Âm nhạc có khả năng chữa lành cả những 'bạo bệnh'

Kim Yến - 13:30, 02/02/2020

TheLEADERĐối với nhiều người, trong đó có cả doanh nhân, âm nhạc không chỉ giúp họ thăng hoa mà còn có khả năng chữa lành cả những bạo bệnh bác sĩ không chữa được

Khác với nhiều doanh nhân, Lan Hạnh xuất thân là một nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Hơn 20 năm nay, tại thị trường nội địa, Lan Hạnh là một trong số ít thương hiệu áp dụng quy trình sản xuất theo phương thức tiên tiến OBM (Original Brand Manufacturing) – phương thức sản xuất gồm thiết kế, làm thương hiệu và phát triển kênh phân phối. 

Hiện tại Áo tắm Lan Hạnh có gần 1.000 công nhân, sản xuất 15.000 chiếc áo bơi mỗi ngày và hơn 95% được xuất qua Mỹ, một thị trường đòi hỏi các sản phẩm phải đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về nhà xưởng, sản xuất, thiết kế và trách nhiệm xã hội…

Ngoài may mặc, vợ chồng chị còn đầu tư nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như cụm rạp chiếu phim CineStar, trường đại học Nguyễn Tất Thành. Yêu nghệ thuật, coi trọng giáo dục, đến lúc này vợ chồng chị muốn có thể làm điều gì đó mang ý nghĩa nhất định cho xã hội bên cạnh mục đích kinh doanh.

Lan Hạnh: Âm nhạc có khả năng chữa lành
Doanh nhân Nguyễn Thị Tiết Hạnh, Chủ thương hiệu áo tắm Lan Hạnh.

Chia sẻ về mối nhân duyên với kinh doanh gắn liền âm nhạc, Lan Hạnh thổ lộ: “Khác với nhiều doanh nhân, Lan Hạnh xuất thân là một nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Tôi thích hát từ bé, hát rất vô tư. Ai yêu cầu là đứng lên hát liền, không mắc cỡ, thứ hai chào cờ toàn trường nào tôi cũng được thầy cô cho lên hát. Hồi nhỏ rất nghèo, đâu có đồ đẹp, nhưng cứ đứng lên hát vô tư. Tôi còn là người chuyên hát bài “Bóng cây Cơ nia” mỗi khi thầy dạy bài “Bóng cây Cơ nia”.

Ngay từ đầu, lĩnh vực tôi chọn là theo đuổi là âm nhạc, vì vậy tôi hoàn toàn xa lạ với những khái niệm như kinh doanh, thị trường hay đầu tư. 

Hạnh là ca sĩ trong nhà thờ, may mắn học 4 năm thanh nhạc, cũng hay đi diễn chỗ này chỗ kia. Một lần có ông thầy bói nói cô không nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát mà nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh. Hạnh rất buồn, vì mình thích trở thành ca sĩ chuyên nghiệp

Cuộc sống đưa đẩy, lấy chồng sớm, nhà chồng rất ghét ca sĩ, thế là bỏ luôn. Làm thương hiệu áo tắm Lan Hạnh, cổ đông lớn nhất của trường Nguyễn Tất Thành. Khoa thanh nhạc của trường mới mở 3 năm, sinh viên tăng cấp số nhân. 

Mình thấy nhu cầu mở trường nhạc phục vụ xã hội rất lớn. Cửa vào nhạc viện rất hẹp, bởi vậy khoa thanh nhạc của đại học Nguyễn Tất Thành cũng mấy trăm học sinh rồi…Đây cũng là mảnh đất để mình có thể dụng võ. Mình muốn kết hợp với những nhạc sĩ, ca sĩ tâm huyết, để đẩy mảng nhạc nhẹ phát triển. Năm đầu chỉ vài chục em, nhưng tăng rất nhanh…

Vốn có khiếu về nữ công gia chánh, thêu thùa may vá, tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để may được những chiếc áo bơi đẹp nhất, nên chăm chút từ chất liệu, kiểu dáng đến cách phối màu, rồi tìm một địa điểm thật ưng ý để thuê mở cửa hàng. Tuy nhiên, cũng nhờ cái gốc đó mà Lan Hạnh mới có ngày hôm nay và vẫn giữ vững được triết lý kinh doanh cốt lõi của mình.

Tôi nghĩ, để đứng vững trong cuộc sống tất bật này, mọi người đều phải quay tít như một con thoi, điều đó thật khó khăn,… nhưng rồi ai cũng phải sống và tồn tại với nhau trong cùng một xã hội, thế nên, từ văn hóa cạnh tranh đến triết lý cuộc sống, Lan Hạnh luôn chọn hướng tích cực. Đem đến những sản phẩm tốt nhất, cùng dịch vụ ưu đãi nhất mới đúng với con đường cạnh tranh tôi chọn. Tôi nghĩ, không việc gì sản phẩm của mình thì có thể sống, còn của người khác thì không”.

Xinh đẹp, thành công, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, những tưởng cuộc sống luôn mỉm cười với gia đình chị. Nhưng tai ương bất ngờ ập tới, Hoàng Gia, con trai chị do đi du học quá sớm đã rơi vào trầm cảm. Và chính âm nhạc lại là cách để chị giúp con chữa lành. 

Lan Hạnh chia sẻ: “Những người yêu âm nhạc rất hiền, giống như đứa con của mình vậy. Hạnh nhìn thấy âm nhạc đào tạo cả tính cách và nhân cách nữa. Con mình hoàn toàn chỉ biết về nhạc. 3 năm nay con trải qua cơn bạo bệnh, thú ca hát của mình phải dẹp đi để chăm sóc con. May mắn con đã vượt qua, Hoàng Gia mới đậu vào đại học tại Mỹ, nhạc sĩ Đức Thịnh chính là thầy của Hoàng Gia.

Âm nhạc có khả năng chữa lành, bạo bệnh đó bác sĩ không chữa được, nhưng nhờ vào âm nhạc đã giúp con mạnh khoẻ, đúng 1 năm trời cháu khỏi bệnh. Âm nhạc với gia đình tôi là vĩ đại nhất, nếu thử tưởng tượng một ngày không còn nghe nhạc nữa thì thế giới này thật kinh khủng”.

Giọng hát truyền cảm, phong cách biểu diễn cuốn hút, nhiều người cũng hay nói “Tại sao Lan Hạnh không đi thi?”. Chị cười thanh thản: “Mình không bị áp lực, không thích tạo áp lực vì ca hát. Mình cũng không đặt ra cái gì để chinh phục. Mình chỉ thích hát những bài hát mang đến sự yêu thương, như bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong tận cùng vẫn chuẩn bị cho mình những điều xấu nhất “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui. Dù vắng bóng ai” câu hát đó mình thuộc nằm lòng. 

Khi mình tận tâm vào điều gì thì dù có mất mát, khổ đau, vẫn không ngừng hy vọng. Hãy đặt ra cho mình cái xấu nhất có thể xảy ra, để thấy cuộc đời vẫn đáng sống, cho mình nhiều động lực để vượt qua…

Tôi có một ước mơ dựng một vở nhạc kịch mà diễn viên chính là các doanh nhân, có liên kết với nhau, có thông điệp, có câu chuyện, đan xen vô câu chuyện ý nghĩa, tự nhiên sẽ tạo sự thu hút với công chúng hơn nhiều so với những chương trình doanh nhân hát một cách ngẫu hứng”.

Nguyễn Việt Hoà, Tổng giám đốc Asia Dragon: Chỉ biết thể hiện tâm hồn mình qua bài hát thôi

Tại Việt Nam, hiếm có nhà công nghiệp nào dám đầu tư lớn vào ngành dây sợi tổng hợp cho hàng hải và nông nghiệp. Vậy mà Nguyễn Việt Hòa, người phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai, có tiếng hát thật hay lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và rất khác biệt này.

Không chỉ hát cho bạn bè, chị còn tham gia cuộc thi “Tình Bolero” trên đài truyền hình, và được bà còn khắp các tỉnh thành ghi nhớ như một gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu tài sắc vẹn toàn. Chị cũng ra mắt nhiều MV như “Tuý ca”, “ Mê khúc”, “Tạ tình”, “Từ giọng hát em”, “Thành phố buồn”… với giọng hát khắc khoải, buồn ám ảnh, có lượng người nghe trên Youtube kỷ lục, có bài lên tới gần 50 ngàn người nghe.

Lan Hạnh: Âm nhạc có khả năng chữa lành 1
Nguyễn Việt Hoà, Tổng Giám đốc Asia Dragon.

Kể về cơ duyên đến với âm nhạc của mình, Việt Hoà thổ lộ:

“Tình yêu âm nhạc không biết đến với mình từ bao giờ nữa. Ngay từ nhỏ, chỉ cần nhắm mắt lại là tôi có thể nghe thấy tiếng chim hót, tiếng suối chảy… Từ 5 tuổi tôi đã thích hát hò, lớn lên xin mẹ đi hát chuyên nghiệp nhưng mẹ không cho.

Ngày xưa ở Đồ Sơn, mình hay nhảy xuống biển hát hò, các bạn phát hiện ra giọng ca của mình khoẻ, nhưng mình còn sợ lắm, không tự tin. Những ngày sống ở nước ngoài, tình cờ trong đêm, mình bắt đầu thấm thía những bài hát về quê hương, về tình yêu của Chế Linh, Thanh Tuyền… và thích những bản bolero buồn từ đó.

Khi chương trình “Doanh nhân hát” mời tham gia, mình rất hồi hộp, vì điểm yếu của mình khi lên sân khấu là…quên lời. Dần dần biểu diễn nhiều, mình mới thấy tự tin hơn.

Asia Dragon sau khi thành công với thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã có chiến lược quay về thị trường nội địa, để phục vụ người tiêu dùng trong nước lĩnh vực dây sợi nông nghiệp, thuỷ hải sản. Tham gia cuộc thi “Tình Bolero” cũng là một điểm cộng cho chiến lược này, quá trình gặp khách hàng, đại lý lớn, mọi người đều nhớ tên “Việt Hoà Tình Bolero à”?

Âm nhạc mang lại cho mình những rung cảm rất đẹp, cảm thấy mình như nước, như cọng cỏ vậy, mềm mại lắm. Với “Tình Bolero” mình không nghĩ lượng khán giả, gameshow nhiều thế. Áp lực sân khấu, quay hình, mỗi tuần 1 bài hát, kéo dài 3 tháng. Đời mình áp lực kiếm tiền chưa bao giờ lớn như áp lực lên sân khấu. Lại còn bị phê phán doanh nhân đẹp lên hát thôi, quần áo đẹp thế làm gì…Mình nghĩ lên sân khấu là phải đẹp, Công Trí mỗi tuần may cho mình 1 bộ…

Từ cuộc thi này, mình học được 3 điều quý giá, nếu quyết tâm sẽ làm được. Mình được sống thật, uỷ mị, nhu mì, hiền lành… Trước đây làm doanh nhân cứ nghĩ phải mạnh mẽ để tạo hình ảnh, khi hát mình có thể khóc, thấy cảm xúc âm ỉ trong mình dài dài. Chưa bao giờ sướng vậy, vì được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của bài hát đó. Mình nhận ra giá trị khát khao yêu thương trong mình, hiểu được nó khi hát thật từ đáy ruột đáy gan, từ đó tự tin hơn nhiều… Tới giờ vẫn còn lâng lâng…

Còn bài “Túy ca” mình ấp ủ nhiều rồi. Mình hát và sống rất thật, y như tiểu thuyết ấy. Bản thu âm đúng vào ngày sinh nhật mình, chỉ là hát thử thôi nhưng nghe thấy khắc khoải quá, thế là quay MV luôn. Cũng là một kỷ niệm…Năm 2016 là một năm rất đẹp với mình, lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc, khiến mình dám hát và dám thu âm. Mình thu âm gần 100 bài rồi.

Từ ngày đó mình đã dám hát ra, dám nói chuyện buồn trên Facebook mà không thấy xấu hổ, cảm thấy mình rất sạch bên trong. Có những người bạn đã commen rất cảm động.

Cuộc chơi âm nhạc không đơn giản, cứ thả lòng thì không sai nhịp, còn căng thẳng là sai nhịp liền. Mỗi lần hát tôi phải theo cảm xúc của bài hát, tự tập. Âm nhạc thú vị lắm, ngân nga trong tôi khắp nơi, trong nhà máy tôi cũng mở nhạc không lời, làm số cũng hát, hát từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối…

Câu chuyện anh Đức Thịnh với đam mê xây dựng một bảo tàng về nhạc cụ khiến mình rất xúc động, vì tính nghệ sĩ trong anh quá mạnh. Nhà hát VOH đã thành hình và phát triển tốt, chứng tỏ sự lãng mạn của anh đã thành hiện thực. Chính anh cũng là nguồn động lực giúp mình tự tin hơn khi theo đuổi đam mê ca hát. Đi đâu mình cũng chú ý, tìm kiếm những nhạc cũ độc đáo để đem về tặng cho anh, góp phần nhỏ bé cho bào tàng nhạc cụ của anh”.