Sát bờ biển là núi Thiên Cầm hùng vỹ, trên núi có bàn cờ tiên, có dấu chân trái của người khổng lồ in trên phiến đá qua hàng triệu năm giờ vẫn rõ.
Thiên Cầm xuất hiện từ xa xưa nhưng chỉ tái xuất phổ biến từ 2003, khi xã Cẩm Long được nâng cấp và đổi tên thành thị trấn Thiên Cầm.
Tương truyền, vua Hùng đời thứ 13, khi ngao du qua vùng này đã ngạc nhiên vì thiên nhiên kỳ thú. Biển xanh, cát vàng tít tắp bình yên và quyến rũ. Trên bờ thông reo đuổi gió, thầm thì với cỏ cây tận ngọn núi nhỏ. Những đêm lênh láng vàng trăng, ngọn núi nhỏ mờ ảo tựa cây đàn tỳ bà đang ngân vang giữa đất trời thơ mộng.
Vua gọi vùng đất này là Thiên Cầm Sơn, nghĩa là núi Đàn Trời. Vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm, nghe giữa thinh không khuya vắng những hòa âm rất lạ của trời đất.
Thị trấn Thiên Cầm còn giữ được nhiều nét quê; cảnh quan ít địa phương nào sánh kịp. Biển Thiên Cầm được xem là đẹp nhất Bắc Trung bộ; hình cánh cung nên bãi phẳng và ít sóng. Cát nõn nà trắng vàng mịn trải dài gần 5 km với 2 bãi tắm Nam – Bắc, ngăn cách bở núi Thiên Cầm.
Là dân Bình Thuận, tôi vẫn bị mê hoặc bởi mực một nắng, bề bề (tôm tít), ốc mỡ, cá cháo (cá khoai), ghẹ, mực nhảy… ở đây, kể cả mùa trăng. Lô nhô không xa bờ là hòn Bớc, hòn Én; tựa mấy cánh phao nâu dập dềnh với thuyền đánh cá như những chiếc là hình thoi đang giỡn sóng. Đối xứng với núi Thiên Cầm là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi Lớn) và Cùm Con (núi Bé) như hai mảnh phím đàn trời án ngự Kỳ La, tạo nên dòng suối trong veo uốn lượn và dịu êm ra biển.
Thiên Cầm còn chứng kiến sự sụp đổ của triều đại Hồ Quí Ly, nhà cải cách “sinh bất phùng thời”. Năm 1407, giặc Minh tràn sang diệt chủng văn hóa Đại Việt. Tướng giặc Trương Phụ đuổi theo Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm.
Con đường Bắt màu đất dỏ quanh co rừng thông dẫn đến chùa Thiên Cầm là dấu tích bị thương khi cha con Hồ Quí Ly thất thủ tại phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt. Dân gian còn truyền khẩu "Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn. Cao vọng sơn đầu khách tử sầu". Giặc Minh đổi chữ "Cầm" là đàn; thành chữ "Cầm" là bắt. Khi đất nước sạch bóng quân thù, Thiên Cầm mới được trở lại đúng nghĩa - chiếc Đàn Trời.
Núi cao 108m, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20 km, sát biển, tạo thành vùng đất sơn thủy hữu tình với con đường bờ kè tuyệt đẹp. Núi nghịch ngợm vãi đá ra đùa biển với những quẩn thể ngộ nghĩnh qua tên gọi tượng hình như đá "Nóc nhà", "Lò rượu", "Lợn mẹ lợn con", "Tiên đánh cờ", "Trống", "Chiêng"....
Ngang dốc Cu Kỳ, có thể nghe tiếng cu gáy và gặp từng đội chim cu có đuôi rất đẹp, giật mình tung cánh chào khách. Nghe nói loài chim đặc hữu đang bị săn bắt ráo riết làm mồi nhậu đặc sản, vừa giận vừa lo. Tạo hóa quả khéo tay khi gởi gấm thông điệp – số 1, khởi đầu – số 8, vô cực – chính giữa, số 0. Từ vũ trụ đến từng cuộc đời đều có bắt đầu và kết thức, nối bằng sắc sắc không không.
