Ổn định trái phiếu doanh nghiệp từ kinh nghiệm thị trường Mỹ

Tuệ Minh - 17:54, 19/05/2022

TheLEADERTheo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, giai đoạn khó khăn mà các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vừa trải qua cũng giống thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái năm 2008, việc cần làm lúc này là một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.

Đưa ra một cái nhìn tổng quát về thị trường trái phiếu Mỹ tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, thị trường trái phiếu Mỹ hiện đang có quy mô lên đến 46.000 tỷ USD, chiếm khoảng 38% thị trường trái phiếu toàn cầu; tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 200% GDP của Mỹ.

Thi trường trái phiếu đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Mỹ vì đó là nơi đầu tư cho các quỹ hưu trí của người dân Mỹ. Các sản phẩm của thị trường trái phiếu quốc gia này bao gồm: trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng 1/3 thị trường, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 1/4, còn lại là các loại trái phiếu khác.

Đặc biệt, năm 2008 thi trường trái phiếu Mỹ đã trải qua một khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm 10,8% khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái, bắt nguồn từ thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Người dân Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD và 9 triệu người mất việc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường trái phiếu Mỹ đã trải qua một cuộc cải cách toàn diện qua đạo luật Dodd-Frank về cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng, trong đó nâng cao vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm như các công ty kiểm toán, các nhà phân tích và thẩm định chứng khoán, chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Các công ty xếp hạng tín nhiệm phân ra 2 nhóm xếp hạng là đầu tư hay nên đầu tư và trái phiếu rác (có độ rủi ro cao)

Về trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ, ông Hiếu cho biết, phần lớn các trái phiếu phát hành lần đầu đều được phát hành riêng lẻ cho các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán), chỉ có một ít là phát hành ra công chúng (phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán và giao dịch, xếp hạng tín nhiệm).

Tại Mỹ, nếu phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà phát hành không cần có xếp hạng tín nhiệm nhưng nếu có thì dễ bán hơn và phát hành với lãi suất thấp nếu được xếp hạng ở mức cao và được các ngân hàng lớn cam kết mua lại (phần lớn các trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp đều có xếp hạng tín nhiệm). Tương tự, trên thị trường thứ cấp, nếu nhà phát hành mong muốn các giao dịch thuận lợi thì phải có xếp hạng tín nhiệm.

Khi phát hành trái phiếu, nhà phát hành phải đưa ra các bản cáo bạch nêu rõ mục đích sử dụng vốn, các chi tiết liên quan đến lãi suất, thời hạn trả nợ, phương pháp trả nợ và các cam kết phải thực hiện, thậm chí có người quản lý trái phiếu, chịu trách nhiệm việc theo dõi các quy định.

Trong trường hợp nhà phát hành không tuân thủ những cam kết được quy định trong bản cáo bạch thì nhà đầu tư có thể kiện nhà phát hành để đòi bồi thường thiệt hại hay đòi trả lại nợ.

Từ những kinh nghiệm của Mỹ, nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Mặc dầu thị trường chưa rơi vào khủng hoảng nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái 2008 người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro.

Phát hành riêng lẻ sẽ phát triển mạnh hơn so với phát hành ra công chúng nhưng lại là thị trường rủi ro hơn vì các quy định về phát hành không chặt chẽ như phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học theo đạo luật Dodd-Frank nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.

“Nhiều người đang lo ngại về việc siết chặt thị trường sẽ làm mất đi khả năng phát triển nhưng tôi cho rằng kiểm soát một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Sẽ có những khó khăn nhưng có lẽ cũng là cái giá phải trả để có mộ thị trường đi vào quy củ và ổn định”, ông Hiếu nhận định.

Ngoài ra, đạo luật Dodd-Frank đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm, Việt Nam cũng nên nghiên cứu những điều khoản phù hợp để áp dụng như bổ sung trách nhiệm của các công ty xếp hạng tín nhiệm, có đơn vị giám sát; chia hạn mức tín nhiệm ra thành 2 nhóm như Mỹ để các nhà đầu tư có thể đánh giá được rủi ro.

Đồng thời cũng cần quan tâm đến những quy định liên quan đến bản cáo bạch, các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn, và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn để thực hiện một dự án đầu tư, với những cột mốc thời gian nhất định, và các báo cáo tiến độ thực hiện trong từng quý, từng năm); làm rõ các phương pháp trả nợ, tính lãi suất; nêu rõ các cam kết tài chính; chế tài nếu nhà phát hành vi phạm quy định…