Ống kính
Những báu vật của du lịch Pleiku
Cả chính quyền thành phố cho đến doanh nghiệp địa phương và người dân đều quyết tâm với khát vọng biến Pleiku thành điểm sáng du lịch không chỉ của Bắc Tây Nguyên mà của cả Việt Nam và khu vực.
Tôi đến Pleiku mấy lần vào mùa hè với du khách, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Lần này, vào cuối năm và có bốn ngày gọi là khảo sát. Thời tiết thay đổi lạ lùng, cứ như có đủ bốn mùa trong mỗi ngày. Sáng nắng ấm ngọt mát mùa xuân. Trưa, trời hanh nóng mùa hè. Chiều, gió se sắt mùa thu. Tối, trời giá lạnh mùa đông. Nhiệt độ ban đêm có thể xuống 12 độ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận Pleiku qua bài hát “Còn một chút gì để nhớ” (thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy) tinh tế và sâu sắc như vậy.
Pleiku có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo tiếng Jarai, “Plơi” nghĩa là “Làng”; “Aku” là cái “đuôi”. Pleiku nghĩa là Làng Đuôi, dựa theo sự tích cuộc chiến “Giành đuôi trâu” của hai anh em tù trưởng. Người chiến thắng, phần thưởng là chiếc đuôi trâu, vùng đất này có tên “Ploi Aku” đọc trệch thành Pleiku.
Gia Lai không phải là thủ phủ cà phê nhưng Pleiku có nhiều quán cà phê nhất, xét về mật độ lẫn ấn tượng. Từ cách trang trí đến pha chế với đủ thiết bị, hiện đại mà truyền thống, đậm đặc chất Tây Nguyên. Ra các xã vùng ven, nhà nhà trồng cà phê, sân nào cũng phơi hạt cà phê dày đặc. Cà phê không còn là cây xóa đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu. Làm giàu cho nông dân và làm giàu cho nhà nước, nhờ xuất khẩu.
Năm 2019, tôi có viết bài “Cần những phá cách để khai thác hiệu quả du lịch Tây Nguyên” mà sản phẩm đặc thù là tượng nhà mồ. Du lịch Tây Nguyên lâu nay tự hào với voi (Dak Lak), cồng chiêng, cà phê nhưng nhiều nơi có, cả trong và ngoài nước. Riêng tượng nhà mồ mới là đặc sản, chỉ có ở Tây Nguyên. Tôi đi khá nhiều nước, không thấy ở đâu có tượng nhà mồ.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em rải đều khắp lãnh thổ nhưng chỉ có Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai là có tượng nhà mồ. Tượng nhà mồ là cách gọi của người Việt (Kinh). Gọi như vậy vì tượng được đặt quanh các ngôi mộ. Còn người Bahnar thì gọi là Dik, người Jarai gọi là Hlun...
Tượng làm bằng gỗ, nguyên cây, đẽo gọt thủ công bằng rìu và chà gạc. Tượng nào cũng có hồn, mộc mạc, chân thực rất riêng. Trước dùng gỗ hương, gỗ cà chít; nay gỗ gì cũng làm, miễn chịu được nắng mưa. Công việc này của đàn ông, chỉ làm tượng cho người thân đã mất và được thực hiện như một thứ nghi thức tôn giáo, đầy tính nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp.
Từ cách làm, nguyên liệu, màu sắc cho đến nơi đặt tượng đều thân quen, gần gũi và sống động đến kinh ngạc. Các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng tượng, gắn kết với cuộc sống thường ngày của người đã khuất. Vì nhiều lẽ, tượng nhà mồ ngày càng mai một, việc làm tượng chỉ thu hẹp trong già làng hoặc các nghệ nhân.
Dân Pleiku không gọi là tượng nhà mồ, nghe có vẻ chết chóc. Họ gọi là tượng dân gian. Đáng mừng nhất là Pleiku đã có Vườn tượng dân gian. Nhiều nhà hàng, quán cà phê đã biết tận dụng tượng dân gian để trang trí, tạo nên nét độc đáo, không đụng hàng. Xưa, tượng chỉ quanh quẩn nhà mồ. Nay, tượng có mặt khắp chốn, thành điểm nhấn giá trị văn hóa để hợp sức với người dân Pleiku làm du lịch. Rồi đây, tượng sẽ vào khách sạn, ra đường phố và trở thành quà lưu niệm cực chất.
