Nhiều bộ ngành mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh

Minh Anh - 16:59, 25/10/2018

TheLEADERBộ Công thương tiếp tục là bộ đi đầu trong công cuộc cắt giảm giấy phép con với 202 điều kiện kinh doanh được cắt giảm trong đợt 2, nâng tổng số điều kiện được cắt giảm lên con số kỷ lục 877.

Nhiều bộ ngành mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh
Bộ Công thương tiếp tục dẫn đầu trong công cuộc cắt giảm giấy phép con

Bộ Công thương vừa ra quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, bộ này tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện, tương đương với 36%. 

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho giai đoạn 2019 - 2020, Bộ Công thương tập trung vào 8 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, bộ đề xuất cắt giảm 79 điều kiện; đơn giản hóa 34 điều kiện trên tổng số 132 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này.

Với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, chuyển hậu kiểm 8 điều kiện trên tổng số 65 điều kiện hiện hành. Với lĩnh vực kinh doanh rượu, đề xuất cắt giảm 6 điều kiện; chuyển hậu kiểm 7 điều kiện trên tổng số 30 điều kiện hiện hành.

Trong lĩnh vực điện lực, bộ đề xuất cắt giảm 7 điều kiện; đơn giản hóa 02 điều kiện; chuyển hậu kiểm 3 điều kiện trên tổng số 49 điều kiện hiện hành. Trong lĩnh vực hóa chất, Bộ Công thương đề xuất cắt giảm 15 điều kiện; đơn giản hóa 24 điều kiện; chuyển hậu kiểm 12 điều kiện trên tổng số 77 điều kiện hiện hành.

Trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ô tô, Bộ Công thương đề xuất cắt giảm 2 điều kiện; chuyển hậu kiểm 1 điều kiện trên tổng số 13 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này. Lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực than được đề xuất cắt giảm mỗi lĩnh vực 1 điều kiện.

Trước đó, trong giai đoạn 2017 - 2018, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương dự kiến đạt 72,1%. Tổng cộng hai đợt, Bộ Công thương đã cắt giảm tới 877 điều kiện kinh doanh.

Như vậy, bộ này đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương về phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh và tiếp tục là bộ dẫn đầu trong công cuộc cắt giảm giấy phép con, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Đối với Bộ Xây dựng, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. 

Nghị định này đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điểu kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản. 

Theo đó, bộ này đã bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ thị.

Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng được Chính phủ đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong việc nỗ lực giảm thiểu các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.

Đối với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, bộ này cũng vừa ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BVHTTDL về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Theo đó danh sách gồm: Thông tư liên Bộ số 1314-TTLB/XD-VH ngày 23/7/1991 của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – thông tin – thể thao và du lịch quy định quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc; Quyết định số 2262/1998/QĐ-BVHTTDL ngày 15/10/1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành giá thiết kế phí công trình nghệ thuật.

Thông tư liên tịch số 04/2003/TTLT-BVHTT-BXD của Bộ Văn hóa - thông tin, Bộ Xây dựng ngày 24/01/2003 hướng dẫn về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc.

Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BVHTTDL-BYT-BNN-BXD ngày 27/2/2007 của Bộ Văn hóa – thông tin, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông.

Ngoài ra, bộ này còn bãi bỏ một phần nội dung trong một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của bộ trưởng liên quan đến việc tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, thực hiện nếp sống văn minh.

Về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ ngành hiện nay, trước đó Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có 7 bộ vượt chỉ tiêu gồm Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục và đào tạo, Lao động - thương binh và xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa - thể thao và du lịch.

Tuy nhiên, hiện nhiều bộ vẫn còn chậm trễ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Riêng Bộ Thông tin và truyền thông mới cắt được 26/385 điều kiện kinh doanh, đạt 13%. Bộ Giao thông Vận tải mới cắt giảm được 109/570 điều kiện kinh doanh (19,12%).

Hiện vẫn còn đến 2.277 điều kiện kinh doanh đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các Bộ Tài chính, Thông tin - truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học và công nghệ, Y tế, Tư pháp.