Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ đợt phát hành của IDJ Việt Nam

Trần Anh - 10:10, 25/07/2019

TheLEADERBản công bố thông tin của Công ty IDJ Việt Nam nhấn mạnh nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) mới đây công bố đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp iBond dự kiến hoàn tất vào tháng 10 năm nay với quy mô 10 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp này không có tài sản đảm bảo, thời gian đáo hạn 3 năm với lãi suất dự kiến 13%/năm.

Đây là đợt phát hành thứ 2 trong tổng số 5 đợt phát hành trái phiếu iBond trong năm 2019 của IDJ. Trước đó, đầu năm nay công ty đã tiến hành đợt phát hành thứ nhất với quy mô 10 tỷ đồng.

Công ty IDJ Việt Nam cho biết, mục đích của đợt phát hành trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động tại các dự án phát triển bất động sản để đáp ứng chi phí chuẩn bị, marketing và các chi phí phục vụ dự án. Ngoài ra, còn dùng để đầu tư vào dự án trọng điểm của công ty và cung cấp nguồn vốn thực hiện việc đấu giá, phát triển các quỹ đất mới cho Công ty, M&A dự án.

Hiện tại, dự án quan trọng nhất của IDJ là APEC Mandala Wyndham Mũi Né tại Phan Thiết, Bình Thuận. Đây là dự án IDJ làm chủ đầu tư, có quy mô 4,5 ha, sẽ cung cấp ra thị trường gần 3.000 căn condotel. Thời gian thi công dự kiến từ quý 3/2019 đến quý 1/2021.

Ngoài ra, Công ty còn dự kiến triển khai các dự án APEC Dianmond Park Lạng Sơn rộng 5,5ha bao gồm 1 tòa thương mại dịch vụ, 240 căn biệt thự và dự án APEC Mandala Officetel Hải Dương gồm 175 căn hộ condotel.

Cuối năm ngoái, IDJ còn lập liên doanh CTCP Đầu tư Quốc tế Dubai có vốn điều lệ 357 tỷ đồng, để thực hiện dự án APEC Dubai Towers Ninh Thuận. Dự án này rộng 2,2 ha và có tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đối tác còn lại chiếm 55% cổ phần liên doanh là APEC Investment, công ty từng sở hữu hơn 20% cổ phần của IDJ.

Với quy mô vốn thấp, IDJ thường chỉ giữ vai trò chủ đầu tư còn APEC Investment đóng vai trò nhà phát triển dự án hợp tác giữa hai bên. Mặc dù vậy việc IDJ vẫn phải đi huy động vốn để tham gia vào các giai đoạn chuẩn bị, marketing cho dự án.

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ đợt phát hành của IDJ Việt Nam
Phối cảnh APEC Mandala Wyndham Mũi Né

Thời gian gần đây, không chỉ IDJ mà rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn, thậm chí có một số doanh nghiệp công bố các đợt huy động quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Mức lãi suất được các công ty bất động sản đưa ra thường rất hấp dẫn, giao động từ 12 – 14,5%/năm, thường được doanh nghiệp mang ra so sánh với bảng lãi suất tiền gửi ngân hàng để hấp dẫn nhà đầu tư. 

Mặc dù vậy, nhìn vào bản công bố thông tin đợt phát hành trái phiếu của IDJ có thể thấy các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ẩn chứa hàng loạt rủi ro khác nhau.

Bản công bố nhấn mạnh nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Nhắc tới các yếu tố rủi ro của đợt phát hành trái phiếu, ngoài các vấn đề cơ bản như rủi ro kinh tế, lạm phát hay rủi ro pháp luật, IDJ cũng công bố các rủi ro đặc thù như danh mục tài sản của IDJ có tính thanh khoản tương đối thấp và khả năng bán một số hoặc toàn bộ tài sản của IDJ trong danh mục một cách kịp thời có thể bị hạn chế.

Dòng tiền của công ty cũng có thể bị ảnh hưởng từ việc bán các dự án bất động sản của IDJ cùng kết quả hoạt động của Công ty phụ thuộc vào tiến độ thi công và việc hoàn thiện thành công các dự án này và có thể có biến động khá lớn từ giai đoạn tài chính này sang giai đoạn tài chính khác.

Dù đã liệt kê khá nhiều rủi ro, IDJ nhấn mạnh danh mục các yếu tố rủi ro nêu trên không phải là bảng liệt kê hay giải thích đầy đủ về tất cả các rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào trái phiếu.

Thông thường, một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự tham gia của doanh nghiệp (phát hành trái phiếu) – ngân hàng/công ty chứng khoán (đơn vị tư vấn/ phân phối/bảo lãnh/ quản lý tài sản bảo đảm) – nhà đầu tư (người mua).

Trong đó, cả doanh nghiệp lẫn đơn vị tư vấn/phân phối đều thu về lợi ích khi trái phiếu được phát hành thành công. Do đó, khi không tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin được doanh nghiệp phát hành công bố và chịu nhiều rủi ro.

Hiện tại, chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải có đánh giá tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Đây cũng là rào cản cho việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.

Dù chưa được nhìn nhận đúng, song trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát triển mạnh, tầm quan trọng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong và ngoài nước sẽ sớm được đẩy mạnh. Được biết, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng phải xếp hạng tín nhiệm.