Nhiều tỉnh thành công bố tiếp tục giãn cách xã hội

Nhật Hạ - 19:08, 14/08/2021

TheLEADERĐà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang (Khánh Hòa), Trà Vinh, TP.HCM.. là những tỉnh, thành phố quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội khi tình hình dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.

Diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp tại TP. Đà Nẵng sau khi ghi nhận 1.609 ca mắc Covid-19 từ ngày 10/7 đến hết ngày 13/8. Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.466 trường hợp F1 và 4.829 trường hợp F2.

Nhằm tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng hôm nay đã quyết định từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8 dừng tất cả các hoạt động, thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.

Theo đó, cơ quan, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị; tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ”.

Trong 7 ngày áp dụng biện pháp trên, ngành y tế Đà Nẵng được giao nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố.

Các địa phương lên phương án bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu đến tận các tổ dân phố, đến người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Người dân được yêu cầu không tập trung đông người để mua sắm dự trữ quá nhiều, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cũng trong hôm nay, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8.

Theo ông Dũng, Đồng Nai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng rất nhiều trong đợt dịch bệnh lần thứ 4 này.

Sau thời gian áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi. Số ca nhiễm trong cộng đồng (tại các khu cách ly phong tỏa, khu nhà trọ…) và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng.

Một số công ty, doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động phải dừng sản xuất, dừng kinh doanh. Các chợ phải dừng hoạt động vì đã có nhiều ca nhiễm và lây lan, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tiểu thương, doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân tăng số lượng ca nhiễm nêu trên là việc thực hiện giãn cách xã hội thật sự chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng một số người dân chưa thực hiện tốt quy định 5K, nhất là việc đi lại trong cộng đồng; đồng thời với sự diễn biến của biến chủng mới Delta của SARS-CoV-2 đặc biệt nguy hiểm.

Trước số ca nhiễm gia tăng, Đồng Nai đang tăng tốc truy vết, xét nghiệm tầm soát diện rộng, dồn tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 14/8, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, toàn tỉnh đã ghi nhận 13.248 ca mắc Covid-19, 90 ca tử vong. Riêng ngày 13/8 đã có 1.149 ca trong khu cách ly, phong tỏa, 39 ca sàng lọc. Nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu.

Tại Khánh Hòa, TP. Nha Trang cũng vừa nhận được văn bản chỉ đạo khẩn từ UBND tỉnh về việc tiếp tục cách ly xã hội thêm 7 ngày từ 0h ngày 14/8.

Quyết định này đưa ra sau khi TP. Nha Trang liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp mới nhiễm Covid-19 qua tầm soát cộng đồng những ngày gần đây. Đến sáng nay (14/8), toàn tỉnh ghi nhận 85 ca mắc Covid-19 mới - nâng tổng số ca lên 4.234, trong đó TP Nha Trang có 2.197 ca nhiễm.

Theo đó, trong thời gian cách ly toàn xã hội, tất cả người dân được yêu cầu ở trong nhà, thực hiện nghiêm việc người cách ly với người, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức bố trí, sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà. Trong trường hợp cần thiết phải làm việc tại đơn vị thì bố trí xe đơn vị đưa đón. Riêng đối với cơ quan phục vụ chiến đấu, trực tiếp chống dịch, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan; lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên y tế đảm bảo 100% quân số.

Ngân hàng, chứng khoán hoạt động mức độ tối thiểu; các chi nhánh hoặc phòng giao dịch có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu được hoạt động.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”…

Người đi đường tại TP. Nha Trang cần có một trong các loại giấy tờ sau để qua các chốt kiểm soát: thẻ công chức; thẻ chuyên ngành; thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chi nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ); văn bản xác nhận của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển thực thi công vụ hoặc di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú…

Nhiều tỉnh thành tiếp tục thời gian giãn cách xã hội
Tổng số ca nhiễm cộng đồng trên cả nước từ ngày 27/4 đến nay là 251.753

Sau khi ghi nhận 829 ca nhiễm Covid-19 từ ngày 27/4 đến sáng ngày 14/8, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh thêm 15 ngày kể từ 0h ngày 16/8.

Theo số liệu của Sở Y tế Trà Vinh, trong đợt dịch thứ 4 có 42 ca nhập cảnh mắc Covid-19, 180 ca đã điều trị khỏi, ghi nhận 6 ca tử vong. Toàn tỉnh thiết lập 50 vùng cách ly y tế, trong đó đã gỡ bỏ 21 vùng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không ra đường trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, thực hiện nghiêm quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 7/8 địa phương sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 25/8. Riêng huyện Côn Đảo áp dụng Chỉ thị 15 nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn được thực hiện chặt chẽ.

