Phó chủ tịch TP.HCM: Có doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành

Hứa Phương - 09:44, 24/01/2019

TheLEADERPhó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng doanh nghiệp bất động sản rất khổ khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án. Một phần là do hạn chế của bộ phận tham mưu, làm máy móc, áp dụng không đúng hoặc do luật còn nhiều kẽ hở. Thậm chí có hiện tượng doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành.

Doanh nghiệp cùng nhau kêu khó

Ngày 23/1, lãnh đạo UBND TP.HCM đã làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA). Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã kiến nghị với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các sở, ngành về những vướng mắc gây khó khăn trong quá trình hoạt động.

Phó chủ tịch TP.HCM: Doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành
Các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM cùng nhau kêu khó về chính sách, thủ tục pháp lý.

Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), đề xuất UBND thành phố và các sở, ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để đơn vị và UBND quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn về đất công đối với dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử thuộc phường 10.

TTC Land muốn được Sở Tài nguyên và môi trường xem xét, đề xuất trình UBND thành phố thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai đối với dự án chỉnh trang đô thị không qua đấu thầu.

Còn Công ty CP Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Phúc Lợi đang triển khai thủ tục để lập dự án chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM. Trong quá trình triển khai các thủ tục lập dự án, hai Công ty có gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường vành đai 2, đường D5 và đường N2.

Công ty Hưng Thịnh và Công ty Thiên Phúc Lợi xin đăng ký được lập dự án và triển khai xây dựng Đường D5 và Đường N2 theo phương thức đối tác công tư (PPP) với hình thức hợp đồng phù hợp quy định của pháp luật.

Theo đó, hai công ty sẽ tự ứng vốn để thực hiện việc thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư và triển khai xây dựng hoàn thành Đường D5 và Đường N2 đúng theo quy hoạch được duyệt. Đối với các chi phí ứng vốn để đầu tư, xây dựng 2 tuyến đường này, đề nghị được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của 2 dự án hoặc được thu hồi vốn thông qua các hình thức phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành.

Còn Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Gia Phú, chủ đầu tư dự án khu nhà ở thương mại - dịch vụ - căn hộ tại số 1472 Võ Văn Kiệt và Gia Phú phường 3, quận 6. Công ty đã hoàn thiện thi công và đang tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình để bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Tuy nhiên hiện nay, Sở Tài nguyên và môi trường đã tạm dừng xem xét, giải quyết hồ sơ thẩm định giá đất dự án để tham khảo ý kiến của các cơ quan ban ngành và chờ văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 12/3 và ngày 29/3, Sở Tài chính đã có văn bản số 1890/STC-CS về khu đất dự án với nội dung xác định khu đất dự án không thuộc đối tượng xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Thông báo số 563/TB-VPCP ngày 7/12/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay Sở Tài nguyên và môi trường vẫn chưa hoàn thành thủ tục thẩm định giá đất dự án. Công ty đề nghị UBND thành phố xem xét để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thủ tục thẩm định giá đất dự án, sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính để đưa dự án vào hoạt động và bàn giao nhà cho cư dân.

Có doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND thành phố sẽ tham dự họp cùng HoREA hàng quý để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản.

Phó chủ tịch TP.HCM: Doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành 1
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu hiện tượng có doanh nghiệp khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành

Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét thị trường bất động sản thành phố hiện rất phức tạp. Dự án nào cũng cũng quảng cáo là ngôi sao nhưng chất lượng không tương xứng nên chính quyền và người dân cần nhận diện, nêu danh doanh nghiệp hoạt động không tốt. Có dự án chưa xây móng đã công khai bán vì vậy UBND TP.HCM sẽ có kênh giúp người dân, nhà đầu tư nhận biết.

Theo ông Tuyến, việc rà soát pháp lý của những dự án có nguồn gốc đất công thông qua cơ quan chuyên môn mà thành phố thực hiện trong thời gian qua là việc hết sức bình thường. Vừa qua UBND thành phố làm chưa chặt chẽ nên gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân lo lắng.

“UBND TP.HCM bảo vệ tuyệt đối quyền và lợi ích của người dân, những dự án đã được sự đồng ý của cơ quan nhà nước được xử lý không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp thất thoát đất công có sự tiếp tay của doanh nghiệp thì xử lý theo pháp luật. Thành phố tiếp tục sẽ tiếp tục tiến hành rà soát trong thời gian tới”, ông Tuyến nói.

Đề cập đến thủ tục pháp lý của dự án, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng doanh nghiệp ngành bất động sản rất khổ.

“Tôi đã từng nghe anh Sáu Phong nói doanh nhân cũng là con người, ngày ăn ba bữa, có khi nhậu thêm 1 bữa là 4, có khác gì nhau đâu, nhưng khi làm dự án thì phải hầu từng cán bộ sở ngành”, ông Tuyến nêu và đề nghị cán bộ sở ngành cần lắng nghe vì doanh nghiệp bất động sản là nguồn lực phát triển, đóng góp ngân sách đáng kể của thành phố.