'Sẽ không có sự độc quyền trên môi trường số'

Nhật Hạ - 18:13, 23/09/2022

TheLEADERNguyên tắc ngành nào thì quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số và tự làm chuyển đổi số. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số, do đó sẽ không có sự độc quyền trên môi trường số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu hoàn thiện dự án luật sửa đổi không tốt, đặc biệt là nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc là không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, cần cân nhắc hết sức thấu đáo trong quá trình xây dựng luật.

Theo đó, ngành nào thì quản lý ngành đó trên môi trường số là nguyên tắc phổ quát, không chỉ của luật này. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng không có bộ, ngành nào làm việc này.

“Sẽ không có bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Như các hoạt động về báo cáo giám sát các giao dịch điện tử sẽ do các bộ, ngành quy định. Luật chỉ nhấn mạnh, nếu báo cáo thì báo cáo online.

Theo dự thảo luật mới, các thành tố số cơ bản sẽ được tạo ra để làm cơ sở pháp lý chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số và giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp hiện hành quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số mà không cần xây dựng thêm các bộ luật mới riêng cho môi trường số.

Ông Hùng cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ không làm công việc chuyển đổi này mà là việc của các bộ, ngành sẽ phải làm.

'Sẽ không có sự độc quyền trên môi trường số'
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Luật Giao dịch điện tử mới là điều kiện cần để các bộ, ngành quy định chi tiết về các giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Nguyên tắc thực giao là ‘số và số’, các giao dịch đời thực sẽ được ánh xạ vào các giao dịch điện tử. Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng, đảm bảo chi phí thấp hơn trong môi trường thực và làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc môi trường số phức tạp lại đắt hơn. Bên cạnh đó phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

“Luật cũng quy định là ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn hoặc là offline hoặc là online”, Bộ trưởng cho biết.

Thêm nữa, trong đời thực có giấy tờ, chữ ký, đóng dấu thì dự luật gọi là giấy tờ điện tử, chữ ký điện tử, đóng dấu điện tử. Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản, dễ hiểu và cố gắng hơn nữa để có thể có được một bộ luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng lại rất dễ hiểu để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số toàn dân và toàn diện, khả thi, có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết bà tán thành việc dự luật lần này dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh các hoạt động giao dịch điện tử liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội.

Trong đó bao gồm cả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác; văn bản thừa kế; giấy đăng ký kết hôn; quyết định ly hôn; giấy khai sinh; giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác.

Việc này là phù hợp với điều kiện thế giới công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay, khi công nghệ số và chữ ký số ở Việt Nam đã được áp dụng ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, bà Thanh băn khoăn khi hầu hết lĩnh vực mở rộng này lại được thực hiện từ cơ sở, như kết hôn, khai sinh, khai tử theo pháp luật về tư pháp; còn chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo pháp luật về đất đai, nhà ở. Vậy quá trình triển khai này liệu có khó khăn, vướng mắc.

Khi triển khai không đánh giá kỹ tác động, không thực hiện được thì hệ quả pháp lý cũng như về mặt kinh tế rất lớn, bà Thanh cho biết.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, có những quy định phù hợp đối với những loại hình giao dịch điện tử do phần mềm trí tuệ nhân tạo thực hiện. Nếu không quy định phải có những điều, khoản thế nào để xác định phạm vi và để hiểu rằng không điều chỉnh những loại giao dịch như thế.

Hiện nay, Bộ Công an đã có đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Việc này phục vụ cho Chính phủ điện tử và các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào trong Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch. Ông cho rằng luật này đủ điều kiện để đưa ra Quốc hội trong kỳ họp tới để thảo luận.

Tuy nhiên, ông Tới cũng băn khoăn về vấn đề giao dịch điện tử qua biên giới của cá nhân liên quan đến nước ngoài; giao dịch điện tử liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có quy định trong luật này hay ở nghị định riêng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và giao dịch điện tử.

Thêm nữa, hiện nay có tình trạng vừa cung cấp giao dịch điện tử nhưng các cơ quan yêu cầu hoạt động phải có giấy tờ. Tình trạng đó gây bất tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra một kẽ hở trong pháp luật là tiêu cực trong này.

Do đó, ông Tới đề nghị cần phải quy định về nguyên tắc bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ dưới bất kỳ hình thức nào.

'Sẽ không có sự độc quyền trên môi trường số' 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Lý giải về đề nghị làm rõ tính khả thi, cân nhắc mức độ mở rộng và lộ trình thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mở rộng giao dịch điện tử ra các lĩnh vực nhưng “hàm ý không bắt buộc” là chưa đủ.

“Quan điểm và thể hiện điều khoản của luật phải thể hiện được việc đấy, chứ không chỉ nói tôi quy định như thế này hàm ý không bắt buộc vì quyền của công dân, chưa kể những vấn đề thuộc lĩnh vực bí mật riêng tư”, Chủ tịch Quốc hội phân tích. “Chúng ta không bắt buộc, nên cần thuyết minh là những quy định một phần để đảm bảo thuận lợi cho người dân, mặt khác cũng đảm bảo an toàn, an ninh”.

Ông đặt vấn đề: Những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bất khả xâm phạm, có cách nào bảo vệ khi thực hiện giao dịch điện tử? Hạ tầng có phải lúc nào cũng đáp ứng được không? Đồng thời, với các quy định giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giao dịch trong một số lĩnh vực khác rất quan trọng như thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng… có đặc thù thì cần thiết có những quy định riêng hoặc quy định khung để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn không?