Nữ thạc sỹ ươm mầm những giấc mơ khởi nghiệp

12:05, 19/07/2017

Không cần đến nước Mỹ xa xôi, ngay tại Việt Nam có một thung lũng Silicon đã chắp cánh cho những giấc mơ khởi nghiệp. Người đứng đầu tổ chức này là một thạc sỹ từng tốt nghiệp MBA tại Mỹ - bà Thạch Lê Anh.

Nữ thạc sỹ ươm mầm những giấc mơ khởi nghiệp
Bà Thạch Lê Anh chia sẻ tại tọa đàm "Tư duy kiến tạo khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam". Ảnh nguồn: ndh.vn

Nhắc đến thung lũng Silicon, người ta nghĩ ngay đến trung tâm khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ, nơi gắn liền với những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Apple, Facebook, Uber...

Thế nhưng, với nhiều start-up trẻ của Việt Nam, có một thung lũng Silicon gần gũi hơn - Đó là Việt Nam Silicon Valley (VSV), nơi ươm mầm cho nhiều dự án khởi nghiệp trong 3 năm qua.

VSV là đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Sillicon tại Việt Nam được phê duyệt vào tháng 6/2013. Người sáng lập đề án, bà Thạch Lê Anh là người dành nhiều tâm huyết cho các start-up. 

Bà Lê Anh tốt nghiệp MBA tại đại học Nam California (Mỹ), am hiểu các ngoại ngữ như Anh, Nga, Pháp và từng có nhiều năm làm việc cho các doanh nghiệp đa quốc gia.

Bỏ việc tốt, lương cao để tự khởi nghiệp kinh doanh

Bà Lê Anh sinh ra trong thời kỳ còn được Chính phủ bao cấp, "chỉ cần vào được đại học, sau khi ra trường sẽ được bố trí công việc". Theo bà, tư duy "nhỏ thì bố mẹ nuôi, lớn thì Chính phủ lo" đã hằn sâu vào ý thức của nhiều người, khiến cho một số doanh nghiệp không thể phát triển được.

Chính vì vậy, năm 1993, bà Lê Anh quyết định rời bỏ vị trí tốt để sang làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương chỉ 50 USD/tháng. Dù thu nhập rất thấp so với công việc trước nhưng đổi lại bà học được nhiều điều từ công ty này. "Và chỉ một năm sau đó, mức lương của tôi đã tăng lên đáng kể", nữ thạc sỹ chia sẻ.

VSV tham gia Lễ phát động thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2016. Ảnh: Cafebiz.vn

Năm 2004, khi đã có vị trí đáng mơ ước tại các doanh nghiệp đa quốc gia, bà Lê Anh một lần nữa quyết định nghỉ việc để tự thành lập công ty của riêng mình. Quãng thời gian chèo lái doanh nghiệp giúp bà thấu hiểu khó khăn của những người bắt đầu kinh doanh.

Từ đó, bà Lê Anh ấp ủ xây dựng đề án Việt Nam Silicon Valley - với mong muốn đem những kinh nghiệm thực tiễn của Mỹ kết hợp với tinh thần kinh doanh và bản lĩnh sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam - tạo ra một hệ sinh thái chú trọng đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.

Theo bà Lê Anh, khi nói về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mọi người đều rất công bằng với nhau. Chúng ta không xuất phát từ cái mình có, chúng ta xuất phát từ 3 thứ: Thứ nhất là các bạn phát hiện ra nhu cầu thị trường. Thứ hai là bạn có thể làm gì cho thị trường đó. Thứ ba là bạn đam mê và tham vọng với điều gì.

"Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam của tôi ra đời chính từ điều thứ ba. Tham vọng của tôi là Việt Nam có thị trường đầu tư mạo hiểm. Các start-up có nguồn kinh phí để các bạn thực hiện ước mơ. Việt Nam có những sản phẩm thay thế những sản phẩm đã có trên thị trường", bà Lê Anh bộc bạch.

Người ươm mầm những giấc mơ

Đem đề án của mình đi thuyết phục những nhà làm chính sách, người đầu tiên bà gặp là Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ khi đó - ông Nguyễn Quân. "Tôi nói với Bộ trưởng rằng Việt Nam chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm và nhận được câu hỏi rằng "Đầu tư mạo hiểm có điều gì hay?".

Theo nữ thạc sỹ, đầu tư mạo hiểm vào các start-up rất phổ biến ở trên thế giới. Riêng tại Mỹ, số tiền đầu tư mạo hiểm mỗi năm lên đến 50 - 60 tỷ USD, chiếm 0,23% GDP của nước Mỹ nhưng tạo ra tới 21% GDP và 11% việc làm. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn vốn vay vẫn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư mạo hiểm mới ở giai đoạn sơ khai chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại Mỹ, số tiền đầu tư mạo hiểm mỗi năm lên đến 50 - 60 tỷ USD, chiếm 0,23% GDP của nước Mỹ nhưng tạo ra tới 21% GDP và 11% việc làm

Bà Lê Anh chia sẻ, nhiều dự án đến gặp VSV để tư vấn gần như không còn cơ hội sống sót, bởi họ không thể tìm được nguồn vốn để phát triển sản phẩm.

“Vốn mồi quan trọng ở chỗ nếu thiếu chúng ta không thể ra sản phẩm thử nghiệm. Chúng ta không thể đưa ra thị trường cũng không thể 'test' được có ai dùng sản phẩm hay không”, bà Lê Anh cho biết.

Theo một nghiên cứu vào năm 2013 - 2014, Việt Nam có khoảng 400 triệu USD dành cho đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp, mỗi năm có khoảng 20 start-up nhận được vốn đầu tư. Tuy nhiên, bà Anh cho rằng, trên thực tế số đó còn ít hơn rất nhiều vì các quỹ vẫn gặp không ít khó khăn để tìm được start-up để rót vốn.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không huy động vốn nhưng với start-up đó là nhiệm vụ sống còn. Vì thế đề án Việt Nam Silicon Valley ra đời để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút các nhà đầu tư. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi”, chủ nhiệm VSV nhấn mạnh.

Bà Lê Anh cho biết, ngoài thiếu vốn, các dự án khởi nghiệp của Việt Nam còn thiếu cố vấn, người hướng dẫn và thiếu luôn cả kỷ luật để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Vì thế, những dự án được VSV lựa chọn sẽ được các cố vấn và chuyên gia cùng làm việc và hỗ trợ trong 4 tháng. Các start-up này cũng nhận được số tiền đầu tư 10.000 - 20.000 USD và đổi lại 5-10% cổ phần của công ty.

Sau 3 năm triển khai, VSV đã chọn ra 40 start-up để đào tạo và hỗ trợ, 16 dự án trong số này sau 4 tháng tiếp tục gọi vốn thành công. Trong đó, đáng chú ý là Lozi -ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống được quỹ ngoại định giá lên đến 10 triệu USD.

Lozi, một trong những Start-up được cho là thành công từ Thung lũng Silicon Việt Nam. Ảnh: kenh14cdn.com