Rào cản IPO và niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ

Dũng Phạm - 08:00, 27/05/2023

TheLEADERNhững “thói quen quản trị” chưa đạt chuẩn về nghiệp vụ kế toán, đội ngũ nhân sự hoạt động, tập trung quyền lực, … tạo rào cản cho quá trình IPO và niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp.

Những yêu cầu cần chuẩn bị về quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp cho quá trình IPO và niêm yết của cộng đồng doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là phần “vừa thiếu, vừa yếu”, bà Nguyễn Bích Ngọc – Giám đốc Phát triển kinh doanh MBS nhận xét trong buổi Tọa đàm IPO và niêm yết cổ phiếu, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do VACD kết hợp với Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) tổ chức hôm 25/5.

Đơn cử ở nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang xảy ra các tình trạng như nay ban hành nghị quyết, mai sửa, ngày kia hủy… hay thực hiện các nghị quyết bất chấp quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những “thói quen quản trị” chưa đạt chuẩn về nghiệp vụ kế toán, đội ngũ nhân sự hoạt động, tập trung quyền lực, … vẫn còn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy mặc dù nhu cầu huy động vốn và phát triển công ty là hiện hữu nhưng vẫn còn đó rất nhiều rào cản cần cải thiện ngay trong chính nội bộ các doanh nghiệp Việt.

Quản trị tốt được xem như nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp, đồng nghĩa mang lại hiệu quả cao và lợi ích cho nhà đầu tư. Quản trị doanh nghiệp cũng là công cụ giúp tách biệt giữa sở hữu và quản lý. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang dần quan tâm đến việc xây dựng cách thực quản trị một cách bài bản. Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam đang ở nhiều mức độ khác nhau và chưa có sự đồng đều, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xét về mặt cơ chế chính sách, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty, hướng tới tiệm cận chuẩn mực quản trị công ty tốt theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt. Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cũng được hoàn thiện nội dung về quản trị doanh nghiệp.

Xét về góc độ doanh nghiệp, hơn ai hết chính doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng họ có vai trò quan trọng trong vấn đề quản trị công ty tốt cho lợi ích của chính doanh nghiệp. Thêm nữa, doanh nghiệp không chỉ cần thực hiện đúng và đủ quy định của pháp luật mà còn phải hướng tới áp dụng quản trị theo thông lệ quốc tế tốt, ở mức cao hơn luật nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh, xu hướng kinh doanh mới với vô vàn cơ hội được mở ra cùng với không ít những điều kiện, thách thức đi kèm.

Trở lại với mục tiêu IPO và niêm yết, cơ hội mà các doanh nghiệp có thể nhận được sau khi thực hiện IPO là rất lớn khi có thể tiếp cận lượng vốn vô cùng dồi dào từ thị trường, nâng cao trình độ quản trị, giá trị tài sản cũng như hình ảnh,vị thế của doanh nghiệp, … nhưng đi kèm với đó cũng là những thách thức về tính minh bạch, tính quy mô và các hoạt động về quản trị doanh nghiệp. Những rủi ro mà doanh nghiệp sau khi IPO thành công như phân tán quyền kiểm soát, áp lực tăng trưởng, áp lực về duy trì tính minh bạch thông tin cũng cần được doanh nghiệp tính tới để có thể có những phương hướng hành động cụ thể, tránh bị “choáng ngợp” khi “vươn mình ra biển lớn”.

Trên thực tế, đã có 8 thương vụ IPO được thực hiện thành công trong nước vào năm 2022 với số vốn được gọi qua IPO lên tới 71,4 triệu USD và giá trị vốn hóa các doanh nghiệp này là 537 triệu USD. Mặc dù số thương vụ IPO thấp hơn so với 13 đợt chào bán được ghi nhận trong năm 2021, nhưng số tiền huy động được đã tăng hơn gấp bốn lần, từ 15,6 triệu USD lên 71,4 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang “vừa thiếu, vừa yếu” trong công tác quản trị 1

Trong đó, tập trung chủ yếu vào nửa đầu năm 2022, thị trường vốn khởi động với 6 đợt IPO thành công, huy động được 65 triệu USD, tiếp nối những diễn biến sôi động của thị trường trong nửa cuối năm 2021. Trong giai đoạn này, thị trường Việt Nam chứng kiến hai thương vụ IPO thành công huy động được hơn 20 triệu USD mỗi công ty, từ Tôn Đông Á và Nova Consumer. Thị trường có dấu hiệu chậm lại trong nửa cuối năm, do những bất ổn toàn cầu về lạm phát và khả năng suy thoái ngày càng tăng. Tại Việt Nam, xu hướng này tiếp tục bị chi phối bởi giá nhiên liệu leo thang, lãi suất tăng, thị trường vốn thắt chặt và các vụ bê bối tài chính gần đây.

Hiện trên thị trường cũng có nhiều công ty thông tin về kế hoạch chuẩn bị chào bán nhưng bản thân các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi đến khi diễn biến thị trường có dấu hiệu tích cực hơn. Những thay đổi gần đây về quy định trên thị trường vốn như áp dụng các quy định khuyến khích tính minh bạch, hiệu quả và uy tín trong quy trình chào bán, đồng thời đề xuất thúc đẩy việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp nhưng đồng thời sẽ góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn và sự sôi động của thị trường vốn trong nước.