Từ một quốc gia chưa được xếp hạng trong năm 2015, Việt Nam đã vượt lên xếp thứ 11 trong số các thị trường hấp dẫn nhất cho bán lẻ hiện đại trong năm 2016. Rõ ràng thị trường bán lẻ nước ta đang bước vào cuộc chơi mới cạnh tranh gay gắt và quyết liệt.
Cạnh tranh “miếng bánh” bán lẻ 123 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, với hơn 90 triệu dân trong đó có tới 60% là đối tượng tiêu dùng trẻ, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore (90%)…
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng bởi quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 12% trong giai đoạn 2010 - 2015.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á với tầng lớp trung lưu dự đoán ngày càng đông thuộc nhóm mạnh tay chi tiêu.
Theo dự báo của hai tổ chức quốc tế PwC và EIU, tiêu dùng cá nhân của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng bình quân hàng năm khoảng 10,5%, giai đoạn 2015-2018 và mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sẽ đạt khoảng 123 tỷ USD vào năm 2018.
Thế nhưng khi nhìn lại chặng đường đã qua của năm 2016 thì không thể phủ nhận rằng dấu ấn rõ rệt của “làn sóng doanh nghiệp ngoại” gần như đã phủ khắp với nhiều kế hoạch chiến lược và con số đầu tư khủng. Nhất là trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Đó là cuộc đổ bộ mang đến sự thay đổi đột phá của hàng loạt thương hiệu lớn đến từ nước ngoài như Robinsons,Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản),Lotte (Hàn Quốc),Auchan (Pháp)... Tiếp đó là hoạt động liên doanh được đẩy mạnh giữa các nhà bán lẻ như Saigon Co.opMart và FairPrice (Singapore), cuộc thâu tóm như Berli Jucker Plc mua lại Family Mart và Metro Vietnam. Điều đó cho thấy tiềm năng cũng như cuộc đua giành thị phần của thị trường bán lẻ Việt Nam rất khốc liệt trong tương lai gần.
Một thống kê đã chỉ ra cụ thể, tổng doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp FDI chiếm 53%, doanh nghiệp nội chiếm 47%. Đáng lưu ý các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội.
Nguyên nhân chính là sự ăn đứt về quy mô lớn, và cực kỳ bài bản lẫn khả năng nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong nước của các doanh nghiệp FDI. Ngoài chiếm lĩnh các hệ thống bán lẻ hiện đại, các nhà phân phối ngoại đã mở rộng hệ thống các cửa hàng tiện ích có diện tích dưới 500 m2, các điểm phân phối này không bị hạn chế bởi quy địnhxác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm được mở (ENT).
Sự thay đổi chủ ở rất nhiều hệ thống siêu thị, cùng với việc đầu tư và mở rộng mạng lưới phân phối của các nhà bản lẻ ngoài nước khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ mất dần sân nhà mà không thể kịp trở tay.
Nguy cơ mất thị trường vào tay doanh nghiệp ngoại
Theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9% , quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Đã có nhiều dự báo về mức thu nhập khả dụng trung bình của Việt Nam tăng trưởng tốt sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho tiêu dùng bùng nổ và đem đến cơ hội lớn cho những công ty có thể cung cấp những gì người tiêu dùng mong muốn.
Song tại Việt Nam, các hãng bán lẻ Việt vẫn chưa thể thích ứng kịp và đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng. Doanh nghiệp nội địa đang bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình...Có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, trong đó quan trọng nhất vẫn là vốn và con người.
Theo khảo sát của VCCI, có tới 58% doanh nghiệp thừa nhận sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới vào thị trường Việt Nam đang khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn. Bởi phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay đều tay ngang, thiếu sự đồng bộ, mức độ chuyên nghiệp thua hẳn các doanh nghiệp nước ngoài.
Về yếu tố vốn, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Đỗ Vinh Phú cho rằng, đây không hẳn là yếu tố có vai trò quyết định quá lớn song cũng cần thiết để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, nhiều siêu thị chọn cách dùng chủ yếu là vốn lưu động với khoảng 70% vốn vay ngân hàng hoặc nhập hàng gửi bán từ các nhà cung cấp.
