Nhà đầu tư chiến lược: Từ Vivaso đến Vingroup, T&T

Minh An - 10:28, 22/09/2017

TheLEADERHàng nghìn doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trong nhiều năm qua mang lại cho các nhà đầu tư chiến lược những quyền lợi đặc biệt.

1. Vivaso ở Hãng phim truyện Việt Nam

Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) gần đây liên tục gặp gỡ báo chí để nói ra các bức xúc sau sau khi hãng phim được cổ phần hóa chưa đầy một năm.

Theo các nghệ sĩ, quá trình cổ phần hóa VFS không minh bạch, tài sản của hãng phim bị định giá quá thấp. Đặc biệt, sau một thời gian hoạt động, cổ đông chiến lược của VFS là công ty vận tải thủy (Vivaso) đã có những hoạt động điều hành không phù hợp như sáp nhập các phòng ban, di chuyển địa điểm.

Theo bản công bố thông tin cổ phần hóa, VFS đang có quyền sử dụng nhiều khu đất có giá trị tại Hà Nội và TP.HCM. Các khu đất này dù đang có tranh chấp, được cho là lý do khiến Vivaso bỏ tiền để mua 65% cổ phần hãng phim dù hãng đang thua lỗ và nợ nhà nước hàng chục tỷ đồng tiền thuế.

Quá trình cổ phần hóa VFS sẽ bị thanh tra lại, nhưng làm thế nào Vivaso, một công ty không liên quan gì đến điện ảnh lại được chọn là nhà đầu tư chiến lược của VFS, hãng phim lâu đời nhất Việt Nam với gần 60 năm lịch sử và nhiều bộ phim kinh điển.

Theo phương án cổ phần hóa VFS, tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức trong nước có kinh nghiệm, năng lực quản trị, tài chính, hoạt động trên 5 năm, không là nhà đầu tư của các hãng phim khác…và một loạt cam kết gắn bó lâu dài khác.

Trong danh sách các tiêu chí này không có yêu cầu nào về kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh. Từ các tiêu chí này, việc chọn Vivaso làm nhà đầu tư chiến lược phải được Bộ VHTT & DL phê duyệt.

Vivaso là một công ty nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2014 và 77% vốn do công ty xây dựng Vạn Cường nắm giữ. Công ty này tham gia nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên cả nước.

2. Vingroup ở Công ty hội trợ triển lãm Giảng Võ

Giữa năm 2015, tập đoàn Vingroup trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ (VEFAC). Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, một trong những cam kết của tập đoàn này là đảm bảo tính liên tục việc tổ chức hội chợ triển lãm. Có nghĩa là dự án Giảng Võ chỉ được xây dựng khi hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm đã được chuyển về khu hội chợ triển lãm tại dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia trên trục đường Nhật Tân. Khu hội chợ này phải đáp ứng quy mô, điều kiện tổ chức hội chợ triển lãm.

Tuy vậy, vào tháng 10/2016, khi mà Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia được động thổ thì khu triển lãm Giảng Võ đã được giải phóng mặt bằng hoàn toàn. Theo kế hoạch một tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở trị giá gần 8.000 tỷ đồng sẽ được xây dựng tại đây.

Một báo cáo của VEFAC cho biết, năm 2016, công ty đã chấm dứt hoạt động tại 148 Giảng Võ và di dời các hội chợ triển lãm sang Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội theo chỉ đạo và cho phép của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Còn dự án tại Giảng Võ, sau một năm giải phóng mặt bằng chủ đầu tư vẫn chưa được khởi công, dù đã có giấy phép xây dựng.

Có một chi tiết đáng chú ý là sau khi đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng vào VEFAC để mua 83% cổ phần vào cuối năm 2015, tập đoàn Vingroup liên tục có các khoản vay ngắn hạn với công ty con. Đến cuối tháng 6/2017, VEFAC vẫn đang cho tập đoàn này vay 888 tỷ đồng.

3. Tập đoàn T&T ở Công ty Rau quả, nông sản

Báo cáo mới đây của công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco) cho biết, Tập đoàn T&T đang có 2 khoản vay khoảng 2.500 tỷ tại công ty. Theo một thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, tập đoàn T&T được quyền sử dụng vốn nhàn rỗi của Vegetexco với lãi suất áp dụng theo thời điểm nhận nợ.

Ngoài ra, Vegetexco cũng đang góp với Tập đoàn này 700 tỷ để hợp tác trong hai dự án bất động sản ở Định Công và Tây Sơn, Hà Nội.

Giá trị các khoản phải thu tài sản này chiếm 57% tổng tài sản của Vegetexco.

“Quyền sử dụng vốn nhàn rỗi” mà tập đoàn T&T có được đến từ việc tập đoàn này và các công ty liên quan đang nắm giữ cổ phần kiểm soát tại Vegetexco. Đến tháng 6/2017, chỉ có 5,6% cổ phần của công ty này nằm ngoài nhóm cổ đông T&T và các bên liên quan. Trước đó, khi đấu giá Vegetexco năm 2015, nhóm cổ đông này chỉ mua 60% cổ phần.

Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chưa đầy 800 tỷ đồng, các tài sản cho vay bên trên của Vegetexco được hình thành chủ yếu từ khoản vay nợ ngắn hạn (2.020 tỷ đồng) và khoản trả chậm người bán, theo báo cáo giữa năm 2017. Trong đó có các khoản được công ty mở UPAS LC (thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay) tại SHB để thực hiện thanh toán cho đơn hàng nhập khẩu.