Nhiều thị trường bất động sản đắt đỏ đồng loạt hạ nhiệt

Lan Hương - 10:41, 22/01/2019

TheLEADERChâu Á cuối cùng cũng chịu tác động từ suy thoái bất động sản toàn cầu khi các thị trường như Singapore, Hồng Kông và Úc cho thấy những dấu hiệu giảm nhẹ.

Nhiều thị trường bất động sản đắt đỏ đồng loạt hạ nhiệt
Thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới Hồng Kông đang cho thấy sự sụt giảm sau chuỗi năm dài tăng giá. Ảnh: Wall Street Journal

Báo cáo tháng trước của S&P Global Ratings cho rằng tác động của xu hướng này có thể sẽ rất lớn. Mức giá nhà thấp hơn cùng lãi suất thế chấp cao hơn làm giảm niềm tin cũng như thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.

Trong khi đó, nghiên cứu tháng 4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng sự sụt giảm đồng loạt giá nhà trên toàn cầu sẽ dẫn tới bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô.

Mỗi thành phố tại mỗi vùng sẽ có những đặc điểm riêng biệt nhưng tất cả đều có một vài điểm chung như chi phí vay cao hơn, gia tăng quy định của chính phủ và thị trường chứng khoán biến động.

Nhu cầu giảm từ khách hàng Trung Quốc đã đẩy giá bất động sản tại nhiều thị trường xuống mức thấp kỷ lục.

"Tình trạng nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại khiến nguồn vốn chảy ra ngoài khó khăn hơn khiến nhu cầu suy yếu tại một số thị trường như Sydney và Hồng Kông", Patrick Wong, nhà phân tích bất động sản tại Bloomberg Intelligence, nhận định.

Hồng Kông

Sau quãng thời gian tăng giá gần 15 năm, thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới Hồng Kông đang cho thấy sự kiệt sức. Giá nhà tại thành phố này đã giảm 13 tuần liên tiếp kể từ tháng 8, chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ năm 2008 theo số liệu của Centaline Property Agency. Lo lắng về lãi suất cho vay và thuế nhà bỏ trống tăng được nhận định là những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này.

Tỷ lệ đấu thầu thành công của các nhà phát triển đến từ Trung Quốc với các khu vực dân cư cũng giảm mạnh, từ mức 70% của năm 2017 xuống còn 27% trong năm ngoái, theo số liệu của JLL.

Trong số 11 khu dân cư được đấu thầu năm 2018, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ giành được 3.

Sự thay đổi này có thể xuất phát từ nền kinh tế đang phát triển chậm lại. Trong cuộc chiến leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, chính phủ nước này đã hành động nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài, gây khó khăn cho các nhà phát triển đầu tư tại các nước khác.

Singapore

Giá nhà tại Singapore - một trong những địa điểm hàng đầu thế giới về mức độ đắt đỏ - vào quý IV/2018 đã suy giảm lần đầu tiên trong 6 quý. Phân khúc xa xỉ "rơi" mạnh nhất với mức giá sụt tới 1,5%.

Các chính sách từ chính phủ Singapore được xem là yếu tố chủ đạo đẩy giá nhà đi xuống, bao gồm quy tắc cho vay theo giá trị ngặt nghèo hơn hay thuế trước bạ cao hơn.

Các hạn chế mới như giới hạn căn hộ siêu nhỏ và quy định chống rửa tiền gia tăng gánh nặng hành chính cho các nhà phát triển, tạo lực hãm đà tăng giá nhà tại quốc đảo này, khiến đợt tăng giá chỉ kéo dài 5 quý – mức ngắn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê.

Sydney

Giá nhà trung bình tại thành phố cảng này đã giảm tới 11,1% kể từ mức đỉnh cao năm 2017 giữa bối cảnh Úc trên đà suy thoái,

Mặc dù mức giá hiện nay vẫn cao hơn 60% so với con số của năm 2012, dự báo mức giảm 10% nữa từ các nhà kinh tế học khiến không ít nhà đầu tư suy nghĩ lại về các khoản trong tương lai.

Ngân hàng trung ương Úc lo lắng rằng một cuộc suy thoái kéo dài sẽ kéo theo sụt giảm tiêu dùng và cùng với đó, cam kết hạn chế đặc quyền thuế đối với các nhà đầu tư bất động sản từ đảng Lao Động đối lập nếu đảng này thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ khiến niềm tin sụt giảm mạnh hơn nữa.

Thượng Hải, Bắc Kinh

Một cuộc "đàn áp" với tình trạng giá cả quá nóng đã đẩy doanh số bán hàng đi xuống và kéo giá trị bất động sản tại những thành phố lớn của Trung Quốc rơi khoảng 5% so với đỉnh.

Những quy định liên quan đến mua nhiều căn hay khoảng thời gian một tài sản có thể bán lại bắt đầu được nới lỏng. Bên cạnh đó, các nhà phát triển cũng đưa ra nhiều chương trình nhằm thu hút người mua.

Một nhà phát triển vào tháng 9 vừa qua đã tặng BMW Series 3 hoặc X1 cho bất kỳ khách hàng nào mua căn hộ 3 phòng ngủ hoặc một nhà liền kề trong dự án tại Thượng Hải.

Bên cạnh đó, mức tiền cọc cũng được hạ xuống. Tập đoàn China Evergrande mới đây đã đề nghị con số 5% so với mức 30% thanh toán trước như thường lệ.

Henry Chin, giám đốc nghiên cứu tại CBRE Group Inc., cho rằng việc giá nhà giảm tại Bắc Kinh và Thượng Hải không có gì đáng ngạc nhiên do những chính sách hạn chế tại hai thị trường này.

Chỉ số về giá nhà cũ tại Bắc Kinh cũng sụt giảm kể từ tháng 9 và tại Thương Hải thì đã suy yếu trong gần 12 tháng qua.