Phó thống đốc NHNN: “Có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới”

Nhật Hạ - 21:25, 31/03/2021

TheLEADERTất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức bình quân của các nước thuộc ASEAN+4.

Phó thống đốc NHNN: “Có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới”
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại họp báo ngày 31/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 31/3, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, nếu bối cảnh tích cực, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Đồng thời cũng tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp.

"Hết tháng 3, lạm phát tăng khá thấp. Dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực. Do đó, điều hành chính sách lãi suất thời gian tới ưu tiên tiếp tục duy trì sự ổn định", theo Phó Thống đốc.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho biết còn phải lưu ý tới tác động của thế giới như việc giá nhiên liệu có thể tăng 30% trong năm nay, hay lưu ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán để điều hành chính sách lãi suất hợp lý.

Lãi suất được xem là một trong những chỉ số quan trọng và được Ngân hàng Nhà nước điều hành, triển khai quyết liệt. Mặt bằng lãi suất cuối năm 2020 so với giai đoạn 2015-2016 giảm đáng kể, trong đó lãi suất huy động đã giảm 2,3%/năm và lãi suất cho vay bình quân giảm 3,6%.

Đến nay, lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ 4,5%, giảm khoảng 2,5% so với năm 2016. Ông Tú cho biết tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức bình quân của ASEAN+4.

Cũng tại họp báo, Phó thống đốc đã chia sẻ về dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản trong 3 tháng đầu năm thu hút sự chú ý gần đây. Đây là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát sát sao, chặt chẽ nhiều năm qua.

Câu chuyện dịch chuyển giữa dòng vốn tiền tệ chạy sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến, quan tâm trong góc độ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thường xuyên kịp thời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn, rủi ro, ông Tú cho biết.

Đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 2,44%).

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tín dụng cho bất động sản có thể chia thành 2 nhóm. Một là đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao và đây là đối tượng Ngân hàng Nhà nước chủ kiểm soát chặt chẽ và hạn chế. Hai là đối tượng giúp cho thanh khoản hàng hoá bất động sản như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ, nhà ở có tính chất thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

"Sắp tới, trước tình hình bất động sản có dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát và có cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng. Tất nhiên mức tăng 2,13% hiện cũng không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài tổ chức tín dụng có nhanh hơn so với mức bình thường", ông Tú cho biết.

Phó Thống đốc cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bất động sản nóng lên thời gian gần đây là do tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.