Pleiku đang có kế hoạch khuyến khích, phục hồi văn hóa làm tượng dân gian Tây Nguyên, lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” của thế giới; xây dựng công viên “Tượng dân gian Tây Nguyên” của các dân tộc; hướng dẫn du khách kỹ thuật đẽo gọt tượng…
Ngoài hồ T’Nưng (Biển Hồ) như viên ngọc quí kiêu hãnh giữa đại ngàn ở độ cao 500m so với nước biển, Pleiku còn có Biển Hồ B sát bên, mênh mông đẹp. Núi Hàm Rồng tựa bức bình phong của thành phố, điệu đàng xanh, bốn bề cúc quỳ vàng rực như đang cố sức thi tài với hoa muồng, trải thảm trên những đoạn đường vàng rực rỡ.
Biển hồ Pleiku nhìn từ trên cao.
Tôi không thích dùng từ dã quỳ vì sơ nói lái khi ví von hoa với người đẹp. Hơi tiếc là cây K’nia (người Việt gọi là cây cày) và hoa P’lang (Bắc Trung bộ gọi là cây gạo, không phải hoa gạo miền Bắc) biểu tượng của Tây Nguyên gần như vắng bóng.
Gia Lai và Pleiku có nhiều món ngon nổi tiếng. Tôi không thích cơm lam gà nướng vì đi đâu cũng gặp, giống như dê Ninh Bình. Nhiều quá hóa thường, còn gì là đặc sản. Tôi cũng không khoái phở khô hay phở 2 tô. Gọi là phở thì oan cho phở vì đó là dạng hủ tíu khô ở Nam bộ.
Tôi ghiền món gà bay (chứ không phải gà đi bộ) nướng than hồng, ngọt thơm, dai, béo vừa đủ; ngon tê lưỡi. Cá anh vũ Gia Lai, loại cá tiến vua, nghe đồn ngon hơn cá anh vũ Tây Bắc. Đầu cá nấu chua với lẩu măng, lá giang, bắp chuối hột đều bá cháy. Lòng cá xào với giảo cổ lam là thuốc bổ của vua chúa ngày xưa. Thân cá có thể hấp, chiên, kho. Món nào cũng bá cháy. Pleiku còn có riêu cá ngừ, bò một nắng, muối kiến …không đụng hàng.
Tôi mê món gỏi lá dân dã mà tinh tế, có phần cầu kỳ, được chăm chút kỹ lưỡng với hơn 30 loại lá rừng, lá vườn tinh hoa của vùng đất đỏ bazan lộng gió.
Rau rừng có bứa, ngành ngạnh, bằng lăng, sộp, rau mương, cơm nguội, đọt mây (Việt Nam), khuổn mày, baykyhut (Lào)…
Lá vườn có chanh dây, sấu, chùm ngây, vông, dâu tằm, dâu da, atiso, chùm ruột, xoài, điều, thu hải đường, me, mơ rừng, sung, ổi… đến các loại rau quen thuộc như đinh lăng, diếp cá, mã đề, càng cua, tía tô, mơ lông, sa lach, cải…. Toàn rau sạch. Mỗi loại có tác dụng riêng như thực phẩm chức năng, tạo thành Vitamin tổng hợp.
Gỏi lá được tôn thêm hương vị bởi nhiều món ngon hợp lực. Đó là cá sọc dưa hoặc cá lăng thái mỏng thấm đẫm hương vị riềng thính. Món tré, gần giống nem chạo miền Bắc làm từ thịt heo ba chỉ và bì, khi ăn mềm mượt nơi đầu lưỡi và vị ngọt tôm Biển Hồ.
Quan trọng nhất là nước sốt chấm được chưng cất từ lòng cá, da, xương cá, đầu cá, tôm Biển Hồ và các loại gia vị ớt, muối, riềng, gừng... Khi thưởng thức, thực khách khéo léo gói ghém các loại lá thành phểu; cho nhân ăn kèm (tré, cá, tôm, thịt, riềng, ớt muối hột, tiêu..) vào. Chan vừa đủ nước sốt rồi đưa lên miệng, từ tốn nhai để cảm nhận hết tinh túy của núi rừng, sông hồ, vườn tược và đất trời Tây Nguyên.
