Phó chủ tịch Nutifood tiết lộ con đường sữa Việt được cấp 'visa' vào Mỹ

Quỳnh Như - 14:40, 24/01/2018

TheLEADERĐể thực hiện giấc mơ xuất khẩu các sản phẩm ra toàn cầu, Nutifood đang đổ hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng sản xuất ở trong nước và đang có ý định mở cả nhà máy quy mô lớn ngay tại nước Mỹ.

Ngày 18/1 vừa qua Nutifood và Công ty Delori đến từ Mỹ đã ký kết một hợp đồng lớn nhằm phân phối sản phẩm sữa Pedia Plus trên 300 siêu thị ở California (Mỹ).

Dự kiến, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của Nutifood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. Delori cũng đang nỗ lực đàm phán với các bên liên quan để có thể phân phối sản phẩm Pedia Plus vào hệ thống các siêu thị trên toàn nước Mỹ.

Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi như kế hoạch, sau 5 năm, doanh thu của Nutifood tại thị trường Mỹ sẽ tăng lên 100 triệu USD/năm.

Trao đổi với TheLEADER, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Lê Nguyên Hòa cho biết, việc đánh chiếm thị trường Mỹ mới chỉ vừa bắt đầu.

Phó chủ tịch Nutifood tiết lộ con đường sữa Việt được cấp 'visa' vào Mỹ
Ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch Nutifood.

Thưa ông, đối với việc xuất khẩu sữa, vì sao Nutifood lại chọn nước Mỹ, Delori và California?

Ông Lê Nguyên Hòa: Bất cứ công ty nào cũng muốn được xuất khẩu khi có cơ hội. Với chúng tôi, việc gặp gỡ Delori khiến chúng tôi có cơ hội đến Mỹ.

Trước đây, Delori đã nhập khẩu nước dừa đóng hộp của Việt Nam qua Mỹ. Thế nên, họ khá chú trọng đến thị trường Việt Nam. Trong quá trình tìm hiểu, họ thấy Nutifood có hệ thống sản phẩm rất giống một công ty lớn ở Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm về sữa đặc trị. 

Thế nên, họ đã thử tất cả các sản phẩm của chúng tôi và cuối cùng, Pedia Plus được chọn.

Không phải Delori chủ động tìm đến với chúng tôi, mà qua các cuộc công tác ở Mỹ của anh Hải và chị Lệ (ông bà chủ của Nutifood) trước đây, chúng tôi cũng đã được giới thiệu với Delori. Còn sở dĩ là California vì khả năng phân phối của Delori mạnh nhất ở bang này.

Đặc điểm của thị trường Mỹ rất khó tính, nhưng đặc điểm là đa dạng, nhiều phân khúc khác nhau. Khi một sản phẩm đã được phép nhập khẩu vào nước Mỹ rồi, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm, họ thích cái nào sẽ chọn cái đó. Tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm… đã được đảm bảo đầy đủ rồi, chỉ là họ thích hay không mà thôi.

Đây cũng là cơ hội lớn để chúng tôi muốn nói với các đồng nghiệp khác: Đừng sợ phải xuất ngoại.

Để đưa được sản phẩm sữa vào một thị trường khó tính như vậy, khó khăn lớn nhất của Nutifood trong quá trình đàm phán với đối tác là gì thưa ông?

Ông Lê Nguyên Hòa: Khó khăn lớn nhất của Nutifood trong quá trình đàm phán để được "cấp visa" sang Mỹ chắc chắn là việc thỏa mãn các tiêu chuẩn khắc khe của FDA – Tổ chức kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn của Mỹ. 

Việc đánh giá Pedia Plus và Nutifood đã được FDA ủy quyền cho một bên thứ ba là Michelson Laboratories.

Đầu tiên, chúng tôi nghĩ chắc là mọi chuyện sẽ dễ dàng. Vì bản thân nhà máy sản xuất Pedia Plus tại Bình Dương cũng đã rất tiên tiến và hiện đại, với đủ các tiêu chuẩn về GMP Codex, ISO 22.000, HCCP… 

Nhưng, với việc Pedia Plus là sản phẩm đặc trị axit thấp, là loại sữa bị người Mỹ kiểm soát chặt chẽ nhất, mọi thứ lại không giống như chúng tôi tiên đoán.

Michelson Laboratories không chỉ muốn nhà máy của chúng tôi phải tự động hóa tất cả các khâu mà phải có hệ thống kiểm soát được tự động. 

Ví dụ, ở công đoạn nào đó, nhiệt độ chuẩn phải là 140 độ C, nếu trong quá trình sản xuất, đột nhiên nhiệt độ thấp hoặc cao hơn nhiệt độ chuẩn, thì hệ thống trung tâm phải được báo cáo sự việc và sau đó có phương án xử lý khả thi.

