Nhà thầu xây dựng lo phá sản, muốn được giãn nợ

Hứa Phương - 08:35, 28/03/2023

TheLEADERHầu hết các nhà thầu xây dựng và vật liệu xây dựng đều đang trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ, dẫn đến doanh nghiệp nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế.

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng về việc tháo gỡ khó cho các nhà thầu xây dựng và vật liệu xây dựng.

Trước thực trạng hầu hết nhà thầu xây dựng và vật liệu xây dựng đều bị chủ đầu tư nợ, dẫn đến doanh nghiệp nợ ngân hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế.

Nhà thầu xây dựng lo phá sản, muốn được giãn nợ
Nhà thầu xây dựng lo phá sản, muốn được giãn nợ

Cùng với đó là nhiều dự án, công trình xây dựng trong đó có công trình sắp hoàn thành đành phải dừng thi công, nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh đó là do lượng khách du lịch quốc tế chưa phục hồi đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản du lịch. Ngoài ra lãi suất ngân hàng tăng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản bị mất cân đối dòng tiền nên tác động nghiêm trọng lên cả hệ sinh thái của toàn ngành.

Điều này khiến các nhà thầu xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đứng trước bờ vực phá sản, hàng vạn người lao động đã bị mất việc làm.

Đơn cử như Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng đang trong tình trạng bị các chủ đầu tư nợ nên bị mất cân đối dòng tiền trong ngắn hạn. Theo ông Lê Viết Hải, chủ tịch SACA đồng thời cũng là chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình thì trong 35 năm qua, đây là lần đầu tiên Hoà Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng nặng nề hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của Hòa Bình, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng.

Mặc dù đã huy động tất cả nguồn lực sẵn có để khắc phục tình trạng mất cân đối dòng tiền trong ngắn hạn nhưng không cải thiện được.

Dù nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho những doanh nghiệp bất động sản, kéo theo gỡ được khó khăn cho nhà thầu xây dựng.

Tuy nhiên, SACA nhận định những giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp bất động sản sẽ cần thời gian mới được thực thi.

Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng không thể duy trì được hoạt động vì không cân đối được dòng tiền bởi không nhận được thanh toán của nhiều khách hàng.

Do đó, SACA kiến nghị ba giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Một là, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Mục đích của kiến nghị này giúp các nhà thầu xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng có thời gian thu hồi nợ, hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Hai là, kiến nghị nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.

Thứ ba, kiến nghị xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản, giúp nhà đầu tư và người dân có được đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay mua bán một bất động sản.