Pleiku sẽ là trung tâm du lịch Bắc Tây Nguyên, nối các danh thắng như thác Chín Tầng - 29km (Ia Grai), thủy điện Yaly - 40km, thác Phú Cường - 44km (Chư Sê), núi lửa Chu Dang Ya - 23km (Chu Pa)…
Pleiku còn có đồi cỏ hồng, những rừng thông và các con đường cao su lãng mạn. Mùa cà phê trổ bông, cứ trắng xóa như tuyết đầu mùa, trĩu cành lá, thơm dậy trời đất. Giao thông Pleiku có quốc lộ 14 nối hai đầu Đak Lak (177km) và Kon Tum (49km), Đà Nẵng (339km), Sài Gòn (515km). Đường Hồ Chí Minh rút ngắn thơi gian hơn một giờ. Quốc lộ 19 xuống Qui Nhơn (162km), quốc lộ 25 đi Tuy Hòa (225km).
Pleiku đi cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh – Oyadav, Campuchia (70km); đi Ratanakiri (78km); đi các di sản văn hóa thế giới như đền Preah Vihear (418km); Angkor (460km); Wat Phu, Lào (389km); cửa khẩu quốc tế Bờ Y – Phoukeua, Lào (128km). Từ Bờ Y đi Attapu (110km); Wat Phou (260km). Từ Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội có chuyến bay Pleiku hàng ngày…
Du lịch Pleiku đang chuyển mình. Các doanh nghiệp nhỏ hăm hở với những dự án retreat bên Biển Hồ B và quanh thung lũng núi Hàm Rồng. Người dân náo nức với du lịch cộng đồng và những homestay chuẩn ASEAN. Cả chính quyền thành phố cho đến doanh nghiệp địa phương và người dân đều quyết tâm với khát vọng biến Pleiku thành điểm sáng du lịch; không chỉ của Bắc Tây Nguyên mà của cả Việt Nam và khu vực.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.
Đột phá tư duy đưa Việt Nam thành cường quốc du lịch
Thiên Cầm - Đàn trời sâu lắng quê mình
Sát bờ biển là núi Thiên Cầm hùng vỹ, trên núi có bàn cờ tiên, có dấu chân trái của người khổng lồ in trên phiến đá qua hàng triệu năm giờ vẫn rõ.
Những siêu dự án nhiều tỷ đô 'bỏ hoang' ở Trung Quốc
Theo Tổng công ty lưới điện Trung Quốc, cả nước hiện có khoảng 64,5 triệu căn hộ bỏ hoang. Nếu tính bình quân mỗi hộ chỉ 3 người thì tương đương hơn 200 triệu chỗ ở (gần 15% dân số Trung Quốc) đang để không.
Củ hủ khóm - Món ngon để đời
Củ hủ khóm, món ăn dân dã từ xa xưa nay là đặc sản hiếm. Người dân vùng trồng khóm cũng chỉ được thưởng thức mỗi năm vài lần vào mùa phá khóm. Khóm trồng cây chiết thì 8 tháng là cho trái, cứ 4 tháng thu hoạch một lần.
LG Innotek có thể vay 300 triệu USD từ IFC
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.
Thống đốc lý giải vì sao ngân hàng 'quay lưng' với doanh nghiệp địa ốc
Ngay cả những dự án khả thi và có khả năng trả nợ vẫn bị từ chối cho vay, bởi thời hạn vay không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.
T&T Group hợp tác chiến lược với công ty đa ngành của UAE
Với biên bản ghi nhớ được ký kết, T&T Group và Golden Nile sẽ trở thành đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Biệt thự tiền tỷ bỏ không giữa rừng thông Măng Đen
Do các thủ tục pháp lý chưa đầy đủ nên hàng chục biệt thự đã xây dựng ở thị trấn Măng Đen bị bỏ hoang giữa những tán thông.
Vingroup, VinFast hợp tác chiến lược với bốn đối tác Trung Đông
Vingroup, VinFast và 4 đối tác Trung Đông hợp tác phát triển hàng hải, khai thác đất biển bền vững, chuyển đổi số, xe điện và giao thông xanh.
Taseco Land báo lợi nhuận quý III tăng đột biến
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, việc doanh thu tài chính tăng trưởng vượt trội đã giúp Taseco Land cải thiện đáng kể kết quả lợi nhuận.
Khám phá quy trình sản xuất hiện đại của Trà trái cây TH true TEA
Để mang tới trải nghiệm khác biệt, sảng khoái, đậm đà hương vị trà tự nhiên, những chai trà trái cây TH true TEA được chăm chút kỹ càng từ khâu tuyển chọn nguyên liệu nghiêm ngặt đến quy trình sản xuất hiện đại, khép kín với công nghệ tiên tiến hàng đầu.