Dưới chân núi là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, di tích văn hóa quốc gia. Chùa nhỏ nhưng kiến trúc sắc sảo với nhiều tượng phật cổ, trong đó có đại hồng chung và khánh đồng trên 700 tuổi, sau chùa có bộ tranh "Thập điện Diêm Vương" nổi tiếng. Đáng lo là chùa đang cho xây “nhà thép mái tôn” để che nắng, rộng hơn cả chánh điện, phá hủy thẩm mỹ và cảnh quan cổ kính của chùa. Lễ chùa mà sợ nắng thì nên ở nhà và bái vọng trong phòng lạnh.
Lưng chừng núi Thiên Cầm là chùa Cẩm Sơn, di tích văn hóa Hà Tĩnh, có đường xe lên gần chùa, xé toạc cảnh quan. Đi bộ hơn trăm bậc thang là đến chùa. Tha hồ phóng tầm mắt ngắm Thiên Cầm và lắng nghe đàn trời xa xôi dìu dặt.
Tương truyền trên núi Thiên Cầm có giếng Tiên, bàn cờ Tiên và dấu chân Tiên. Chùa nhỏ, chỉ còn lại bức tường cũ rêu phong, dấu tích thời bao cấp ấu trĩ. Chùa đang tính xây mới hoành tráng. Nghe mà lo hơn mừng. Chùa hẹp mà chen chúc rất nhiều ghế bằng đá mài phô trương còn hơn cả quảng cáo của thương hiệu Thái Dương.
Cách Thiên Cầm chừng 3 km là chợ Cá Nhượng. Chợ họp trên gò đất giữa sông Cẩm Nhượng, nên còn gọi là chợ Gò, cách chân cầu Nhượng Lĩnh chừng 500m. Nhượng Lĩnh là cầu dài nhất Bắc Trung bộ, 1.512 mét.
Khoảng 4 giờ sáng, bạn hàng đã í ới. Xe gắn máy, xe đạp, xe lôi, xe đẩy lỉnh kỉnh thùng, thau, sọt, gánh… nườm rượp ra chợ như trẩy hội. Những ánh đèn pin, đèn đội đầu loang loáng. Nhiều nhất là đèn của điện thoại iphone, cũng là máy tính đa dụng. Kẻ mua, người bán săm soi, trả giá náo động cả một vùng; như đang cố đuổi bóng đêm và gọi bình minh đến sớm. Âm thanh líu lo, gắt gỏng và cả nhẹ nhàng đặc trưng Hà Tĩnh. Khách du lịch phải có dân địa phương phiên dịch mới hiểu được.
Cẩm Xuyên có mấy hồ cực đẹp. Nổi tiếng nhất là Kẻ Gỗ, hồ thủy lợi được người Pháp thiết kế từ 1920, khởi công 1976 và hoàn thành 1980; có dung tích 345.000.000 m3, dài 30 km với hệ thống kênh mương dài 250 km, cung cấp nước ngọt và tưới tiêu 21.000 ha.
Hồ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên cùng tên rộng 35.159 ha. Công trình như bản tráng ca về lao động thủ công, được phản ánh qua bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Hồ đẹp hơn cả tranh vẽ, mênh mông màu xanh gương trời, chập chùng núi ôm ấp và bảng lảng sương mù hư ảo.
Hồ Thượng Tuy cũng mênh mông xanh biếc giữa núi non điệp trùng, nhưng không có thông tin gì, kể cả hỏi thầy Google và cô website Hà Tĩnh, trừ mấy người dân trong vùng truyền miệng. Hồ sông Rác còn bí ẩn hơn, cứ như hồ sơ tuyệt mật, dù tưới tiêu cho hơn 50.000 ha. Hồ đẹp đến kinh ngạc với nét lặng bình yên và núi non hùng vĩ. Có cả các đảo nhỏ hoang dã, thơ mộng và thác nước kiêu hãnh giữa rừng già mê hoặc.
