Nông sản duy trì sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh

Phạm Sơn - 09:57, 30/08/2021

TheLEADERSản lượng chăn nuôi tăng, sản lượng thủy sản, cây trồng duy trì ổn định dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/8, cả nước đã tiến hành gieo cấy được hơn 1,4 triệu héc ta lúa mùa, khoảng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tổng vụ lúa hè thu, cả nước gieo cấy được hơn 1,95 triệu héc ta, đến giữa tháng 8 đã thu hoạch được gần 1 triệu héc ta, bằng 97,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm chủ yếu với hơn 860 nghìn héc ta.

Diện tích gieo trồng số loại cây trồng khác như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, rau đậu cũng duy trì tương đối ổn định, bằng trên 90% cùng kỳ năm ngoái, riêng rau đậu bằng 100,5% cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động chăn nuôi cũng diễn ra tương đối ổn định, kiểm soát được tình trạng dịch bệnh trên vật nuôi. Ước tính đến cuối tháng 8, tổng số trâu giảm 3,8%, tổng số bò tăng 1,8%, tổng số lợn tăng 4,5%, tổng số gia cầm tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Sản lượng thủy sản trong tháng 8 theo ước tính đạt hơn 800 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản đạt khoảng gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020.

Nông sản duy trì sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh
Tình hình sản xuất nông sản tháng 8. Ảnh: TCTK.

Tổng cục Thống kê nhận định, năm nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt được nhiều thành tựu, thành công chinh phục được một số thị trường khó tính.

Sản xuất duy trì ổn định nhưng tắc nghẽn tiêu thụ vẫn là khó khăn lớn nhất đối với ngành nông sản. Thực hiện các lệnh giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, rau củ quả, hải sản phải tạm dừng hoạt động hoặc duy trì hoạt động với công suất thấp.

Hoạt động xuất khẩu đang gặp phải khó khăn, xảy ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Tình trạng thiếu tàu hàng, tăng giá vận tải biển làm tăng thêm gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh, chỉ đạt 263,8 triệu USD, bằng khoảng 60% tháng 7 và 70% cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 7, xuất khẩu rau quả giảm 3 tháng liên tiếp. Xuất khẩu hạt điều, cà phê cũng chứng kiến kim ngạch sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19.

Các hiệp hội ngành hàng nông sản đều đưa ra cảnh báo về nguy cơ đánh mất thị trường khi không thể thực hiện đúng hợp đồng hay thậm chí là hàng bị từ chối vì “nhiễm Covid-19”.

Dự báo, nhu cầu nhiều loại nông sản của thị trường quốc tế sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại các thị trường chính của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Thị phần nông sản của Việt Nam tại các thị trường này trong những tháng đầu năm tăng trưởng tương đối khả quan.

Do đó, ôn định được tình hình sản xuất, chế biến, thông luồng xuất khẩu sẽ là cơ hội tốt cho ngành nông sản. Tuy nhiên, nếu tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn vẫn tiếp diễn, xuất khẩu nông sản không tránh khỏi sụt giảm cho đến cuối năm.