Nhà đầu tư Mỹ vẫn vướng tại dự án bến cảng quốc tế Hòn La

Nguyễn Cảnh - 07:57, 20/07/2021

TheLEADERĐã hơn 2 năm nay, tập đoàn Southeast Asia Capital (Mỹ) vẫn chờ đợi dự án bến cảng quốc tế SEACI Hòn La (tỉnh Quảng Bình) được bổ sung vào quy hoạch liên quan – trước khi tính tới những bước triển khai tiếp theo.

Nhà đầu tư Mỹ vẫn vướng tại dự án bến cảng quốc tế Hòn La
Bến cảng quốc tế tại khu kinh tế Hòn La với nhiều giá trị kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thể thành hình sau nhiều năm đề xuất.

Sau khi được tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho phép nghiên cứu quy hoạch, lập dự án đầu tư tại cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch), Tập đoàn Southeast Asia Capital tiếp tục được địa phương này giao lập điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Hòn La tỷ lệ 1/2000.

Vài tháng sau, nhà đầu tư đến từ Mỹ gửi hồ sơ dự án kho ngoại quan xăng dầu tại cụm cảng tổng hợp Hòn La (thuộc khu kinh tế Hòn La) tới Bộ Công thương nhằm đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. 

Tuy nhiên, dù được đánh giá là dự án động lực của khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng đã hơn 2 năm, dự án trị giá khoảng 4.900 tỷ đồng nêu trên vẫn đang chờ các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai theo.

Theo hồ sơ đề xuất, dự án có tên là bến cảng quốc tế SEACI Hòn La (diện tích khoảng 64,4ha) với quy mô đầu tư gồm bến cảng nhập/xuất xăng dầu 150.000/50.000DWT, bến cảng tổng hợp 50.000DWT, kho xăng dầu nội địa 50.000m3, kho xăng dầu ngoại quan 450.000m3 và các hạng mục phụ trợ khác. 

Tổng mức đầu tư dự án 4.969 tỷ đồng (bao gồm cả hệ thống cảng), sử dụng vốn tự có của chủ đầu tư. Dự kiến khởi công vào đầu tháng 10/2020, thi công trong 18 tháng, bàn giao và đưa vào khai thác tháng 10/2022. Thời gian hoạt động của dự án là 70 năm.

Việc lựa chọn đầu tư dự án tại khu kinh tế Hòn La, theo nhà đầu tư, xuất phát từ nhu cầu kinh doanh của tập đoàn này.

Cụ thể, Southeast Asia Capital đang kinh doanh xăng dầu từ các thị trường (chủ yếu là Nga) để bán vào khu vực Đông Nam Á, châu Á và Mỹ. Sản lượng mà tập đoàn bán vào Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam khoảng hơn 200.000 tấn dầu DO/tháng. 

Sản lượng kinh doanh tại các nước Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, EU và Cục dự trữ Liên bang Mỹ khoảng 800.000 tấn dầu D2/tháng. 

Cũng theo tập đoàn này, các khách hàng tại các thị trường nói trên đã đặt vấn đề chính thức để tăng sản lượng bán lên 20-30%.

Phương thức vận tải từ Nga về Mỹ bằng đường biển qua hệ thống kho trung chuyển tại khu vực Đông Nam Á. Hiện tập đoàn này đang thuê các kho ngoại quan đặt tại Singapore với sản lượng khoảng 300.000 tấn. Do đó, với lượng hàng hiện nay từ 800.000 đến 1.200.000 tấn thì phải qua vòng từ 6-8 lần một tháng nên tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, giá thuê kho ngoại quan tăng cao tại Singapore cùng các điều kiện cho thuê ngặt nghèo cũng là một trong những lý do được tập đoàn này xác định việc đầu tư vào dự án tại KKT Hòn La là vấn đề cấp bách.

Đồng thời, tập đoàn cũng đưa ra một số yếu tố khác để giải thích cho việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng cảng và kho ngoại/nội quan tại KKT Hòn La. 