Tỉnh này ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 7 ca ngoài cộng đồng trong ngày 13/8, nâng tổng số ca mắc từ ngày 28/6 đến nay là 2.462 ca.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định tại cuộc họp ngày 13/8, số lượng ca F0 mắc hằng ngày đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số ca mắc trong khu phong tỏa, ngoài cộng đồng tại một số địa phương, đặc biệt là TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền còn cao.

Một trong những nguyên nhân là công tác lấy mẫu sàng lọc chưa được bao phủ và triệt để. Một số F0 (phát sinh từ F1) có thời gian ủ bệnh kéo dài, tới ngày thứ 13-14 mới lây cho người khác. Việc quản lý các khu phong tỏa còn “chặt ngoài, lỏng trong”. Các biện pháp bảo vệ vùng xanh; quản lý vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ chưa chặt chẽ, thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện Chỉ thị 16 trong các khu vực này còn hạn chế.

Lãnh đạo các địa phương đã đặt mục tiêu từng bước chuyển từ vùng đỏ, cam, vàng sang vùng xanh và cam kết đến 25/8 hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển sang vùng xanh.

Tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột trong 1 tháng tới

Bước qua ngày thứ 36 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP.HCM vẫn tiếp tục giãn cách xã hội và có thể kéo dài đến ngày 15/9, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết vào ngày 13/8 tại cuộc họp báo cung cấp thông tin công tác phòng, chống Covid-19.

Trong 7 ngày qua (từ ngày 5/8 đến 13/8), TP.HCM bình quân có 3.687 ca nhiễm mỗi ngày; trong đó có 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc từ bệnh viện. Như vậy, số ca lây nhiễm chủ yếu vẫn ở khu phong tỏa.

Thành phố đã điều trị khỏi 62.986 trường hợp, hiện đang điều trị 32.629 trường hợp, trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng, 16 bệnh nhân phải sử dụng ECMO.

10.421 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã được điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), đủ điều kiện để thực hiện cách ly theo dõi tại nhà.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là những ngày gần đây tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao với trung bình 241 ca mỗi ngày.

Trước tình hình đó, thành phố tập trung nâng cao công tác điều trị, đặt mục tiêu giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong tại tất cả các quận - huyện, TP. Thủ Đức.

TPHCM đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường. Đồng thời nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh, kiện toàn các tổ phản ứng nhanh để cấp cứu người từ phường, xã, thị trấn; bố trí hệ thống taxi để phục vụ việc cấp cứu tại các địa phương.

Lãnh đạo thành phố cho biết: nhận định chung tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số ca tử vong vẫn ở mức cao.

Dự kiến, sau ngày 15/8, các ca F0 vẫn ở mức trung bình khoảng 3.000 ca mỗi ngày, là số lượng rất lớn. Nếu không quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ khó giữ vững thành quả đang đạt được, thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu không đồng lòng, thực hiện nghiêm các biện pháp.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9, trong đó phân thành 2 giai đoạn gồm từ 15/8 đến 1/9 và từ 1/9 đến 15/9, mỗi giai đoạn sẽ có giải pháp cụ thể. Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Ông Mãi nhấn mạnh toàn hệ thống chính trị và người dân cùng nỗ lực, quyết liệt, đồng bộ để đến ngày 15/9, thành phố có thể khống chế dịch bệnh và sau đó là khoảng thời gian kiểm soát để giảm dịch.

Vì vậy, 30 ngày sắp tới, thành phố sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.

Thứ nhất, chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn biến nặng, tử vong, bao gồm rà soát, cập nhật và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; mỗi F0 phải được 1 cán bộ y tế, 1 tư vấn viên thăm hỏi, theo dõi và tư vấn sức khỏe hàng ngày. Sau khi xác định F0, bệnh nhân sẽ có túi thuốc điều trị theo chỉ định của Bộ Y tế; phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn biến nặng; hệ thống hóa toàn bộ việc ứng dụng công nghệ và kết nối các tầng điều trị.

Thứ hai, chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước từ ngày 27/4 đến nay là 251.753, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 140.539, Bình Dương 39.591, Long An 13.232, Đồng Nai 12.047, Đồng Tháp 4.621...

Trong đó, 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 511 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 20 ca nguy kịch đang điều trị ECMO.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong kể từ khi bùng dịch vào đầu năm 2020 đến ngày 13/8 là 5.088 ca, trong đó riêng TP.HCM là 4.030 ca. Ngày 10/8 ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày là 401 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).

Với tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do Covid-19.