Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần

An Hạ - 11:45, 18/02/2021

TheLEADERSáng tác nhạc, mở phòng thu âm chất lượng cao ở ngưỡng lục thập, cái tuổi đáng lẽ phải thư thái nghỉ ngơi, nhưng với doanh nhân Nguyễn Lịnh Nhân Đức, khởi nghiệp âm nhạc bởi đam mê chứ không đơn thuần là kinh doanh hay giải trí.

Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần
Ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hải Mã và hai con gái

Người chăn "Ngựa biển"

Ít ai biết rằng, ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hải Mã là người tiên phong mở đường cho sự phát triển đột phá của ngành dịch vụ công nghệ cao ROV (Remotely Operated Vehicle) - thiết bị lặn biển điều khiển từ xa tại Việt Nam.

Loại rô bốt được mệnh danh là “ngựa biển” này có công suất hàng trăm mã lực và vô cùng cần thiết để gánh vác những công việc nguy hiểm trong cả lĩnh vực dân dụng lẫn quốc phòng.

Chính thức thành lập năm 2006, Công ty cổ phần Hải Mã là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và duy nhất tự lắp ráp và cung cấp dịch vụ cho thuê, vận hành rô bốt lặn biển để khảo sát địa chất, phục vụ ngành dầu khí tại Việt Nam.

Thời điểm ấy, Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước có thể cung ứng được dịch vụ là Vietsopetro và PTSC, nhưng 100% ROV đều nhập từ nước ngoài.

Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần
Ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức và Nhạc sĩ Trần Tiến tại lễ khai trương xưởng rô bốt tại Vũng Tàu

Năm 2013, cả nước có khoảng 12 ROV, trong đó 7 ROV của Hải Mã được ông Đức mua công nghệ thiết kế, phần mềm điều khiển, linh kiện rồi tự gia công, lắp ráp tại Vũng Tàu, tiết giảm tối đa chi phí, giúp các doanh nghiệp trong nước giữ được thị trường nội địa, giành lại ngoại tệ từ các công ty dịch vụ nước ngoài.

Cơ duyên với âm nhạc

Trò chuyện cùng ông Đức vào một buổi chiều cuối năm, mái tóc pha sương, giọng nói ấm áp, gần gũi, ông chia sẻ về niềm đam mê thuở thiếu thời: "Tôi là một người điên cuồng vì nhạc và sách, hồi trước 1975, nhà tôi có một phòng đọc sách với đủ các thể loại. Tôi tâm niệm, thời gian của mình phải nằm trong những cuốn sách và những bản nhạc hay.

Tôi nghĩ, lớn lên, kiếm đủ tiền rồi sẽ không đi làm nữa, chỉ ở nhà, viết sách, như những tác giả vẫn làm tôi mê mẩn, hay những cuốn sách đoạt giải văn chương cao quý, nặng triết lý nhân văn, về những vấn đề nhức nhối nhất của thân phận con người trong xã hội."

Nỗi khát khao ấy luôn canh cánh trong lòng, những ý tưởng ngập tràn chưa thể thực hiện. Cuộc sống mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền, hay những đổ vỡ cá nhân… biến cố cuộc đời khiến ông phải tạm quên đi âm nhạc và sách vở.

Chia sẻ về cơ duyên đến với sáng tác, ông bồi hồi nhớ lại một buổi tối tĩnh lặng ba năm về trước… ngước mắt nhìn trời đêm, xúc cảm dâng trào, ông liền đặt bút viết hai bài thơ, trong đó có bài “Nước mắt mỹ nhân ngư”, nói về những tội ác mà con người gây ra trong lịch sử nhân loại. Bài thơ tuy ngắn nhưng ông rất tâm đắc, ý tưởng phổ nhạc phút chốc bỗng lóe lên trong đầu.

Mở lời với một người quen nhưng bị từ chối vì thơ ông “nội dung chẳng giống ai”, rồi họ giới thiệu một nhạc sĩ khá nổi tiếng trong nghề, cũng là người ông quen biết.

Ông tìm đến tận nhà, hẹn lần lữa hai tháng, rồi nửa tháng tiếp theo… ông ngậm ngùi ra về với câu trả lời: “Bản của mày khó phổ nhạc, viết gì mà toàn máu và nước mắt”.

Ông giận lắm, “ấm ức” trong lòng nhưng đành gác lại, rồi tìm người phổ tiếp bài “Xin làm cây cổ thụ”, mà cũng sửa tới lui bốn lần mới thu âm. Phổ nhạc được bài đầu tiên, ông nhờ làm thêm bài khác nữa. Nhưng sự bức bối, thôi thúc phải làm cho được bài “Nước mắt mỹ nhân ngư” đeo bám ông không nguôi: “Bài mình tâm đắc vậy sao không ai chịu phổ”?

Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần 1
Ông Đức (thứ hai từ phải qua) và các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trần Long Ẩn, NSND Tạ Minh Tâm cùng hội nghệ sĩ.

Trút bầu tâm sự với người em thân thiết là nghệ sĩ guitar Hoàng Minh thì được động viên: “Bài này chỉ có anh viết, phần lời khó nhất thì anh cũng viết được rồi, anh cứ hát đi, hát theo ý anh rồi em ký âm giúp”.

Ông ngạc nhiên, nghĩ đó chỉ là câu nói giỡn, bởi ông đọc nhiều, nghe nhiều chứ chưa từng học qua nhạc lý. Được đàn em “xúi” và khích lệ tinh thần, ông hạ quyết tâm phải làm cho được.

Ngay hôm sau, hai anh em rủ nhau xuống căn nhà của ông ở Vũng Tàu, đóng cửa, không tiếp khách, không ồn ào, chỉ trong một ngày đã hoàn thành bản demo. Hát được bản đó, lòng đầy phấn khởi, ông tự tin làm thêm các bản khác.

Ngã rẽ bất ngờ

Mày mò, phổ nhạc được, nhưng lại gặp khó về thu âm, ông vốn là dân kỹ thuật, rất khó tính, thử qua các phòng thu đắt tiền cũng không vừa ý. Từ những lần đi lại, chỉnh sửa tới lui, ông nung nấu trong đầu ý định mở phòng thu, trước thu cho mình, sau thu cho các nghệ sĩ.

Ở cái tuổi lục thập, đáng lẽ phải nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già, ông thừa nhận rằng, quyết định mở phòng thu, dấn thân vào con đường âm nhạc là ngã rẽ bất ngờ, hoàn toàn không dự trù trước với một người lớn tuổi như ông.

Đắm chìm trong âm nhạc, ông thấy lẹ làng hơn, sáng tác nhạc khiến ông vui hơn. Các ý tưởng cứ dâng trào mạnh mẽ, khi khởi nguồn từ triết lý trong các cuốn sách ông từng đọc, khi khơi gợi từ những kỷ niệm thuở ấu thơ, hay từ một tin nhắn của người bạn tâm giao ở nửa kia địa cầu.

Có người nói nhạc ông kén người nghe, bởi ngôn từ không mỹ miều nhưng sâu sắc, trầm lặng, day dứt lắm. Ông cười, bảo nhạc của ông lạ lùng hơn người ta, bởi ông đọc nhiều sách, nghe nhiều kinh phật, triết lý và giai điệu vận vào đầu lúc nào không hay.

Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần 2
Ông Đức và các nghệ sĩ tại phòng thu Nguyễn Đức Music

Ca từ trong các sáng tác của ông không phải là ảo vọng về tình yêu đôi lứa, mà phảng phất đâu đó nỗi niềm của những cái tình đã mất, mà theo ông, là những tình cảm vô điều kiện, phi giới tính, vĩ đại nhất trong cuộc đời của bất cứ ai, nhưng nó lại không được đề cập nhiều trong sách vở, âm nhạc và đời sống. Đó là tình cha con, tình mẹ con, tình cảm gia đình, hay thân phận của những con người bé nhỏ trong xã hội.

Những bi kịch và mặt trái của xã hội hiện đại khiến ông vô cùng bức xúc, khi con người mải mê theo đuổi những tham vọng phù phiếm, khái niệm chữ “Hiếu” của một bộ phận người trẻ cũng dần mai một, mối quan hệ giữa người với người và những giá trị truyền thống bị lung lay đến tận gốc rễ… ông muốn dùng âm nhạc để lên án, vạch trần những “khuyết tật” ấy, khơi gợi lại những giá trị đạo đức, nhân văn.

Khởi nghiệp tuổi 67

Ông mê nhạc, mê sách, cứ nghĩ đam mê là thú vui tinh thần, nhưng không ngờ đến một ngày bao nhiêu sách vở bỗng vận ngược lại. Ông cũng ngộ ra, làm kỹ thuật, dù là rô bốt hay phòng thu thì cũng có mối quan hệ rất hữu cơ.

Ông chủ Hải Mã: Khởi nghiệp cuộc chơi âm nhạc tuổi lục tuần 3
Ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Mã

Chia sẻ về quyết định mở phòng thu “Nguyễn Đức Studio” ông cho biết, chi phí áng chừng hơn nửa triệu USD, cũng thuộc loại “khủng” bởi các máy móc hiện đại nhất ông nhập mới hoàn toàn từ Anh, Mỹ, Đức. Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của những người bạn nước ngoài, cộng thêm khả năng tư duy logic và tự mày mò, tài liệu đọc tới đâu ông làm tới đó.

Ông thừa nhận, bỏ ra khoản tiền lớn để đầu tư bởi đam mê thôi thúc, chứ khi làm, không hề tính kinh tế, “Càng chơi càng lỗ, mà lỗ chắc luôn, lỗ cũng được, sướng cái đã”, ông nói và cười đầy sảng khoái.

Hỏi ông nền tảng tài chính phải vững chắc lắm mới dám chơi lớn vậy, ông bảo:Tôi đã lớn tuổi, lăn lộn cả đời, gom góp, đủ để an nhàn tuổi già. Nhưng tiền dù nhiều bao nhiêu chăng nữa cũng không thể mang hết xuống mồ, để lại chút gì đó, mai sau, cho có cái tình. Đây là cuộc chơi của tôi nhưng là chén cơm của anh em. Đầu tư lỗ thì tôi chịu, lời thì cộng sự ăn”.

Phòng thu là “đứa con cưng” mà ông dành hết tiền bạc, tâm huyết cho nó. Cũng là đầu tư kinh doanh nhưng với ông phòng thu không như các công ty khác, bởi mọi người ở đây như anh em trong nhà.

Ông cho biết, lượng khách hiện tại đa phần là giới nghệ sĩ và ca sĩ chuyên nghiệp như Tạ Minh Tâm, Quỳnh Lan, Tường Vi, Tuấn Hiệp, Hồng Hạnh, Thái Hòa… hoặc khách từ nhạc viện. Hầu hết các ca sĩ đến đây thu âm đều đánh giá cao và quay trở lại.

Ngoài các phòng nhạc cụ, digital và analog đã có, ông đang mở rộng thêm 3 phòng digital. Sắp tới, ông dự định sẽ làm marketing và đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, đó là kế hoạch đầu tư của ông trong 4 - 5 năm đầu, ông chia sẻ.

Từ mùa hè 2017 đến nay, chỉ vẻn vẹn 3 năm, ông bắt đầu làm thơ, mày mò phổ nhạc, sáng tác, song song với làm phòng thu và học nhạc lý. Ở tuổi gần thất thập, ông tập trung cho âm nhạc, chuyển nhượng công ty thiết bị điều khiển lặn biển từ xa Hải Mã, dồn toàn bộ tâm lực vào cuộc chơi mới.

Khi được hỏi, cuộc chơi lớn này ông định sẽ đi đến đâu, ông bảo rằng chơi thêm 10 năm nữa, vậy cũng đủ để thỏa mãn đam mê. Tận dụng thời gian, viết hết những gì ôm ấp trong lòng suốt bao nhiêu năm, rồi khi 80 tuổi ông sẽ buông hết, để đàn em tự làm, tự quản.