Khu vực bờ biển Hòn La có thể xây cảng bến cứng gần bờ cho tàu tải trọng từ 50.000 đến 100.000DWT, khai thác được tiềm năng về cảng nước sâu tại đây để giảm thiểu chi phí vận tải biển. Đường vận chuyển xăng dầu từ Nga về kho trung chuyển tại Việt Nam và từ kho trung chuyển đến Mỹ thuận tiện, gần hơn các địa điểm tại Malaysia và Singapore. 

Đặc biệt, trong tương lai khi dự án kênh đào Kra sẽ kéo dài 135km xuyên qua Thái Lan, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được thực hiện, các cảng biển miền Trung Việt Nam, trong đó có Hòn La sẽ nằm gần tuyến hàng hải quốc tế hơn nhiều so với Malaysia và Singapore. 

Cho phép rút ngắn 1.200km hải trình, tiết kiệm hơn 350.000 USD chi phí cho mỗi tàu mẹ vận tải xăng dầu từ Trung Đông về thị trường Âu – Mỹ.

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Bình cũng chưa có kho tiếp nhận đầu mối, khi có kho xăng dầu tại Hòn La sẽ có thể kết hợp cho các doanh nghiệp đầu mối thuê để kinh doanh nội địa. Kho Hòn La (dung tích 500.000m3) mang ý nghĩa là nguồn dự trữ xăng dầu lớn tại Bắc Trung Bộ, có ảnh hưởng tích cực đến dự trữ xăng dầu của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng. 

Hiện nay khu vực Bắc Bộ và Trung Trung Bộ chưa có kho ngoại quan xăng dầu, việc đầu tư dự án sẽ biến Hòn La thành điểm trung chuyển xăng dầu quốc tế kết nối giữa các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với các mỏ dầu từ Nga và Trung Đông. 

Dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động kỹ thuật cao tại địa phương.

Đáng chú ý, theo nhà đầu tư, việc xây dựng bến cảng quốc tế SEACI Hòn La còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay tại Việt Nam dễ dàng nhập khẩu xăng dầu chất lượng cao theo tiêu chuẩn EU5 (mặt hàng mà tập đoàn đang kinh doanh), qua đó giải quyết được hoàn toàn khó khăn về xăng dầu chất lượng cao mà doanh nghiệp nhập khẩu trong nước đang gặp phải.

Theo quy hoạch, tại khu vực tỉnh Quảng Bình và phụ cận có một số dự án kho xăng dầu như: Kho ngoại quan xăng dầu Hòn La và tuyến ống dẫn dầu từ Hòn La tới Khăm Muộn (Lào) với quy mô gồm Cảng Hòn La 50.000DWT, kho đầu nguồn tại Hòn La có sức chứa đến 250.000m3, tuyến ống Hòn La – Thakhet…, kho xăng dầu DKC Hòn La, kho xăng dầu Cửa Việt của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Nhà đầu tư cho biết, xăng dầu xuất khẩu (chủ yếu là tái xuất khẩu) của Việt Nam hàng năm chiếm khoảng trên 10% tổng lượng tiêu thụ. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược do Nhà nước thống nhất quản lý về nhập khẩu, các loại thuế và điều tiết giá bán lẻ trên phạm vi cả nước. Hiện nay, trên 65% xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam là nhập khẩu.

Theo Southeast Asia Capital thông tin, xăng dầu của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia theo đường sông Tiền và sông Hậu. Lượng xuất sang Lào qua các cửa khẩu từ Thanh Hóa đến Quảng Trị chiếm khoảng 20% tiêu thụ của Lào. 

Hiện cả nước có 2 kho ngoại quan xăng dầu đang hoạt động gồm: kho Vân Phong của Petrolimex tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) có sức chứa 505.000m3 và kho Cái Mép của Công ty TNHH Hải Linh tại Bà Rịa - Vũng Tàu sức chứa 120.000m3.