Những năm tới sẽ còn nhiều thương hiệu bán lẻ rơi rụng khỏi thị trường. Nhìn hiện tại, hình ảnh hào nhoáng của các trung tâm thương mại hay các siêu thị không phản ánh được thực trạng kinh doanh của họ. Đằng sau các chiến dịch khai trương, các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ có thể là nỗ lực gồng mình quá sức của doanh nghiệp.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cũng đưa ra dự báo lo ngại đến năm 2020, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ đạt 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội chỉ vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho doanh nghiệp nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.
Nhìn vào viễn cảnh thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay chắc hẳn không còn bàn cãi gì thêm về thế trận trước mắt khi ngoại đang o ép nội, thậm chí là dồn doanh nghiệp Việt vào thế kẹt. Dựa trên những hành động và bước đi chuẩn xác gần đây cho thấy hầu hết các tập đoàn bán lẻ ngoại đang đẩy nhanh mở rộng thị phần ở Việt Nam với chiến lược rõ ràng và sớm lập kế hoạch cho đến 2020.
Điển hình như tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và tương tự Aeon - ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo sẽ sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Auchan (Pháp) - tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.
Hiện tại các tập đoàn, công ty Thái đang sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam nên “cơn lốc” hàng Thái chiếm lĩnh thị trường đang hiện hữu. Thời gian tới với sự hậu thuẫn của chuỗi bán lẻ đồng hương, các mặt hàng tiêu dùng và nông sản của Thái Lan sẽ “thị uy” trước sự yếu thế của hàng Việt. Nhiều dự báo đều cho rằng, sản phẩm xuất xứ Thái Lan sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ bán hàng và xu hướng sẽ tiếp tục tiếp diễn cho đến ít nhất là năm 2030.
Cơ hội nào cho tương lai?
Dự báo trong thời gian tới, mua bán sáp nhập vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và của cả nhà đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất và phân phối cũng như dịch vụ. Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu.
Mặc dù vậy nhưng nhìn ở góc độ tích cực của vấn đề mở cửa hội nhập kinh tế, các chuyên gia kinh tế khuyên đã đến lúc nhìn nhận việc có mặt các liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường bán lẻ như một tín hiệu tích cực chứ không phải theo hướng bị thôn tính. Các doanh nghiệp nên coi đây là những cuộc mua bán, sáp nhập bình thường, có hiệu quả cho doanh nghiệp và toàn thị trường.
Vấn đề là doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hoạt động ở thị trường Việt Nam tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thực hiện đúng nghĩa vụ kinh doanh. Còn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, phải nỗ lực hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nếu không rất khó đứng vững trên thị trường.
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, tham gia thị trường bán lẻ chính là tham gia sân chơi hội nhập toàn cầu của doanh nghiệp với nhiều cách để phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài như là thông qua chuyển nhượng quyền thương mại, qua liên doanh, cùng nhau cổ phần thông qua hình thức M&A. Như vậy, thị trường sẽ cho ta biết hoặc tự các doanh nghiệp sẽ biết phải làm như thế nào là tốt nhất. Vấn đề là qua quá trình ấy, doanh nghiệp có học hỏi, vươn lên không.
Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đa phần các doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan, và cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi và có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn cho người tiêu dùng nội địa.Về mặt chính sách, việc tìm ra những khoảng trống để Nhà nước hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa nâng sức cạnh tranh trong hội nhập được cho là rất cần thiết trong lúc này.
Có nghịch lý đáng buồn là sau hơn 30 năm đổi mới, số lượng doanh nghiệp tăng nhưng chất lại rất hạn chế. Hiện nay thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường thế giới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Báo cáo nghiên cứu thị trường Việt Nam mới đây của hãng Neilsen đã chỉ ra rằng: Quan điểm việc mua sắm chỉ dành riêng cho phụ nữ đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực