Nợ công Việt Nam: Nguy cơ 'chưa giàu đã già lại nợ nhiều'

Nga Vũ - 16:42, 18/10/2017

TheLEADERViệt nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần dẫn đến nguy cơ “chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều”.

Nợ công Việt Nam: Nguy cơ 'chưa giàu đã già lại nợ nhiều'
Nợ công tăng cao là do nhu cầu chi ngân sách cao, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, chi lãng phí.

Đây là lời của TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính trong Hội nghị “Quản lý nợ công ở Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách” do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức nhằm chia sẻ kết quả phân tích và thảo luận góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý Nợ công (thay thế cho Luật Quản lý Nợ công 2009).

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên đến 94,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 64,73% GDP và đã tiến sát mức trần cho phép là 65% GDP. 

Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính vào tháng 11 năm 2016, nợ công của Việt Nam đã tăng 15 lần trong 15 năm qua. Theo Luật Quản lý Nợ công 2009, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, nợ công còn bao gồm nợ của ngân hàng trung ương và các đơn vị công lập khác. Nếu tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế, nợ công Việt Nam có thể lên đến hơn 200% GDP và đã vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ là 65% GDP.

TS. Vũ Sỹ Cường

Quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính là Ngân hàng Thế giới - tăng 11,5 lần (274,2/23,9 nghìn tỷ đồng); Ngân hàng Phát triển châu Á - tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỷ đồng/7,5 nghìn tỷ đồng); Nhật Bản - tăng 6,8 lần (243,9/35,9 nghìn tỷ đồng), ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết những rủi ro nợ công chính mà Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt. Cụ thể: tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ Chính phủ /thu ngân sách nhà nước (NSNN) và nghĩa vụ trả nợ công/thu NSNN đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn nợ công; Cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng (vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ; năm 2015 là 130.000 tỷ); bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển làm giảm tính bền vững nợ công và tạo ra rủi ro lớn cho NSNN trong trung và dài hạn; rủi ro trong quản lý và sử dụng nợ công.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ công tăng cao là do nhu cầu chi ngân sách cao, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả phổ biến đến mức đại biểu Quốc hội đã phải phát biểu “Chi tiêu như thế này thì không ngân sách nào chịu nổi”.

TS. Lê Đăng Doanh

Bên cạnh đó, chi thường xuyên lên đến 70-71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 24,5% chi ngân sách, hầu như toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào tiền đi vay mà số vay mới này chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc. Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư thua lỗ cũng là một gắng nặng đối với ngân sách Nhà nước.

Do vậy,  việc chỉnh đốn chi ngân sách là hết sức cần thiết và cấp bách để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, ông Doanh nhấn mạnh.

Đối với Dự thảo Luật quản lý nợ công, ông Doanh cũng đưa ra một số đề nghị như: xác định một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về nợ công đó là Bộ Tài chính; Luật nên quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người quyết định chi ngân sách. Nếu có sai phạm sẽ chịu trách nhiệm hành chính, tài chính hay hình sự về những sai phạm hay thiếu sót; Quy định cụ thể, chi tiết về công khai, minh bạch với các khoản chi ngân sách co thể làm tăng nợ công…