Sẽ quản lý triệt để Zalo, Viber, Telegram

Việt Hưng - 12:03, 03/06/2023

TheLEADERBộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc quản lý các OTT viễn thông như Zalo, Viber, Telegram... sẽ là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số của cả xã hội.

Trình Quốc hội dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc cần quản lý các dịch vụ OTT viễn thông như Zalo, Viber, Telegram... nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng và quyền lợi người dùng.

Theo ông Hùng, trước đây, việc cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng và quản lý hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông.

Song, ngày nay trên internet cũng có thể triển khai dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, đặt ra bài toán quản lý phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dịch vụ cùng vấn đề an toàn, an ninh.

Vì vậy, dự thảo quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp và hình thức cấp phép với dịch vụ viễn thông, trong đó có trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo cơ chế khuyến khích dịch vụ mới phát triển.

Sẽ quản lý triệt để Zalo, Viber, Telegram
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Media Quốc Hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, OTT về bản chất là dùng Internet để cung cấp phần mềm ứng dụng, như Zalo, Viber, Telegram. Theo kinh nghiệm quốc tế, về cơ bản, OTT được chia thành hai loại chính, gồm OTT viễn thông và OTT cung cấp nội dung thông tin.

OTT có chức năng hội thoại, họp trực tuyến, chat, tin nhắn không thu phí. Đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông nhiều quốc gia, trong đó có thị trường Việt Nam.

Quản lý OTT viễn thông sẽ là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất quản lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng bảo hộ ngược giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, với dịch vụ OTT viễn thông có thu cước, nhà cung cấp trong nước phải có giấy phép, còn nhà cung cấp xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với một nhà cung cấp được cấp phép trong nước.

Trường hợp dịch vụ OTT viễn thông không thu cước, nhà cung cấp cần thông báo, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Riêng nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có quy mô lớn tại Việt Nam, ví dụ theo số người sử dụng, phải có thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến quyền lợi người sử dụng và tuân thủ pháp luật.

Thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam hiện không có liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Một số khu vực, quốc gia ở châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc đã phân loại dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và thực hiện quản lý theo pháp luật về viễn thông.