Nhiều tồn tại trong quản lý năng lượng tái tạo

Nguyễn Cảnh - 09:50, 18/07/2023

TheLEADERKiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tồn tại hạn chế của Bộ Công thương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về năng lượng tái tạo.

Nhiều tồn tại trong quản lý năng lượng tái tạo
Công tác lập, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch của Bộ Công thương và các địa phương còn hạn chế (ảnh minh họa: Hoàng Anh)

Cụ thể, cơ quan kiểm toán đã thông tin về kết quả chuyên đề Đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bộ Công thương đã tham mưu Thủ tướng ban hành một số văn bản chưa phù hợp với Luật Giá năm 2012, chưa hướng dẫn quy định tỷ lệ lượng điện dư đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để bán cho bên mua điện; ban hành văn bản 7088/BCT-ĐL (hồi tháng 9/2020) không phù hợp với Quyết định 13/2020/QĐ-TTg dẫn đến việc các nhà đầu tư vận dụng để chia nhỏ dự án thành nhiều dự án có công suất dưới 1MW để tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành hướng dẫn 6948/EVN-KD ngày 19/10/2020 chỉ đạo các công ty điện lực không được yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền, chưa phù hợp trách nhiệm được giao tại hướng dẫn số 7088/BCT-ĐL.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, công tác lập, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch của Bộ Công thương và các địa phương còn hạn chế.

Cụ thể: Bổ sung riêng lẻ nhiều dự án làm vượt công suất quy hoạch 5,73 lần so với tổng công suất vận hành được Thủ tướng phê duyệt; bổ sung quy hoạch 1 dự án làm vượt quy mô công suất ưu đãi tại Nghị quyết 115/NQ-CP, vượt diện tích đất, phê duyệt quy mô công suất tăng so với đề xuất của tỉnh Ninh Thuận.

Bổ sung quy hoạch một số dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT) vào quy hoạch phát triển điện lực địa phương khi chưa có quy hoạch phát triển cho các dự án NLTT (tỉnh Bình Thuận, An Giang); bổ sung quy hoạch vượt công suất được phê duyệt theo thẩm quyền (tỉnh Bình Định); phê duyệt quy hoạch trùng quy hoạch, dự án khác (tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa); không tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn NLTT cấp tỉnh (Lâm Đồng, Khánh Hòa); lập, trình phê duyệt đề án quy hoạch điện gió khi chưa có phương án khắc phục tình trạng quá tải các trạm biến áp hoặc lại kiến nghị thay đổi Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh (tỉnh Đắk Lắk)…

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng ranh giới một số dự án trùng quy hoạch khác, không đúng ranh giới được phê duyệt (tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên).

Công tác xây dựng, vận hành dự án NLTT tại một số địa phương chưa phù hợp. 

Điển hình: 44 dự án thi công, vận hành trước khi được bàn giao đất; 66 dự án đã thực hiện vận hành, nối lưới nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án; có dự án thuộc trường hợp phải thu hồi chủ trương đầu tư nhưng địa phương chưa xử lý theo quy định; chưa đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu (tỉnh Tây Ninh); quyết định chủ trương đầu tư khi chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng giao đất, cho thuê đất một số dự án vượt quy định, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai nhưng đã thi công, xây dựng.

10 dự án nằm trong vùng quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nhưng chưa được Thủ tướng chấp thuận (9 trường hợp tại tỉnh Bình Thuận và 1 trường hợp tại tỉnh Bình Định), có dự án sử dụng diện tích đất nằm ngoài phạm vi được giao (Tỉnh Tây Ninh có 5 trường hợp sử dụng diện tích đất vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án tuy nhiên chưa đủ cơ sở để xác định phần diện tích vượt; tỉnh Bình Định thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 5,3ha rừng phòng hộ không thuộc phạm vi đất được giao (Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch).

Từ các nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ Công thương. Trong đó, đáng chú ý là: cần có chính sách dài hạn để phát triển NLTT, trong đó lưu ý đến phát triển các dự án ĐMTMN để có lộ trình phát triển phù hợp, được quản lý đầy đủ bởi các cơ quan có thẩm quyền để góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch.

Chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện gió và điện mặt trời xanh Sông Cầu vào quy hoạch điện VII điều chỉnh khi ranh giới quy hoạch dự án trùng với dự án Trồng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020 thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC, trong phạm vi dự án còn có diện tích nằm trong ranh giới bảo vệ bờ biển.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Bình Định kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm trong một số việc như: các dự án NLTT triển khai xây dựng, sản xuất kinh doanh và đấu nối vào điện lưới quốc gia trong khu vực dự trữ khoáng sản khi chưa được Thủ tướng chấp thuận, để có biện pháp xử lý theo quy định; huyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền; công tác quản lý đất đai, rừng phòng hộ để tình trạng nhà đầu tư giải phóng mặt bằng vượt mốc giới, chặt phá 5,26ha rừng phòng hộ (dự án ĐMT tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ).