVB tương tự như vụ đóng của Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ông cho rằng rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi khiến những ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt nguy cơ bị rút tiền ồ ạt.

Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà phân tích, dù SVB có quy mô tài sản lớn, việc ngân hàng này sụp đổ chỉ là một trường hợp cá biệt. Do là một ngân hàng có vai trò quan trọng với các công ty khởi nghiệp tại Mỹ, SVB chịu sức ép lớn khi nguồn vốn giảm dần, bắt nguồn từ sự đi xuống của nền kinh tế và lãi suất tăng nhanh.

Theo FDIC, văn phòng chính và các chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/3 và tất cả người gửi tiền có thể nhận lại đầy đủ tiền gửi được bảo hiểm của họ.

Tuy nhiên, 89% trong tổng số tiền gửi trị giá 175 tỷ USD của ngân hàng này lại thuộc dạng không được bảo hiểm và số phận của các khoản tiền gửi này vẫn còn là dấu hỏi lớn. Theo nguồn tin thân cận của Reuters, trong cuối tuần, FDIC đang chạy đua để tìm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB.