Rời Trung Quốc, chuỗi cung ứng mua mạnh hàng hóa từ Việt Nam

Nhật Minh - 20:28, 23/04/2021

TheLEADERViệt Nam được lựa chọn là thị trường mua hàng hàng đầu cho chuỗi cung ứng quốc tế trong chiến lược rời Trung Quốc.

Qima, đơn vị cung cấp hàng đầu về các giải pháp cho chuỗi cung ứng, trong báo cáo mới đây đánh giá Việt Nam đang dần phổ biến hơn đáng kể với vị thế là nguồn cung, chiếm ưu thế trong cạnh tranh khu vực với Trung Quốc vào 2020 và 2021.

Báo cáo của Qima khảo sát các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế, xem xét những điểm nổi bật trong quý I/2021 và những xu hướng mới nổi có thể ảnh hưởng đến việc tìm nguồn cung trong những tháng tới.

Cụ thể, Việt Nam là lựa chọn đầu tiên và truyền thống với những người mua muốn đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc. Thị trường này đã trở nên phổ biến hơn với người mua phương Tây, tăng trưởng nhảy vọt trong vài năm qua và xu hướng này vẫn sẽ được duy trì trong năm 2021.

Dữ liệu từ Qima cho biết hoạt động thanh tra, kiểm tra nguồn hàng từ Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay đã gia tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng quý thứ ba liên tiếp kể từ sự phục hồi hậu Covid-19 vào giữa năm 2020.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng trên không chỉ đơn giản là quay trở lại mức trước đại dịch bởi nhu cầu thanh, kiểm tra trong quý I/2021 đã tăng gấp đôi so với quý I/2019.

Sự gia tăng này phù hợp với kết quả của cuộc khảo sát về tìm nguồn cung ứng toàn cầu của Qima, trong đó 43% doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ cho biết Việt Nam nằm trong tốp ba thị trường mua hàng lớn nhất đầu năm nay. Con số này cao gấp đôi tỷ lệ quan sát được vào năm 2019.

Bên cạnh đó, Qima nhận định việc tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn người mua và điều này nhiều khả năng sẽ định hình bức tranh nguồn cung vào năm nay.

Không chỉ vậy, khoảng 1/3 người mua trên toàn cầu và 38% đơn vị có trụ sở tại Mỹ gọi tên Việt Nam trong số các thị trường dự kiến gia tăng sức mua vào năm 2021.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực được hưởng lợi từ quá trình mở rộng quy mô kinh doanh, khi dữ liệu của Qima về nhu cầu thanh, kiểm tra, kiểm toán tại Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trên diện rộng. Mức gia tăng này được thúc đẩy bởi sự quan tâm trở lại của các thương hiệu Mỹ và châu Âu.

Cùng với Việt Nam, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận tốc độ tăng đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp dự kiến dần thoát khỏi “bóng ma” Covid-19, nguồn cung ứng từ Trung Quốc đã phục hồi nhưng chưa trở lại ngưỡng trước dịch bệnh.