Ngoài ra, nhân sự cũng phải được chuẩn hóa. Tất cả những kỹ sư và chuyên gia vận hành dây chuyền đều phải đi học để lấy các chứng nhận của FDA. Chúng tôi đã mất 6 tháng và 1 triệu USD để kiện toàn nhà máy, dây chuyền sản xuất cũng như con người mới đạt những tiêu chuẩn mà FDA đề ra.

Ông có thể chia sẻ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Nutifood trong tương lai?

Ông Lê Nguyên Hòa : Để mở rộng sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, chúng tôi đang đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để mở thêm một nhà máy mới rộng 20ha ở KCN Sóng Thần 3 và mở rộng thêm 10ha nhà máy 2ha ở Hưng Yên. 

Nếu mọi chuyện thuận lợi, 2 nhà máy này có thể xây xong vào cuối năm 2018 (hiện Nutifood đang có 3 nhà máy ở Bình Dương, Hưng Yên, Gia Lai và 1 nhà máy đang xây dựng ở Hà Nam).

Còn về dây chuyền sản xuất, chúng tôi sẽ mua những dây chuyền có công nghệ hiện đại nhất, như hệ thống máy đóng gói công nghệ tiệt trùng khô Shibuya Log 6 của Nhật. Nếu theo tiêu chuẩn của FDA, mỗi dây chuyền chúng tôi sẽ phải cộng thêm 1 triệu USD.

Về việc xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Delori đã đàm phán với các siêu thị lớn khác như Walmart, 99 cent… để phân phối Pedia Plus ra khắp toàn nước Mỹ. Thêm nữa, khách hàng mục tiêu mà Delori nhắm đến cho Pedia Plus chính là dân gốc châu Mỹ - Latin, nên sắp tới sản phẩm có thể hiện diện cả ở Nam Mỹ.

Sau Pedia Plus, Nutifood có thể mang đến thị trường Mỹ sản phẩm sữa chua ăn nha đam. Lúc đầu, Delori cực kỳ ấn tượng với hương vị và chất lượng của sữa chua ăn nha đam, họ nói nếu xuất khẩu qua Mỹ sẽ thắng chắc. 

Nhưng vì điều kiện bảo quản khó khăn của sữa chua ăn liền, nên sự việc không thành. Tuy nhiên, Nutifood không muốn bỏ cuộc, chúng tôi đang có dự định sẽ xây dựng nhà máy để sản xuất sữa chua nha đam ngay trên đất Mỹ.

Phó chủ tịch Nutifood: 'Các hãng sữa Việt đừng sợ xuất ngoại' 1
Lễ ký kết hợp tác giữa Nutifood và Delori phân phối sữa tại thị trường Mỹ.

Ngoài thị trường Mỹ, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chung quanh như Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc.

Tại Philippines, ở phân khúc sữa dành cho người bệnh, sản phẩm Enplus của chúng tôi đang đứng thứ 3 thị trường, với doanh thu tầm 1 triệu USD/năm.

Hiện tại, nguồn nguyên liệu của 4 nhà máy của Nutifood được lấy ở đâu thưa ông? Nguồn sữa từ trang trại bò sữa 120.000 con liên kết với Hoàng Anh Gia Lai có đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hiện nay không?

Ông Lê Nguyên Hòa: Để cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất từ sữa nguyên kem, sữa tách béo hay các vitamine, khoáng chất, chúng tôi đã nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, từ New Zealand, Úc, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Sỹ.

Vì sản lượng sữa tươi 100% của Nutifood còn thấp, nên trang trại bò sữa hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai cung cấp đủ. Sắp tới, để tăng sản lượng sữa tươi, chúng tôi có thể lập thêm trang trại nuôi bò sữa ở Củ Chi.

Ông đánh giá thế nào về thị trường sữa ở Việt Nam hiện nay? Nutifood đang ở đâu trong thị trường này?

Ông Lê Nguyên Hòa: Thị trường sữa Việt Nam hiện nay đang phát triển rất tốt, dư địa phát triển còn rất nhiều. Theo thống kê năm 2015, bình quân đầu người ở nước ta chỉ là 17 lít/người/năm. Trong khi ở Thái Lan là 35 lít/người/năm, còn ở các nước phương Tây từ 90 lít – 100 lít/người/năm.

Rất khó để có thể thống kê xem thị phần của Nutifood là bao nhiêu. Vì sản phẩm của chúng tôi thiên về sữa đặc trị, chứ không phải sữa tươi hay sữa đặc. Nếu chỉ nói về sữa đặc trị, thì Nutifood đang ở top 3, cùng với Abbott và Vinamilk.

Xin cám ơn ông!