Nếu Kẻ Gỗ và Thượng Tuy có dịch vụ tự phát “du lịch sinh thái nhậu” nhưng tiết kiệm tối đa “đầu ra” của khách, thì hồ sông Rác còn trinh nguyên ngơ ngác. Khiêm tốn hơn nhiều lần, đập Cẩm Minh e ấp như sơn nữ dậy thì chân quê. Hồ nào cũng nhiều tôm cá.
Phải nói là tài nguyên du lịch Thiên Cầm và Cẩm Xuyên quá nhiều. Có đủ biển, đảo, núi, sông, hồ, thác, chùa cổ, chợ, ruộng, vườn…Những biệt danh núi Thiên Cầm, Cao Vọng, đường Bắt, hang Hồ Quý Ly… là những nét khắc bi hùng, thanh tao bên bờ biển hoang sơ.
Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp xây khu nghỉ mát Thiên Cầm, nhưng chiến tranh đã xóa sạch dấu vết. Cẩm Xuyên còn có mộ và nhà lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu… Xa hơn là chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh ở Can Lộc (chùa Hương gốc xây dựng từ đầu thế kỷ XIII); mô và khu di tích Nguyễn Du, của Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân; của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Hương Sơn; của Tổng bí thư Trần Phú ở Đức Thọ…Thiên Cấm nối kết với Vinh 76 km và Quảng Bình 126km, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 138km, Hà Nội 360km…
Du lịch Thiên Cầm lâu nay chỉ nhộn nhịp vào mùa hè xô bồ. Lượng khách năm 2018 là 165.0000 lượt với doanh thu 132 tỉ đồng, chiếm chưa tới 5% của du lịch Hà Tĩnh. Quá khiêm tốn so với tiềm năng. Muốn tăng tốc, phải thay đổi tư duy, định vị lại cách làm du lịch.
Thay cho các khách sạn và nhà nghỉ ven biển bí rị là các homestay chuẩn quốc gia giữa đồng quê khoáng đạt, tiện nghi và giá ổn định. Bên cạnh thị trường đám đông, dựa vào biển; phải chú trọng nguồn khách ổn định từ các công ty du lịch, cả trong và ngoài nước với sản phẩm chủ lực là hồ, núi, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị nhân văn lịch sử. Đoạn tuyệt tư duy “gắp đồ ăn cho khách” kiểu sinh thái nhậu, bắt khách hạn chế “đầu ra”, nhà vệ sinh tệ hại, kinh doanh chụp giựt, đền chùa lòe loẹt…
Chính quyền và người dân Thiên Cầm đang náo nức chuẩn bị “Hành phương Bắc”; ra Mai Hịch (Hòa Bình), Hua Tạt (Sơn La), Pù Luông (Thanh Hóa), học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng chuẩn Asean. Hy vọng với quyết tâm đổi đời, được tư vấn thực tiễn, du lịch Thiên Cầm sẽ cất cánh để Đàn Trời sâu lắng quê mình.
(*) Bài viết và ảnh do tác giả cung cấp, thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Theo Tổng công ty lưới điện Trung Quốc, cả nước hiện có khoảng 64,5 triệu căn hộ bỏ hoang. Nếu tính bình quân mỗi hộ chỉ 3 người thì tương đương hơn 200 triệu chỗ ở (gần 15% dân số Trung Quốc) đang để không.
Đã gọi là chợ thì phải có người mua kẻ bán. Đã gọi là hội thì phải đông vui, hội hè mà lại. Vài chục năm trở lại đây, hội phát triển thần tốc. Từ các hội đoàn cho đến các lễ hội, hội chợ. Hội mà đi với chợ thì đông vui phải biết, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Ngoài phong cảnh đẹp tựa “thiên đường hạ giới”, sự trù phú của tự nhiên còn mang đến cho New Zealand một nền ẩm thực rất ấn tượng. Cùng dạo một vòng từ đảo Bắc xuống đảo Nam để điểm qua những hương vị đặc sắc nhất nơi đây.
Củ hủ khóm, món ăn dân dã từ xa xưa nay là đặc sản hiếm. Người dân vùng trồng khóm cũng chỉ được thưởng thức mỗi năm vài lần vào mùa phá khóm. Khóm trồng cây chiết thì 8 tháng là cho trái, cứ 4 tháng thu hoạch một lần.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.