Ráo riết bán các tài sản liên quan đến tập đoàn TNG

Minh An - 11:41, 19/12/2017

TheLEADERTrong hơn một năm qua các công ty liên quan đến tập đoàn TNG (TNG Holdings) đã bán hàng loạt tài sản thu về hơn 100 triệu USD.

Ráo riết bán các tài sản liên quan đến tập đoàn TNG
TNR Tower Nguyễn Chí Thanh.

Từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều tài sản của các công ty liên quan đến bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và chồng là ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Maritime Bank, đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tổng giá trị nguồn tiền thu được lên đến hàng trăm triệu USD được cho là sẽ sử dụng vào các dự án bất động sản đang được phát triển bởi các công ty liên quan tập đoàn TNG do hai người sáng lập.

Lĩnh vực tài chính: Bán công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, khoản đầu tư vào MBB

Giữa năm 2017, Maritime Bank đã bán toàn bộ 81 triệu cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng Quân đội (mã: MBB) cho CTCP Phát triển Hà Nam. Dựa trên số lợi nhuận và giá vốn mà Maritime Bank ghi nhận, giá trị thương vụ này khoảng 2.000 tỷ đồng (gần 90 triệu USD).

Xu hướng tăng liên tục với thanh khoản cao của cổ phiếu MBB từ đầu năm là cơ hội để công ty Phát triển Hà Nam có thể bán cổ phiếu MBB trên thị trường và thu lợi nhuận. Ông Tuấn và bà Hường trước đây sở hữu trực tiếp công ty Phát triển Hà Nam, tuy nhiên trước khi công ty này mua cổ phiếu MBB, cả hai đã chuyển nhượng cho các cổ đông khác.

Ông Trần Anh Tuấn cũng từng nắm giữ 50% cổ phần của công ty quản lý quỹ Tín Phát (TPF). Sau nhiều lần chuyển nhượng cho các cá nhân, mới đây, các cổ đông của TPF đã bán 100% cổ phần cho Mirae Asset Global Investment. TPF hoạt động trầm lắng trong nhiều năm qua, giá trị tài sản ủy thác cuối năm 2016 chỉ là hơn 111 tỷ đồng. Đến tháng 9/2017, công ty có vốn chủ sở hữu 30 tỷ đồng (gần 1,5 triệu USD).

Hai tháng trước, công ty Chứng khoán MSI (trước đây là Chứng khoán Maritime Bank) được bán lại cho tập đoàn tài chính KB Financial của Hàn Quốc với giá 33 triệu USD. Bên bán là một nhóm 14 cá nhân và tổ chức, bao gồm các công ty liên quan đến tập đoàn TNG của ông Tuấn và bà Hường như công ty Maritime Bank AMC, Công ty Nam Đức.

Chào bán khoản đầu tư vào Vinatex và công ty tài chính FCCOM

Trong khi đó, tiền thân của TNG Holdings là VID Group gần đây đã được Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho phép chuyển nhượng tự do 70 triệu cổ phần đã mua từ năm 2014 theo hình thức đối tác chiến lược. Mặc dù theo quy định, VID Group phải nắm giữ số cổ phần này trong 5 năm nhưng tập đoàn này đã xin thoái vốn chỉ sau 3 năm nắm giữ.

Được biết, một tập đoàn Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua một nửa số cổ phần này trị giá khoảng 23 triệu USD. Tuy nhiên đến tháng 9/2017, giao dịch vẫn chưa được thực hiện. Với việc gỡ bỏ hạn chế chuyển nhượng mới đây, giao dịch này có thể sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Một tài sản sản giá trị khác thuộc sở hữu của Maritime Bank (MSB) là Công ty tài chính Cộng đồng (FCCOM). Trong khi VPBank biến công ty tài chính thành “món đồ trang sức” và thu về nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm, thì MSB gần như không phát triển hoạt động của công ty tài chính được mua lại từ năm 2015.

Đến giữa năm 2017, FCCOM không có khoản cho vay khách hàng nào, tổng tài sản hơn 592 tỷ đồng, được hình thành chủ yếu từ vốn điều lệ (500 tỷ đồng) và lợi nhuận tích lũy. Một nguồn tin cho biết, giá chào bán FCCOM hiện nay vào khoảng 60 triệu USD. Công ty này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài để tìm cách bước chân vào thị trường tài chính tiêu dùng hấp dẫn của Việt Nam.

Lĩnh vực bất động sản: Chào bán các tòa nhà văn phòng TNR Tower

Cuối tháng 10, truyền thông đưa tin Karamco, công ty quản lý tài sản Hàn Quốc sắp hoàn tất việc mua lại tòa nhà TNR Tower Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) với giá trị 62 triệu USD. Đây là tài sản do TNR Holdings quản lý, công ty này thuộc TNG Holdings, tập đoàn đa ngành do ông Tuấn và bà Hường sáng lập.

Tập đoàn Hanwha, tổ chức cung cấp tài chính cho Karamco trong giao dịch này, được cho là người thực sự mua tòa nhà trên nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động của công ty Bảo hiểm Hanwha tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực bất động sản, các môi giới thương vụ M&A cho biết TNR cũng chào bán hai tòa nhà văn phòng khác ở Hà Nội là TNR Nguyễn Chí và TNR Trần Hưng Đạo. Năm 2016, tòa nhà TNR Nguyễn Chí Thanh được mua lại với giá 110 triệu USD từ Vingroup.

Ráo riết bán các tài sản liên quan đến tập đoàn TNG
Các lĩnh vực kinh doanh của TNG Holdings

Tập trung vốn cho các dự án căn hộ đang xây dựng

TNG Holdings được giới thiệu là tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành đầu tư vào nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, bán lẻ và đầu tư kinh doanh bất động sản...

Trong đó lĩnh vực bất động sản, công ty thành viên TNR đang phát triển 4 dự án Goldmark City, GoldSeason, Goldsilk Complex (Hà Hội) và The Goldview (TP.HCM) có quy mô gần 10.000 căn hộ. Ngoài trừ GoldSeason, các dự án này còn lại đều đã bắt đầu bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Tuy vậy, TNR vẫn đang cần một lượng vốn lớn để hoàn thiện các dự án này và triển khai các dự án khác. Hiện tại, công ty này đang phát triển hai khu đô thị là Star Tân Trường tại Hải Dương (32ha) và Star Đồng Văn tại Hà Nam (46ha).

Ngoài ra, một loạt dự án khác của TNR đang có kế hoạch triển khai như KĐT Hà Nội Đài Từ, dự án tại 517 Kim Mã, dự án số 4 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hay các dự án khu dân cư Phú Hữu, Nhật Nguyệt (TP.HCM).