Những biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ

Hường Hoàng - 17:43, 06/05/2022

TheLEADERKhông phải ai cũng biết rằng, một sản phẩm có thể có nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để có thể tận dụng được quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả nhất?

Những biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ
Một sản phẩm có thể có nhiều quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh: Innetcoip)

Tùy thuộc vào bản chất của từng loại tài sản vô hình, luật pháp có những công cụ pháp lý khác nhau giúp chúng ta bảo vệ tài sản của mình.

- Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chếgiải pháp hữu ích

- Các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp

- Thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu

- Mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn

- Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý.

- Bí mật thương mại bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại;

- Ở hầu hết các nước, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu, được bảo hộ quyền tác giảquyền liên quan.

Nhìn chung, sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm chính: (1) sở hữu công nghiệp bao gồm 06 trong số 07 nhóm đối tượng đầu tiên nêu trên; và (2) quyền tác giả quyền liên quan gồm nhóm đối tượng cuối cùng. Việc làm quen với các thuật ngữ này là một điều rất quan trọng.

Mỗi công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nêu trên sẽ được phân tích một cách chi tiết trong các phần dưới đây.

Một sản phẩm, nhiều quyền sở hữu trí tuệ

Một sản phẩm duy nhất có thể được bảo hộ bởi nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Lấy chiếc máy nghe đĩa CD làm ví dụ.

Các đặc điểm kỹ thuật sáng tạo của sản phẩm được bảo hộ bởi một loạt bằng độc quyền sáng chế (do Philips và Sony - các hãng cùng sáng chế ra CD - sở hữu). Những chương trình phần mềm được cài đặt để điều khiển sự vận hành của máy được bảo hộ quyền tác giả. Kiểu dáng thẩm mỹ của mỗi chiếc máy nghe đĩa CD cụ thể thường được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và thương hiệu được sử dụng để bán sản phẩm thường được bảo hộ nhãn hiệu.

Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể nắm giữ các bí mật thương mại, gồm danh sách khách hàng đến một số quy trình sản xuất hoặc thông tin kinh doanh mật mà họ không muốn để cho đối thủ cạnh tranh biết. Do đó, tác giả của các sản phẩm sáng tạo, như máy nghe đĩa CD, có thể nhận được độc quyền sử dụng hoặc ngăn cảm người khác sử dụng một trong số những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, tác giả của chiếc máy CD đã cấp phép (hay li - xăng) cho một số công ty khác sử dụng công nghệ CD để thu tiền, qua đó, nhận thêm lợi nhuận từ việc chuyển giao này.

Cần phải lưu ý rằng bản nhạc được chơi trên máy nghe đĩa CD thường được bảo hộ bởi quyền tác giả (trừ phi đã hết thời hạn bảo hộ) và bất kỳ người nào biểu diễn bản nhạc này trước công chúng, bán bản sao của đĩa CD, phát sóng bản nhạc trên đài phát thanh, dịch ca từ sang ngôn ngữ khác hoặc sử dụng nội dung của bài hát vì mục đích thương mại bất kỳ khác đều phải xin phép nhạc sỹ hoặc tổ chức quản lý tập thể quản lý quyền của nhạc công hay nhạc sĩ đó.

Lựa chọn hình thức bảo hộ đúng đắn

Trong trường hợp sản phẩm có thể được bảo hộ bằng nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về hệ thống này và lựa chọn cách thức bảo hộ các quyền một cách có hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép và bắt chước.

Do đó, khi đưa một sản phẩm mới ra thị trường, doanh nghiệp phải xem xét xem trong sản phẩm của mình, đâu là đối tượng để bán chính. Nói cách khác, trong sản phẩm của bạn đâu là điều thu hút khách hàng nhất? Hay cái gì làm sản phẩm của bạn khác biệt so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác? Có phải là những đặc điểm kỹ thuật sáng tạo không? Hay kiểu dáng của sản phẩm? Thương hiệu? Hay những nội dung văn học, nghệ thuật hoặc sáng tạo có trong sản phẩm đó?

Câu trả lời có thể đưa đến cho doanh nghiệp những ý tưởng ban đầu về cách thức bảo hộ sản phẩm mới, và từ đó có được sự độc quyền bằng những lý do thuyết phục nhất, đảm bảo cho sự thành công của sản phẩm trên thị trường.

Đôi khi, sự thành công trên thị trường của một sản phẩm có thể đến từ một yếu tố duy nhất; nhưng trong nhiều trường hợp, khách hàng quyết định mua một sản phẩm cụ thể trong một loạt sản phẩm cạnh tranh bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Tùy theo đặc điểm thị trường, có thể dành sự chú trọng và nguồn lực cho một hay nhiều loại quyền, hoặc sự kết hợp của các loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau cho một sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, hệ thống quyền sở hữu trí tuệ đang phát triển theo hướng một sản phẩm có thể được bảo hộ bằng những quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Ví dụ, hình dáng mới của sản phẩm có thể được giữ như bí mật thương mại cho đến khi sản phẩm được tung ra thị trường; những đặc điểm chức năng về hình dạng sản phẩm có thể được bảo hộ theo sáng chế; các đặc điểm thẩm mỹ của sản phẩm có thể bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp và/hoặc quyền tác giả, và nếu đáp ứng được những yêu cầu nhất định, có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu.

Vì vậy, có thể không có câu trả lời cuối cùng một cách rõ ràng và tốt hơn hết hãy xin ý kiến tư vấn của chuyên gia sở hữu trí tuệ để xây dựng một chiến lược sở hữu trí tuệ hoàn chỉnh cho sản phẩm của bạn.

Cho dù quyết định cuối cùng của bạn là gì đi nữa, ít nhất hãy bắt đầu bằng việc bảo hộ nhãn hiệu. Mặc dù nhãn hiệu đó chưa có nhiều giá trị vào thời điểm khai trương sản phẩm, nhưng sự thành công của sản phẩm sẽ làm tăng giá trị nhãn hiệu ngay lập tức và trở thành một bộ phận quan trọng về hình ảnh và bản sắc của sản phẩm. Nhưng, lúc đó mới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì đã quá muộn rồi!