Những vị khách ngược dòng trên thị trường bất động sản

Hứa Phương - 13:30, 02/03/2023

TheLEADERTrong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhà đầu tư trong nước có tâm lý chờ đợi thì nhiều vị khách là Việt kiều, người nước ngoài lại “ngược dòng” xuống tiền mua bất động sản.

Bà Lại Thị Hồng, Việt kiều Mỹ hiện đang sống tại Chicago cảm thấy rất ngạc nhiên và hài lòng khi đến thăm dự án NovaWorld Phan Thiet của tập đoàn Novaland trong lần về nước mới đây. NovaWorld Phan Thiet chính là dự án bà Hồng lựa chọn để mua vì phía trước là biển, phía sau là nhà và ở giữa có các khu shophouse, kiểu kiến trúc khá giống với thành phố Chicago.

Những vị khách ‘ngược dòng’ thị trường bất động sản
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhà đầu tư trong nước có tâm lý chờ đợi thì nhiều vị khách là Việt Kiều, người nước ngoài lại nhìn thấy cơ hội

Nếu như bà Hồng sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng để mỗi lần hồi hương có nơi nghỉ ngơi cho cả gia đình, thì ông John T một người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam lại chọn NovaWorld Phan Thiet vì thấy tiềm năng đầu tư, phát triển kinh doanh tại đây.

Ông John T phân tích NovaWorld Phan Thiet có nhiều tiềm năng, đặc biệt khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khánh thành, sân bay Long Thành hoạt động. Nhiều người ở TP.HCM đã dịch chuyển về đây sống, do đó tiềm năng cho thuê lưu trú vào dịp cuối tuần, ngày lễ để du lịch cũng như giải trí sẽ rất tốt.

Bà Hồng với ông John T chỉ là hai trong số rất nhiều vị khách Việt kiều, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam nhìn thấy cơ hội và “ngược dòng” với số đông để sỡ hữu bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng.

Nhu cầu lớn

Hiện nay nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng lớn nên số người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có 5,3 triệu Việt kiều sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Do đó nhu cầu đầu tư, sở hữu nhà đối với người nước ngoài, Việt kiều đang rất lớn.

Cụ thể, theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố tháng 8/2022 về kết quả khảo sát 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn thì đã có khoảng 12.350 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam nhìn nhận, người nước ngoài đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Họ cho rằng đây là quốc gia có tiềm năng về đầu tư bất động sản.

Trong gần 10 năm qua, CBRE đã có gần 5.000 giao dịch được thực hiện, trong đó có 45% thuộc về khách hàng nước ngoài. Trong tệp khách hàng nước ngoài nhu cầu đứng đầu là thuộc về khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singaporo... sau đó là châu Âu, Mỹ.

Những khách hàng nước ngoài hiện nay đang có sự dịch chuyển khá rõ. Đơn cử như trước đây khách hàng thường lựa chọn TP.HCM, đặc biệt là khu Đông nhưng hiện nay đang dịch chuyển sang các khu khác.

Phân khúc sản phẩm cũng có sự thay đổi, khoảng 5-6 năm trước họ thích sản phẩm căn hộ có một phòng ngủ, nhưng hiện nay là những sản phẩm 2 -3 phòng ngủ và cả sản phẩm bất động sản ngoài TP.HCM cũng được quan tâm nhiều. Bởi vì ngoài nhu cầu để ở thì người nước ngoài tại Việt Nam còn có mục đích đầu tư, gia tăng giá trị sản phẩm.

Là một doanh nhân nước ngoài có thâm niên sống ở Việt Nam, ông Kennth M Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết tại một hội thảo được tổ chức mới đây, hiện có khoảng 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nếu tính cả những người có visa tạm thời 3 tháng thì con số này lên tới 300.000 người.

Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về nơi đáng sống. So với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thì giá nhà tại Việt Nam đối với người nước ngoài đang rất tốt.

Tệp khách hàng “khó tính”

Dù nhu cầu lớn nhưng Việt Kiều và người nước ngoài được đánh giá là tệp khách hàng khá “khó tính”, yêu cầu cao.

Thực tế ở TP.HCM trong những năm qua, Việt kiều và người nước ngoài chủ yếu chọn mua ở những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp, hiện đại, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện.

Những dự án do chủ đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư lớn trong nước thường được khách người nước ngoài, Việt kiều lựa chọn để đảm bảo cho các yếu tố chất lượng, pháp lý của dự án.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tệp khách hàng này cũng có xu hướng lựa chọn đầu tư vào những dự án ngoài TP.HCM có vị trí đắc địa toạ lạc tại những tỉnh lân cận TP.HCM được quy hoạch bài bản, chất lượng tiện ích, dịch vụ, quản lý, vận hành đạt chuẩn quốc tế.

Vấn đề lớn nhất được những vị khách người nước ngoài, Việt kiều quan tâm hiện nay là pháp luật quy định về việc sở hữu bất động sản. Tuy nhiên luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng luật pháp hiện nay khá cởi mở với việc quy định đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Cụ thể Việt kiều phân ra làm 3 dạng: có quốc tịch Việt Nam, mang hai quốc tịch và không còn quốc tịch. Với người còn quốc tịch thì hưởng những quyền theo quy định của luật pháp đối với công dân Việt Nam.

Còn với người mang hai quốc tịch thì có quyền lựa chọn quốc tịch để thuận lợi và lợi ích mình được bảo vệ tối đa. Với người không còn quốc tịch thì thực hiện theo quy định của người nước ngoài.

Đối với người nước ngoài thì nhu cầu rất lớn, vấn đề ở chỗ là không đủ "room" cho họ mua. Bởi vì hiện nay luật quy định người nước ngoài chỉ được mua trực tiếp với chủ đầu tư và mỗi dự án quy định bán cho người nước ngoài không quá 30% tổng số căn hộ. Những dự án đã bàn giao cho khách hàng thì người nước ngoài không được mua lại. 

Do đó luật sư Phượng đề nghị, để hỗ trợ thị trường thì những dự án đã hoàn thành cũng có thể cho người nước ngoài mua nhưng kiểm soát room khoảng 10%. Nếu làm như vậy sẽ không còn tình trạng người bán tự hạn chế người bán.