Nỗi lo tài chính và kỳ vọng vận may từ cổ phần hóa

Tiêu Phong - 16:19, 15/08/2017

TheLEADER"Mặc dù đã đi đúng hướng nhưng vẫn nhận thấy những rủi ro hữu hình khiến Việt Nam có thể bỏ lỡ mục tiêu đạt thâm hụt ngân sách 3,5% cho năm 2017, trừ phi Chính phủ có khả năng kiềm chế chi tiêu trong ngắn hạn", HSBC nhận định

Nỗi lo tài chính và kỳ vọng vận may từ cổ phần hóa

Quyết tâm hay chờ vận may

HSBC vừa công bố báo cáo triển vọng về kinh tế Việt Nam, chủ đề chính về cổ phần hóa. Theo đó, HSBC nhận định, Việt Nam đang thể hiện tinh thần quyết tâm “xốc lại” quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt khi nợ công của Việt Nam ngày càng gia tăng. Về bản chất, Chính phủ hy vọng tăng cường cổ phần hóa sẽ dẫn đến thu nhập nhiều hơn và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ. 

Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện do việc cải cách DNNN vẫn còn rất nhiều thách thức và việc chi tiêu của Chính phủ trong thời gian gần đây. 

"Mặc dù đã đi đúng hướng nhưng vẫn nhận thấy những rủi ro hữu hình khiến Chính phủ có thể bỏ lỡ mục tiêu đạt thâm hụt ngân sách 3,5% cho năm 2017, trừ phi Chính phủ có khả năng kiềm chế chi tiêu trong ngắn hạn. Đây là điều khó có thể trong bối cảnh Chính phủ đặt ra các mục tiêu tăng trưởng", báo cáo của HSBC cho biết. 

Việc Chính phủ gần đây đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN được cho là một tin tức tốt do tốc độ cổ phần hoá đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn 2003 – 2008 Chính phủ đề ra mục tiêu cắt giảm 1.538 DNNN nhưng chỉ có 312 doanh nghiệp đã đáp ứng mục tiêu này. Việc cổ phần hóa không được đạt được mục tiêu đề ra và diễn ra chậm chạp một phần là do những thuận lợi của các cuộc cải cách trước đó đã tạo điều kiện cho việc bán (hoặc đóng cửa) hầu hết các DNNN nhỏ đang làm ăn thua lỗ. 

Ngược lại, nhiều công ty còn đang tồn tại lại có quy mô lớn hơn nhiều với cơ cấu sở hữu và quản lý phức tạp và thậm chí đôi khi không có báo cáo tài chính và nghĩa vụ nợ rõ ràng.

Quyết tâm cổ phần hóa đã được Chính phủ thể hiện trong Quyết định 58/2016, lập mục tiêu cổ phần hóa thêm 137 DNNN, trong đó liệt kê chi tiết 103 doanh nghiệp cụ thể mà Chính phủ sẽ giữ lại quyền sở hữu. 

Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn ban hành văn bản hướng dẫn gửi đến Bộ Tài chính yêu cầu những quy định để đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cải cách DNNN cũng là một chủ đề chính trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ năm trong tháng Năm vừa qua. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh cải cách và cổ phần hóa các DNNN. 

Bằng chứng về cam kết mạnh hơn, Chính phủ vào năm 2016 và quý I/2017 đã phê duyệt đề xuất cổ phần hóa cho 63 DNNN, trong số đó đa phần là các doanh nghiệp lớn. Xu hướng này có tiếp tục cho đến hết năm hay không thì vẫn phải chờ xem, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy thách thức vẫn còn đáng kể.

Nỗi lo tài chính?

Theo HSBC, các biện pháp cải cách bổ sung vẫn là yếu tố quan trọng để giúp Chính phủ thực hiện đầy đủ chương trình cổ phần hóa của mình. Chẳng hạn, cải cách DNNN căn bản tập trung vào việc bán cổ phần thiểu số, trong khi Chính phủ vẫn duy trì kiểm soát đa số. 

Điều này đã làm cho các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế khả năng định hình lại các công ty Việt Nam, cải tiến quản trị doanh nghiệp, và giúp các công ty cạnh tranh toàn cầu. Qua đó các nhà đầu tư tư nhân bị cản trở việc tham gia đầy đủ vào tiến trình. 

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện tại có khoảng 97% số DNNN đã được cổ phần hoá nhưng chỉ có 8% cổ phần đã được cổ phần hoá bán lại cho các nhà đầu tư tư nhân. Đây là điều mà Chính phủ biết và đang hướng tới để giải quyết thông qua các quá trình cải cách thêm nữa ví dụ như Quyết định 58/2016.

Hơn nữa, các DNNN và các cơ quan hành chính địa phương bản thân họ còn khá chậm chạp trong quá trình cổ phần hóa. Theo Phó thủ tướng Đình Huệ, các đơn vị hành chính địa phương và các DNNN đang thiếu nỗ lực vì họ còn lo ngại nhiều vi phạm có thể bị phơi bày trong quá trình cổ phần hóa. Chỉ có sáu trong số 45 DNNN nằm trong danh sách được cổ phần hoá trong năm nay đã sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ đó giúp con số DNNN được kỳ vọng sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa đã giảm xuống còn 40.

HSBC cho rằng, quá trình cổ phần hóa chậm cũng có nghĩa là thu nhập của Việt Nam từ việc thoái vốn các DNNN diễn ra chậm hơn dự kiến. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, việc cổ phần hóa và thoái vốn đã thu được gần 3,4 tỷ USD cho ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Con số này tính ra còn khá thấp đối với khoảng thời gian năm năm, đặc biệt là khi so sánh với con số 130 tỷ USD là tổng tài sản của các DNNN. 

Tuy nhiên, tình hình hiện đang xoay chuyển. Tính đến quý II/2017, Việt Nam đã thu được 11.600 tỷ đồng ( tương ứng 504 triệu USD) từ việc thoái vốn Nhà nước khỏi các DNNN, tăng 314% so với năm trước..

Cuối cùng, đáp ứng mục tiêu thâm hụt ngân sách 3,5% sẽ phải là một yếu tố cơ bản cùng với việc Chính phủ phải giảm bớt chi tiêu mạnh mẽ. Thâm hụt ngân sách đã tăng liên tục trong những năm gần đây và theo ước tính của chúng tôi, sẽ phải giảm xuống khoảng 168 tỷ đồng (tương ứng 7 tỷ USD) để đáp ứng mục tiêu đề ra. 

Số tiền này thậm chí còn thấp hơn mức thâm hụt của Chính phủ vào năm 2012 theo danh nghĩa. Điều này cũng sẽ diễn ra với giả định Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% vào năm 2017 (HSBC dự báo tăng trưởng 2017 của Việt Nam chỉ 6%).